Kiểm soát quyền lực, chống tiêu cực trong xây dựng văn bản pháp luật
Việc sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật...
Sáng 12/2, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, việc xây dựng, ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu khóa XIII, Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật...
Dự thảo Luật bố cục gồm 8 chương, 72 điều (giảm 9 chương tương ứng với 53% số chương, 101 điều tương ứng với 58,4% số điều so với luật năm 2015).
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh |
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) tập trung 7 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật.
Cụ thể đó là tiếp tục đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường kiểm soát quyền lực; phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy; bổ sung quy định Chính phủ ban hành nghị quyết quy phạm; đổi mới việc xây dựng chương trình lập pháp của Quốc hội theo hướng xây dựng định hướng lập pháp nhiệm kỳ, chương trình lập pháp hằng năm của Quốc hội với tính chất linh hoạt cao.
Cùng với đó là đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự thảo luật quy định cơ quan trình chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật.
Bên cạnh đó, dự thảo luật bổ sung các quy định nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bổ sung quy định về các trường hợp, nguyên tắc, tiêu chí, thẩm quyền hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng |
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đối với quy định về quan hệ giữa quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo văn bản, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, rà soát để có thể quy định gọn hơn quy trình soạn thảo đối với dự án đã thực hiện quy trình xây dựng chính sách để tránh trùng lặp về quy trình, thủ tục, góp phần đẩy nhanh hơn tiến độ xây dựng văn bản.
Về quy trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với định hướng các dự án luật, nghị quyết về nguyên tắc sẽ được xem xét, thông qua trong một kỳ họp nhằm đẩy nhanh tiến độ ban hành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng của văn bản.
Bên cạnh đó, để bảo đảm chất lượng luật, nghị quyết, đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định nhằm phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong quy trình xem xét, cho ý kiến và thông qua dự thảo luật, nghị quyết. Ví dụ như lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng chính sách, tổ chức soạn thảo; tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận, cho ý kiến về dự án luật, nghị quyết trước khi cơ quan trình chính thức trình dự án; tăng thời gian thảo luận tổ về dự án luật, nghị quyết trong kỳ họp để đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến kỹ lưỡng và cơ quan trình tiếp thu, giải trình trước khi Quốc hội thảo luận tại hội trường…
Về việc xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền đối với các vấn đề lớn của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, điểm a khoản 2 Điều 67 của dự thảo luật quy định: “Đối với dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội… Đảng ủy Quốc hội có trách nhiệm xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc trình Bộ Chính trị báo cáo xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng”.
Về vấn đề này, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật nhận thấy, quy định nêu trên của dự thảo luật thể chế hóa phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 của Quy định số 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị, nhưng quy định này tương thích với quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành là cơ quan chủ trì thẩm tra giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Tuy nhiên, dự thảo luật đã chuyển trách nhiệm chủ trì tiếp thu, chỉnh lý cho cơ quan trình, do đó, đề nghị quy định theo hướng tổ chức đảng của cơ quan trình có trách nhiệm xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề lớn của dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.