A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao kết quả giải ngân vốn đầu tư công

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP Hà Nội các tháng vừa qua đều cao hơn mức trung bình của cả nước. Để hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2023, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội Lê Anh Quân cho hay, kết quả giải ngân đến ngày 11-9 toàn thành phố là 22.518 tỷ đồng, đạt 48% kế hoạch thành phố giao đầu năm và Trung ương giao; đạt 42,4% kế hoạch thành phố giao sau điều chỉnh tháng 7-2023. Kết quả này cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (27,1%) và so với tình hình giải ngân chung của cả nước (39,6%). Lũy kế giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là 1.415,793 tỷ đồng, đạt 33,3% kế hoạch kéo dài. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn năm 2023 và kế hoạch năm 2022 kéo dài vẫn thấp so với yêu cầu đặt ra. Qua rà soát cho thấy một số dự án vẫn còn khó khăn, vướng mắc chưa tháo gỡ được. 

 Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác thi công Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4-vùng Thủ đô Hà Nội tại huyện Hoài Đức. Ảnh: VIẾT THÀNH 

Những khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công trên địa bàn chủ yếu về công tác giải phóng mặt bằng, trong đó, gồm: 99 dự án ngân sách cấp thành phố; 47 dự án ngân sách thành phố hỗ trợ mục tiêu cấp huyện, 147 dự án ngân sách cấp huyện; khó khăn về nguồn vốn đầu tư với 322 dự án ngân sách cấp huyện. Ngoài ra, còn khó khăn trong công tác tái định cư, thanh lý tài sản, điều chỉnh dự án. Bên cạnh đó, còn có 160 dự án cấp thành phố được phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa phê duyệt dự án, trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực: Giao thông (39 dự án), thủy lợi (26 dự án), y tế (17 dự án), đê điều (13 dự án)...

Về các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, ông Lê Anh Quân đề nghị thành phố tiếp tục chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổng hợp số liệu liên quan đến khả năng đấu thầu, đấu giá của 30 quận, huyện, thị xã từ nguồn thu từ đất. Các sở chuyên ngành tham mưu UBND thành phố giải quyết dứt điểm, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng; rà soát việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, di tích và các dự án trường trung học phổ thông theo phân cấp báo cáo, đề xuất tham mưu phương án giải quyết bảo đảm hoàn thành các dự án. Không để thiếu vốn làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của thành phố.

Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá các sở, ngành, quận, huyện đã có nhiều cố gắng trong công tác chuẩn bị đầu tư và lưu ý, chủ đầu tư, các quận, huyện, thị xã phải tìm hiểu xem nguyên nhân, vướng mắc do đâu; từ đó, phân tích cụ thể để tìm giải pháp khắc phục. "Ban quản lý dự án, các quận, huyện, thị xã phải coi việc giải ngân vốn đầu tư công là cơ hội để phát triển của địa phương. Đồng thời, quan tâm chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công năm 2024", đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Tại kỳ họp thứ 13 (kỳ họp chuyên đề) diễn ra vào sáng 22-9, HĐND TP Hà Nội, khóa XVI đã thông qua Nghị quyết phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của TP Hà Nội và tờ trình về việc lấy ý kiến tác động của việc thực hiện dự án thành phần 3 (Dự án PPP) thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4-vùng Thủ đô Hà Nội. Theo đó, HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư của 30 dự án (gồm 1 dự án nhóm A, 20 dự án nhóm B, 9 dự án nhóm C), tổng mức đầu tư dự kiến 15.085,381 tỷ đồng. Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư của 4 dự án (2 dự án nhóm A, 2 dự án nhóm B) với tổng mức đầu tư dự kiến là 12.446,951 tỷ đồng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết