Hiệu quả từ dự án “Áp dụng Hóa học xanh” tại Việt Nam
Chuyển dịch sang năng lượng xanh, sạch là xu hướng chung của thế giới, trong đó, việc phát triển chuỗi cung ứng cũng như ngành công nghiệp phụ trợ là không thể chậm trễ. Các chuyên gia cho rằng, để trở thành trung tâm phát triển - cung ứng điện gió thì Việt Nam cần phát huy tốt nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành công nghiệp điện gió gắn với chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistic trong thời gian tới.
Tại hội thảo tổng kết dự án “Áp dụng Hóa học xanh tại Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh và giảm thiểu việc sử dụng và giảm phát thải các hóa chất hữu cơ khó phân hủy (POPs) và hóa chất nguy hại” do Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tổ chức ngày 25/1, ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất cho biết: Đây là dự án có đóng góp các kết quả rất quan trọng cho Bộ Công Thương và Cục Hóa chất, góp phần hỗ trợ xây dựng “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”. Bên cạnh đó, ngành hóa chất cũng đang có kế hoạch xây dựng tổ hợp công nghiệp hóa chất nhằm hướng đến quản lý môi trường, quản lý an toàn hóa chất một cách tốt hơn trong thời gian tới.
Hội thảo tổng kết dự án “Áp dụng Hóa học xanh tại Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh và giảm thiểu việc sử dụng và giảm phát thải các hóa chất hữu cơ khó phân hủy (POPs) và hóa chất nguy hại” |
Được thực hiện từ năm 2018 đến năm 2021, dự án “Áp dụng Hóa học xanh tại Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh và giảm thiểu việc sử dụng và giảm phát thải các hóa chất hữu cơ khó phân hủy (POPs) và hóa chất nguy hại” đã đạt được các kết quả chính bao gồm giảm 6,3kg thủy ngân phát thải ra môi trường; loại bỏ được 1.578 tấn nguyên vật liệu sản phẩm chứa POP; hơn 3,6 tấn chất POP nguyên chất; giảm phát thải 1.072 tấn CO2 và giảm sử dụng 7.100kg một số hoá chất độc hại khác như Cr6+, Cu và muối Ni.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất phát biểu tại Hội thảo |
Bên cạnh đó, dự án cũng đã hỗ trợ áp dụng hóa học xanh trong ngành sơn và ngành mạ điện; có 4 dây chuyền công nghệ mới gồm 1 dây chuyền mạ kẽm kiềm trao Cr3+ thụ động, 1 dây chuyền mạ kẽm kiềm quay Cr3+ thụ động, dây chuyền sơn phủ kẽm và hệ thống thiết bị sản xuất sơn hiệu năng cao. Tổng năng lượng tiết kiệm được là 1.134.000GJ tương đương 42.000 tấn than.
Trong đó, đã có 65 doanh nghiệp hưởng lợi từ dự án và có 03 trường đại học tham gia trực tiếp vào dự án với sự tham gia của hơn 210 sinh viên tham gia các khóa đào tạo. Ngoài ra, dự án cũng đóng góp vào việc rà soát, kiến nghị lồng ghép các nguyên tắc của hóa học xanh vào Luật hHóa chất sửa đổi và dự thảo “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”. Dự án đã thành lập mạng lưới chuyên gia hóa học xanh được đặt tại Hội hóa học Việt Nam…
Ông Patrick Harverman- Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, để tiếp tục thúc đẩy hóa chất xanh ở Việt Nam điều quan trọng là cần đưa hóa học xanh vào Luật Hóa chất 2007 sắp được sửa đổi trong thời gian tới. Hóa học xanh không chỉ mang lại các lợi ích về môi trường mà cả các cơ hội cho các doanh nghiệp như giảm việc sử dụng nước, tiết kiệm năng lượng, tạo các cơ hội cạnh tranh để doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việc thúc đẩy tài chính xanh như các khoản vay xanh hoặc trái phiếu xanh cũng rất cần thiết để khuyến khích các khu vực tư nhân huy động nguồn lực, thúc đẩy đầu tư vào hóa học xanh sản xuất sạch hơn. Song hành với đó, giáo dục và đào tạo về hóa học xanh là điều cốt lõi để đảm bảo có thể triển khai hóa học xanh trong thực tế một cách hiệu quả- ông Patrick Harverman nhấn mạnh.
