Tiêu điểm
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những biến chuyển lớn tại châu Á-Thái Bình Dương

Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, khu vực châu Á-Thái Bình Dương được đánh giá là đã chứng kiến nhiều biến chuyển tích cực lớn.

Trong hơn 3 thập niên vừa qua, châu Á-Thái Bình Dương có thể tự hào về sự chuyển mình, trở thành một khu vực hòa bình và một động lực của tăng trưởng, liên kết kinh tế toàn cầu. Thậm chí thế kỷ 21 còn được xem là “thế kỷ của châu Á-Thái Bình Dương”.

Trong bối cảnh đó, học giả Zhang Tuosheng tại Trung tâm chiến lược và an ninh quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) đã chỉ ra những chuyển biến tích cực quan trọng tại châu Á-Thái Bình Dương kể từ khi bước sang thế kỷ 21 đến nay.

Trong một bài viết mới đây trên trang mạng chinausfocus.com, học giả Zhang Tuosheng cho rằng chuyển biến đầu tiên phải kể đến là các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc cũng như các thỏa thuận quốc tế lớn về cơ bản đã được tuân thủ và thực hiện tốt, góp phần bảo đảm hòa bình và an ninh trong khu vực. Mặc dù vẫn còn những điểm nóng về an ninh, nhưng hầu hết đều được kiểm soát tốt và phần lớn các xung đột quân sự nghiêm trọng đều đã tránh được.

Các đại biểu tham dự Đối thoại Shangri-La - diễn đàn cấp cao về quốc phòng quan trọng bậc nhất của châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức tại Singapore, tháng 6-2022. Ảnh: iiss.org 

Tiếp đến là các tổ chức hợp tác và đối thoại đa phương khu vực đã được thành lập cũng như phát triển nhanh chóng. Một số ví dụ có thể kể đến là Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), Đối thoại Shangri-La, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh...

Cùng với đó, các quốc gia trong khu vực đã phát triển những mối quan hệ đối tác khác nhau, đối thoại và hợp tác sâu rộng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa. Mối quan hệ giữa các cường quốc trong khu vực tương đối cân bằng và ổn định. Ngoài ra, nhiều khu vực thương mại tự do đa phương và song phương đã được thành lập, các nền kinh tế quốc gia ngày càng trở nên phụ thuộc lẫn nhau trong khi hợp tác an ninh phi truyền thống ở khu vực đã phát triển mạnh mẽ.

Bài viết cũng nhấn mạnh, song song với những chuyển biến trên tại châu Á-Thái Bình Dương, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đạt được vị trí trung tâm trong hợp tác khu vực. Trong khi đó, tầm ảnh hưởng của một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ cũng không ngừng gia tăng.

Mặc dù vậy, học giả Zhang Tuosheng nhận định trong những năm gần đây, một số mặt tiêu cực của những thay đổi lớn trong tình hình thế giới cũng ngày càng bộc lộ rõ tại châu Á-Thái Bình Dương. “Sự gia tăng xu hướng chống toàn cầu hóa, cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc và những bất ổn đi kèm với những phát triển mới của công nghệ thông tin, khoa học và công nghệ đang thách thức trật tự mới tại châu Á-Thái Bình Dương vốn hình thành sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc”, học giả Zhang Tuosheng khẳng định.

Những thách thức chủ yếu đối với trật tự khu vực châu Á-Thái Bình Dương, theo học giả Zhang Tuosheng, là mối quan hệ “mất cân bằng nghiêm trọng” giữa các cường quốc; các điểm nóng trong khu vực, trong đó có tình hình eo biển Đài Loan và bán đảo Triều Tiên, nhìn chung ngày càng nóng hơn “với nguy cơ xảy ra khủng hoảng hoặc xung đột quân sự cao hơn”, từ đó đe dọa hòa bình và an ninh khu vực.

“Sự ổn định chiến lược khu vực bị thách thức nghiêm trọng. Các dấu hiệu của cuộc chạy đua vũ trang đang xuất hiện trở lại trong khu vực. Quản trị khu vực và hợp tác an ninh phi truyền thống bị xáo trộn”, học giả Zhang Tuosheng nêu rõ.

Bất chấp những thách thức nghiêm trọng như trên, học giả Zhang Tuosheng cho rằng các quốc gia tại châu Á-Thái Bình Dương không nên bi quan. Thay vào đó, các quốc gia trong khu vực cần quyết tâm hợp tác trong “đối phó với các yếu tố tiêu cực hoặc bất ổn” cũng như “mở rộng các khía cạnh tích cực của toàn cầu hóa, đa cực hóa và chia sẻ thông tin” để xu hướng hòa bình và phát triển cũng như trật tự mới sau Chiến tranh Lạnh có thể được củng cố và phát triển tại châu Á-Thái Bình Dương.

“Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các xu hướng toàn cầu hóa, đa cực hóa, phát triển hòa bình đã thể hiện đặc biệt rõ nét tại châu Á-Thái Bình Dương, đưa nơi đây trở thành khu vực năng động và có tiềm năng lớn nhất trên thế giới... Đại dịch Covid-19 cuối cùng cũng sẽ kết thúc. Trong những năm gần đây, khu vực đã chứng kiến sự ra đời của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), sự mở rộng của SCO, đối thoại và hợp tác liên tục giữa ASEAN với các đối tác... Niềm hy vọng chính xác là nằm ở những điều đó”, học giả Zhang Tuosheng nêu rõ.


Tags: Châu Á
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật