A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những điểm mới trong “Khái niệm chính sách đối ngoại” cập nhật của Nga

Ngày 31-3, Tổng thống Vladimir Putin đã ký phê chuẩn bản cập nhật “Khái niệm chính sách đối ngoại” của Liên bang (LB) Nga, trong đó cung cấp góc nhìn tổng thể về những ưu tiên chiến lược đối ngoại của nước này.

Đây là cơ sở cho các hành động thực tế của Nga trong trung và dài hạn, đồng thời cũng sẽ trở thành cơ sở học thuyết vững chắc cho các công việc tiếp theo trong lĩnh vực quan hệ quốc tế.

Hoạch định chính sách ngoại giao trung và dài hạn

Tài liệu mới dài 42 trang, gồm 6 phần và 76 điểm, hoạch định các nguyên tắc cơ bản, mục tiêu chiến lược, nhiệm vụ chính và các lĩnh vực ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga trong trung và dài hạn. Dẫn lời Tổng thống Putin, Đài RT của Nga cho biết, những thay đổi trong đời sống quốc tế hiện nay đòi hỏi LB Nga phải điều chỉnh các văn kiện hoạch định chiến lược, trong đó có “Khái niệm chính sách đối ngoại”.

 Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Ảnh: kremlin.ru

Tài liệu cập nhật này mô tả về các xu hướng dài hạn chính trong phát triển quốc tế, bao gồm cả cuộc khủng hoảng toàn cầu hóa kinh tế, mà cho đến gần đây vẫn được thực hiện theo các quy tắc của Mỹ. Bên cạnh đó, nền kinh tế thế giới đang trải qua quá trình tái cấu trúc lớn và đang chuyển sang nền tảng công nghệ mới.

Tổng thống Putin lưu ý rằng, Bộ Ngoại giao Nga cùng với các bộ khác đã nỗ lực hết sức để đưa tài liệu này phù hợp với thực tế hiện đại. Bộ Ngoại giao sẽ đóng vai trò điều phối trong việc thực hiện “Khái niệm chính sách đối ngoại”. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng, những người tham gia triển khai chính sách đối ngoại chung đặc biệt chú trọng mở rộng quan hệ với các đối tác có tinh thần xây dựng, tạo điều kiện để các quốc gia không thân thiện từ bỏ chính sách thù địch với Nga.

Lần cuối cùng Nga sửa đổi “Khái niệm chính sách đối ngoại” là vào năm 2016. Vào cuối tháng 1-2022, Bộ Ngoại giao Nga đã tạo ra một dự thảo tài liệu mới, được cho là có tính đến những thay đổi trên trường quốc tế. Tuy nhiên, sau khi thảo luận về “Khái niệm chính sách đối ngoại” tại một cuộc họp của Hội đồng An ninh, Tổng thống Putin đã chỉ thị nhanh chóng hoàn thiện văn bản này. Bộ Ngoại giao Nga trước đó lưu ý rằng, nhiều điều khoản từ “Khái niệm chính sách đối ngoại” cập nhật sẽ xác định đường lối chính sách đối ngoại của Moscow trong 4-6 năm tới”.

Những điểm then chốt

Theo “Khái niệm chính sách đối ngoại” cập nhật, Nga coi “chính sách hung hăng chống Nga” của Mỹ và các đồng minh là rủi ro lớn đối với an ninh của Nga, cũng như đối với hòa bình quốc tế và sự phát triển của một tương lai “công bằng và cân bằng” cho nhân loại. Moscow hy vọng các quốc gia phương Tây sẽ nhận ra rằng, chính sách thù địch, đối đầu và tham vọng bá quyền của họ không có tương lai và cuối cùng họ sẽ nối lại sự hợp tác thực chất với Nga trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Nga “sẵn sàng đối thoại và hợp tác trên cơ sở như vậy”.

“Khái niệm chính sách đối ngoại” mới của Nga cũng đề cập đến xung đột ở một số khu vực đang làm gia tăng mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu, làm tăng nguy cơ xung đột giữa các nước lớn, kể cả có sự tham gia của các cường quốc hạt nhân. Do đó, Nga kêu gọi các quốc gia thực hiện các bước để tránh chiến tranh toàn cầu và rủi ro của việc sử dụng vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt bằng cách tăng cường sự ổn định chiến lược quốc tế, kiểm soát vũ khí và chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân thông qua các hiệp ước quốc tế.

Nga cũng khẳng định, nước này quan tâm đến việc duy trì sự cân bằng chiến lược, cùng tồn tại hòa bình và thiết lập sự cân bằng lợi ích giữa Nga và Mỹ, có tính đến vị thế của Mỹ là cường quốc hạt nhân. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng của Mỹ trong việc từ bỏ chính sách chống Nga, hợp tác với Nga dựa trên nguyên tắc bình đẳng chủ quyền, cùng có lợi và tôn trọng lợi ích của nhau.

Theo tài liệu trên, Moscow chủ trương phát huy tối đa tiềm năng của quan hệ đối tác chiến lược với các nước láng giềng lớn là Trung Quốc và Ấn Độ, với các quốc gia thuộc thế giới Hồi giáo cũng như với các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), lục địa châu Phi, châu Mỹ Latin và vùng Caribe. Tài liệu mới cũng “xác nhận cam kết về một giải pháp hòa bình cho mọi vấn đề nảy sinh ở khu vực Bắc Cực”.

“Khái niệm chính sách đối ngoại” cập nhật của LB Nga cũng đề cập đến việc tái cấu trúc nền kinh tế thế giới. Khái niệm nhấn mạnh, một trong những yếu tố cần được chú tâm tới là nền kinh tế thế giới đang trải qua quá trình tái cấu trúc cơ cấu lớn và đang chuyển sang nền tảng công nghệ mới.


Tags: Nga
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết