Tiêu điểm
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khai thác giá trị để phát triển kinh tế - xã hội

Tuyến đường Hồ Chí Minh được nâng cấp, xây dựng rộng, thoáng đãng, đi qua các tỉnh Bắc Trung Bộ tạo nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH). Các địa phương đã tận dụng cơ hội từ con đường chiến lược này để thực hiện nhiều dự án thúc đẩy KT-XH trong vùng phát triển.

Diện mạo đổi thay

 Chúng tôi có hành trình trên tuyến đường Hồ Chí Minh từ Nghệ An đến Quảng Bình. Qua Nghệ An, đồi chè mênh mông, trang trại bò sữa và đồng cỏ một màu xanh thẳm; từng chuyến xe chở nông-lâm-sản hối hả về các nhà máy chế biến. Xe qua Quảng Bình, những ngọn núi đá vôi, hang động huyền bí gắn với các di tích lịch sử. Rong ruổi suốt gần 300km trên con đường mang tên Bác, phong cảnh hùng vĩ, hoang sơ của núi rừng mang lại cho chúng tôi nhiều trải nghiệm thú vị.

Ông Nguyễn Xuân Lợi, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại tổng hợp Quý Gia, người xây dựng Khu du lịch văn hóa sinh thái Hải Thượng. Ông sinh ra và lớn lên tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông Lợi vẫn nhớ như in những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từng đơn vị bộ đội hành quân và tập kết tại Hương Sơn, rồi từ đây cơ động vào chiến trường miền Nam và chiến trường Lào. Dốc Truông Mung, đoạn qua huyện Hương Sơn là khu vực có đồi núi cao, cây cối rậm rạp, suối nước trong vắt, bộ đội hành quân qua đây thường dừng tạm trú quân. Khi Đường Hồ Chí Minh được nâng cấp, mở rộng, nhận thấy tiềm năng du lịch văn hóa sinh thái của quê hương, ông quyết định khởi nghiệp. Khu du lịch văn hóa sinh thái Hải Thượng có diện tích 20ha, nổi bật bên cung Đường Hồ Chí Minh xanh mát với quần thể khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí cùng nhiều hoạt động du lịch văn hóa, trải nghiệm, tâm linh, là điểm sáng về phát triển du lịch của huyện, tạo việc làm cho 70 lao động người địa phương. Trong khuôn viên khu nghỉ dưỡng, ông Lợi còn tái hiện không gian Đường Hồ Chí Minh năm xưa bằng các tiểu cảnh sinh động.

Khu du lịch văn hóa sinh thái Hải Thượng (Hương Sơn, Hà Tĩnh) nổi bật trên Đường Hồ Chí Minh. Ảnh: ĐÌNH SONG

Huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An có 53km Đường Hồ Chí Minh đi qua 11 xã, trong đó 5 xã biên giới. Đây là vùng rừng núi rộng lớn, bám dọc Đường Hồ Chí Minh là 22.000ha rừng trồng, gần 5.000ha chè công nghiệp, cây ăn quả. Trên trục đường này đã có hệ thống nhà máy chế biến chè xuất khẩu tương đối dày đặc và một số dự án chế biến nông-lâm-sản đang triển khai. Ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương nói: “Đường Hồ Chí Minh làm cho diện mạo và cuộc sống bà con sinh sống hai bên đường thay đổi rất lớn, kết nối thông thương hàng hóa từ Bắc vào Nam, kết nối với các hệ thống trục ngang về Làng Sen, TP Vinh và thị xã Cửa Lò. Đây cũng là con đường phục vụ cứu hộ, cứu nạn. Trong mùa mưa bão, vùng hạ du Thanh Chương thường bị ngập lụt, các tuyến đường trung tâm phía dưới bị chia cắt nên việc lưu thông chủ yếu trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Đường Hồ Chí Minh lại gần biên giới, có vai trò trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tuần tra biên giới, phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội. Đường phát triển, dân cư đông và trở thành những “cột mốc sống” trong bảo vệ biên cương của Tổ quốc”.

Sau khi nghỉ hưu, cựu chiến binh Nguyễn Xuân An đưa gia đình từ xã Thanh Yên lên xã biên giới Thanh Thủy (Thanh Chương, Nghệ An), cạnh Đường Hồ Chí Minh để sinh sống và làm kinh tế. Khu trang trại của gia đình cựu chiến binh Nguyễn Xuân An hiện có 1,5ha chè, 6ha rừng trồng, 6 con bò, 30 con lợn, 150 con gà, hơn 100 buồng chuối sắp đến kỳ thu hoạch, vườn mít, bưởi sai trĩu quả. Mỗi năm, gia đình ông An thu về khoảng 200 triệu đồng.

Tiềm năng chế biến nông-lâm-sản và du lịch

Đường Hồ Chí Minh đi qua các tỉnh Bắc Trung Bộ thực sự khiến vùng đất này thay đổi diện mạo. Từ những cánh rừng heo hút nay đã có dân cư sinh sống cùng nhiều khu công nghiệp, mô hình kinh tế. Tuy nhiên, so với tuyến đường ven biển, tốc độ phát triển còn khoảng cách khá xa, nhiều tiềm năng kinh tế chưa được khai thác hiệu quả. Sản vật địa phương dọc khu vực Đường Hồ Chí Minh đa dạng nhưng việc tiêu thụ còn hạn chế; hạ tầng công nghiệp, thương mại-dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu, việc khai thác các ngành công nghiệp chế biến nông-lâm-sản và du lịch chưa tương xứng với tiềm năng.

 Khu đô thị tại thị trấn Phố Châu (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) nằm trên trục đường Hồ Chí Minh. Ảnh: HOA LÊ

Ông Trình Văn Nhã cho biết: “Trong quy hoạch của tỉnh Nghệ An và huyện Thanh Chương đều xác định, trục Đường Hồ Chí Minh là trọng điểm để phát triển kinh tế, đặc biệt là nông-lâm nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái. Hệ thống giao thông đã thuận lợi nhưng thiếu cơ sở hạ tầng phụ trợ như cơ sở lưu trú, nguồn nhân lực, chưa có nhiều sản phẩm du lịch nên không níu chân được du khách”.

Quy hoạch của tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đều xác định Đường Hồ Chí Minh là một trong những hành lang kinh tế của địa phương, trong đó khu vực miền Tây và vùng phụ cận phát triển các cụm công nghiệp và một số khu công nghiệp quy mô diện tích phù hợp để thu hút các ngành: Chế biến nông sản, lâm sản, thực phẩm; sản phẩm đầu vào ngành nông nghiệp; sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; ngành may mặc, da giày và nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày; sản xuất các loại vật liệu xây dựng thông thường... và hình thành chuỗi đô thị.

Ông Nguyễn Xuân Lợi nhận định: “Người dân ngày càng có xu hướng tìm ra bám Đường Hồ Chí Minh sinh sống. Tuy nhiên, lòng đường hẹp, mới chỉ hai làn xe nên nhiều đoạn qua khu vực đông dân cư đã bắt đầu có cảm giác bí bách, chật chội. Do đó, Nhà nước cần sớm có giải pháp quy hoạch chi tiết khu vực đất hai bên đường, sớm hoàn thành tuyến đường Hồ Chí Minh thành tuyến cao tốc phía Tây để thúc đẩy phát triển KT-XH miền núi, đặc biệt là khai thác tiềm năng du lịch sinh thái và trải nghiệm”.

 Hơn 20 năm qua, Đường Hồ Chí Minh đã chứng minh vai trò đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo ở phía Tây đất nước. Các địa phương cần sớm có quy hoạch chi tiết về quỹ đất để “tính đường dài” cho các hoạt động đầu tư, xây dựng khu công nghiệp, đô thị, vùng nguyên liệu phục vụ chế biến... Đường Hồ chí Minh cũng đi qua các khu vực biên giới, gần các cửa khẩu, khu vực đất lâm nghiệp rộng lớn, là vùng có tài nguyên thiên nhiên phong phú, do vậy, các địa phương cần có chiến lược quy hoạch sớm khi còn thưa dân, tránh tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và quốc phòng, an ninh gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Con đường mang tên Bác trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được đánh giá là “một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ 20”. Các địa phương nếu tận dụng triệt để lợi thế, phát huy giá trị lịch sử, giá trị chiến lược thì chắc chắn sẽ làm nên nhiều thành tựu mới trong phát triển KT-XH.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật