Các bài về mục ATTP trên trang KHCNVới mục tiêu kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập, phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, ngày 18/03/2022, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch "Triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2022" (Kế hoạch).
Nâng cao trách nhiệm của cơ sở quản lý
Từ lâu, vấn đề đảm bảo ATTP luôn được Nhà nước quan tâm và chú trọng. Để thực hiện tốt công tác này, trách nhiệm của cơ sở quản lý cần được đẩy mạnh.
Theo Kế hoạch ban hành, Sở Y tế sẽ chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thực hiện Kế hoạch trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đồng thời làm đầu mối tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương và UBND tỉnh theo quy định. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Sở Công Thương, các sở, ban, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế thực hiện các hoạt động liên ngành của Kế hoạch này.
Nâng cao trách nhiệm của cơ sở quản lý là điều kiện tiên quyết trong vấn đề bảo đảm ATTP. (Ảnh: mard.gov.vn/)
Quyết định của tỉnh Đồng Tháp cũng nêu rõ, về vấn đề chỉ đạo và điều hành, cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền đối với công tác bảo đảm ATTP. Triển khai đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP, đồng thời phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP các cấp. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò của Tổ Công tác giúp việc của Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh, vai trò trách nhiệm của các sở, ngành liên quan đến công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh ATTP.
Về vấn đề chuyên môn kỹ thuật, các sở, ban, ngành, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi về ATTP. Xây dựng, phát triển các kỹ năng truyền thông để nâng cao số lượng, chất lượng các tài liệu và thông điệp truyền thông về ATTP. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý triệt để các vi phạm pháp luật về ATTP, đồng thời tiếp tục triển khai và nhân rộng trong tỉnh các mô hình quản lý ATTP tiên tiến.
Đối với vấn đề nguồn lực, cần tiếp tục kiện toàn đội ngũ chuyên trách ATTP các tuyến, nâng cao khả năng quản lý, điều hành các hoạt động bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh. Bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ quản lý ATTP. Tiếp đó, cần xem xét và đẩy mạnh cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, khai thác hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Quyết tâm thực hiện các mục tiêu
Bên cạnh việc nêu cao trách nhiệm và biện pháp xử lý của cơ sở quản lý, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đề ra các mục tiêu cụ thể cho các ban, ngành thực hiện.
Đối với ngành Y tế, cần hạn chế thấp nhất việc xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể (từ 30 người mắc/vụ). Đề ra mục tiêu đạt trên 85% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người quản lý và người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm. Đạt trên 90% cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm đạt điều kiện an toàn thực phẩm. Các cơ sở dịch vụ ăn uống do tỉnh quản lý và cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm do ngành y tế quản lý được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đạt trên 90%. Sản phẩm thực phẩm tự công bố phải được kiểm nghiệm giám sát đạt trên 50%...
Đối với ngành Công Thương, đề ra chỉ tiêu 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định. 100% cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP (tỉnh, huyện), có chứng chỉ lấy mẫu về ATTP theo quy định. Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ (không thuộc đối tượng cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP) thực hiện bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đối với cơ quan có thẩm quyền theo quy định đạt 80%. Sản phẩm thực phẩm tự công bố phải được lấy mẫu giám sát đạt cần trên 40%. Đối với người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng, người quản lý được cập nhật kiến thức về ATTP cần đạt 85%...
Đối với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quyết định đề ra mục tiêu đưa tỷ lệ mẫu vượt mức cho phép/tổng số mẫu được kiểm tra ATTP trong các chương trình giám sát quốc gia về ATTP nông sản đạt <6%. Tỷ lệ mẫu vượt mức cho phép/tổng số mẫu được kiểm tra ATTP trong các chương trình giám sát quốc gia về ATTP thủy sản đạt <4%. Đạt 100% đối với người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người quản lý, 90% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP…
Cuối cùng, đối với UBND huyện, thành phố, cần đạt được 85% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống thuộc diện cấp Giấy chứng nhận được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Đối cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP được tổ chức ký Bản cam kết đảm bảo ATTP cần đạt 90% và ít nhất 60% cơ sở được kiểm tra sau ký khi cam kết. Ngoài ra, khuyến khích các địa phương triển khai mô hình sản xuất rau, củ, quả an toàn hoặc khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bảo đảm điều kiện về ATTP.
Theo Trang TTĐT Khoa học công nghệ ngành Công Thương