Báo cáo về quá trình thực hiện dự án, ông Lưu Hoàng Ngọc- Phó Cục trưởng Cục Hoá chất, Giám đốc Dự án chia sẻ: Hóa học xanh là xu hướng phát triển bền vững của công nghiệp hóa chất ở mọi quốc gia. Việc áp dụng hóa học xanh trong sản xuất giúp giảm mức độ ô nhiễm môi trường, đất, nguồn nước từ đó giảm bớt các tác động xấu của hóa chất độc hại tới sức khỏe con người. Theo ước tính, mỗi năm sản xuất công nghiệp tại Việt Nam phát thải khoảng 3 triệu tấn chất thải rắn, có khoảng 30% là chất thải độc hại. Do đó, việc nâng cao tính thực tiễn trong hoạt động giảng dạy về hóa học xanh ở các trường đại học hiện nay và áp dụng vào việc sản xuất là điều rất cần thiết.
Tất cả các hoạt động hoá chất hiện nay đều hướng đến mục tiêu phát triển ngành hoá chất Việt Nam một cách bền vững và đảm bảo an toàn cho môi trường. "Chúng tôi rất hy vọng các bạn sinh viên cũng được trang bị các kiến thức, kinh nghiệm thực tế về phát triển bền vững và hoá học xanh ngay từ khi còn trên ghế nhà trường"- ông Lưu Hoàng Ngọc chia sẻ.
Dự án hóa học xanh kiến tạo môi trường thuận lợi cho việc giới thiệu hóa học xanh và những ứng dụng hóa học xanh cho các ngành sản xuất tại Việt Nam nhằm mục tiêu giảm thiểu việc sử dụng và phát thải các hóa chất thuộc danh mục kiểm soát của Công ước Stockholm (về POPs) và Công ước Minamata (về thủy ngân).
Cùng với đó, tại Việt Nam, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất và sử dụng hoá chất đã có những nỗ lực nhằm đầu tư chuyển dịch hoạt động sản xuất theo cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn. Các trường hợp kinh doanh áo dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành hoá chất cũng đang trở nên hấp dẫn hơn do nhu cầu chuyển dịch của cả người tiêu dùng cũng như các thị trường hạ nguồn chính, bao gồm tiện ích, giao thông vận tải, dệt may, điện tử, sản phẩm tẩy rửa, thực phẩm và nông nghiệp, mỹ phẩm làm đẹp. Đây được đánh giá là một trong những kết quả nằm ngoài thiết kế ban đầu của dự án.
Các chuyên gia cũng nhận định, về định hướng lâu dài, Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa phát triển hoá học xanh với mục đích tiên quyết là phát triển bền vững của công nghiệp hoá chất, phát triển nhưng đi đôi với bảo vệ môi trường, giảm thiểu việc phát thải các hoá chất độc hại nói chung và thuỷ ngân nói riêng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và các sinh vật sống khác.
Tại hội thảo, các sinh viên đạt giải cuộc thi toàn quốc về nâng cao nhận thức về Hóa học xanh trong sinh viên đã được vinh danh. Giải nhất thuộc về Vũ Quang Huy – Mai Văn Phong (Đại học Phenikaa – KHTN), Giải nhì thuộc về Trương Thị Thùy Trang - Vũ Thị Ngần (Đại học KHTN). Giải ba được trao cho Nguyễn Quốc Vương (Bách Khoa Đà Nẵng) và giải khuyến khích gồm Đỗ Thị Trang, Đỗ Ngọc Minh (Đại học Bách khoa Hà Nội – Đại học Ngoại thương) và Lê Hoàng Minh, Nguyễn Hoàng Gia Huy (Bách khoa TP.HCM). |