A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Luật Thủ đô: Mở hành lang phát triển nông nghiệp đô thị

Theo TS Cao Đức Phát, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc hoàn thiện Luật Thủ đô sẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn Hà Nội.

Trong tham luận tại Hội thảo khoa học về Luật Thủ đô sửa đổi, TS Cao Đức Phát, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, Luật Thủ đô số 39/2024/QH15, ban hành ngày 28/6/2024, đã mở ra hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội. Tuy nhiên, để thực sự mang lại hiệu quả, cần có các quy định chi tiết và cụ thể hơn nhằm tháo gỡ những tồn tại kéo dài, thúc đẩy các xu hướng mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

TS Cao Đức Phát, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
TS Cao Đức Phát, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham luận tại hội thảo khoa học về Luật Thủ đô

Tham luận này tập trung vào các định hướng lớn và yêu cầu cần thiết để hoàn thiện hệ thống pháp lý, tạo nền tảng phát triển nông nghiệp và nông thôn của Hà Nội trong giai đoạn tới.

Phát triển nông nghiệp đô thị

Hà Nội hiện có diện tích đất nông nghiệp lớn với 196.626 ha vào năm 2023, bao gồm cả đất sản xuất nông nghiệp, đất trồng lúa, cây lâu năm và diện tích nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, diện tích đất nông nghiệp đang có xu hướng giảm dần, trong khi tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu nhờ chuyển dịch cơ cấu và tăng giá trị gia tăng thay vì tăng diện tích. Cụ thể, diện tích gieo trồng lúa đã giảm mạnh từ 313.000ha năm 2015 xuống còn 248.000ha vào năm 2023, trong khi sản lượng lúa giảm khoảng 19%.

Ngược lại, sản lượng từ chăn nuôi và các loại cây trồng khác đang tăng, nhờ sự phát triển của các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Để nông nghiệp của Hà Nội có thể đáp ứng yêu cầu mới, nâng cao giá trị bền vững, thành phố cần tập trung vào việc áp dụng công nghệ cao và số hóa trong nông nghiệp nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững.

Luật Thủ đô đã cho phép thành phố chủ động ban hành các chính sách phát triển ứng dụng công nghệ cao, thậm chí vượt trội hơn chính sách chung của cả nước. Tuy nhiên, cần có những quy định rõ ràng để đảm bảo việc áp dụng công nghệ cao và công nghệ số đem lại hiệu quả kinh tế và xã hội một cách rộng rãi và bền vững.

HĐND thành phố cần sớm xây dựng các chính sách khuyến khích, thay thế cho các quy định cũ, nhằm tạo động lực thúc đẩy chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong giai đoạn 2024 - 2030.

Thành phố Hà Nội ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, sinh thái, sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm OCOP
Thành phố Hà Nội ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, sinh thái, sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm OCOP

Bên cạnh đó, việc phát triển nông nghiệp đô thị cũng là một xu hướng quan trọng mà Hà Nội cần thúc đẩy. Nông nghiệp đô thị không chỉ góp phần cung cấp lương thực cho các khu vực đông dân mà còn có vai trò trong việc tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho cư dân đô thị.

Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), nông nghiệp đô thị và vùng ven đô không chỉ đảm bảo nguồn cung thực phẩm mà còn đóng góp vào mục tiêu “4 tốt hơn”: sản xuất, dinh dưỡng, môi trường và đời sống tốt hơn. Nông nghiệp đô thị là một giải pháp toàn diện cho các vấn đề về an ninh lương thực, tăng cường sự tham gia của cộng đồng và bảo vệ môi trường, nhưng cần có chính sách phù hợp với đặc thù đô thị của Hà Nội để phát triển bền vững.

Quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng đang khiến cho nhiều vùng nông thôn của Hà Nội dần chuyển đổi sang mô hình đô thị. Điều này đòi hỏi việc xây dựng nông thôn mới cần phải tính đến đặc điểm của từng khu vực và định hướng phát triển lâu dài, phù hợp với quá trình đô thị hóa.

Hiện tại, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của Hà Nội chưa phân biệt rõ ràng giữa các khu vực, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng thực tiễn tại từng địa phương. Luật Thủ đô sửa đổi có thể là cơ sở pháp lý để thành phố điều chỉnh lại bộ tiêu chí này, nhằm phản ánh đúng xu hướng phát triển của từng vùng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân.

Phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu

Ngoài ra, một trong những vấn đề được quan tâm đặc biệt là công tác phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Để phát triển kinh tế và đảm bảo an toàn cho người dân, Luật Thủ đô đã cho phép xây dựng các tuyến đê mới, sử dụng một phần diện tích đất ngoài đê sông Hồng để xây dựng công trình công cộng và dân sinh.

Việc này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa thành phố và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc rà soát lại các quy hoạch đê điều, phòng chống lũ và thoát nước, đặc biệt là ở các vùng dễ bị ngập lụt như ven sông Bùi, sông Tích và sông Đáy. Điều này giúp đảm bảo an toàn thoát lũ và ứng phó tốt với rủi ro thiên tai ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu.

Luật Thủ đô sửa đổi đã tạo ra cơ hội quan trọng cho Hà Nội trong việc phát triển bền vững. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả các quy định của luật, thành phố cần nhanh chóng cụ thể hóa các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ số và nông nghiệp đô thị.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tiêu chí xây dựng Nông thôn mới và tăng cường phối hợp trong công tác quy hoạch phòng chống thiên tai là những nhiệm vụ cấp thiết giúp Hà Nội phát triển mạnh mẽ và bền vững, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật