A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quan tâm giúp đỡ chiến sĩ cá biệt

Về quê trong dịp Tết, tôi gặp cậu trai làng vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Biết tôi công tác trong quân đội, cậu thật thà kể: “Hồi mới nhập ngũ, có thời gian em bị trầm cảm nặng, thậm chí đã nghĩ đến cái chết. May là được chỉ huy đơn vị kịp thời phát hiện, động viên...”.

Theo lời kể, nguyên nhân trầm cảm bắt nguồn từ việc một lần bị ốm, khi phải lên bệnh xá của trung đoàn điều trị, cậu mượn đồ của một chiến sĩ năm thứ hai nằm điều trị cùng buồng, rồi làm hỏng. Đồ vật đó trị giá vài triệu đồng nên chiến sĩ kia yêu cầu phải bồi thường, nếu không sẽ báo cáo chỉ huy.

Mới nhập ngũ vào đơn vị, chưa thân quen ai, gia đình ở quê hoàn cảnh khó khăn, bố lại nghiêm khắc, tính tình nóng nảy nên chiến sĩ trẻ không biết làm cách nào để đền cho đồng đội. Đã vậy, thỉnh thoảng anh chiến sĩ kia lại sang yêu cầu khẩn trương đền tiền... Không biết tâm sự, giãi bày với ai, cậu em nhiều đêm thức trắng vì lo nghĩ, sợ hãi, bế tắc. Trong lúc hoang mang ấy, cậu nghĩ đến việc tự tử để giải thoát cho mình, lấy giấy bút ra viết những dòng chữ để lại. Trong lúc tâm trạng rối bời, bấn quẫn thì trung đội trưởng phát hiện chiến sĩ có biểu hiện khác lạ nên gặp gỡ, trò chuyện và biết được đầu đuôi sự việc. Người chỉ huy ấy gọi điện về gia đình thông báo sự việc, đơn vị đã phối hợp cùng gia đình giải quyết thấu đáo. Cuối cùng, câu chuyện kết thúc tốt đẹp.

Hướng dẫn chiến sĩ mới gấp chăn, màn, sắp xếp quân tư trang. Ảnh: Báo Quân khu 2.

Gần đây, tình trạng thanh, thiếu niên bị trầm cảm dẫn đến tự tử ngày càng gia tăng là một hiện tượng xã hội đáng báo động. Nguyên nhân thì rất nhiều, song chủ yếu là do diễn biến tâm lý của giới trẻ hiện nay phức tạp, khó nắm bắt. Các chiến sĩ là một bộ phận của giới trẻ trong xã hội nên cũng chịu nhiều ảnh hưởng, diễn biến tâm lý chung như vậy. Trong quá trình tuyển chọn thanh niên nhập ngũ, đáng tiếc còn sót lọt những thanh niên có dấu hiệu không tốt về sức khỏe tâm thần. Hơn thế, họ lần đầu phải sống xa gia đình, chưa quen tự lập, phải thay đổi môi trường sống đột ngột, khác biệt môi trường sống trước đây nên càng dễ bị những hụt hẫng về tâm lý. Thời gian đầu, do chưa có bạn bè, người quen, lại lo lắng kỷ luật quân đội nghiêm khắc nên một bộ phận chiến sĩ mới thường sống khép kín, ngại bộc lộ, chia sẻ, tâm sự, nhất là đối với những việc liên quan đến đời sống cá nhân. Chính vì vậy, nếu gặp những chuyện phức tạp, chiến sĩ nào chưa suy nghĩ thấu đáo, sức khỏe tâm thần không ổn định rất dễ rơi vào tâm trạng chán chường, bế tắc, dẫn đến hành động tiêu cực, như trường hợp thanh niên kể trên.

Để hạn chế thấp nhất tình trạng chiến sĩ mới rơi vào trạng thái trầm cảm, sai lầm trong suy nghĩ và hành động, ngay từ khi chiến sĩ về đơn vị, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần có sự quan tâm sâu sát, triển khai các biện pháp đồng bộ nhằm nắm bắt tư tưởng, tình cảm; rà soát, tìm hiểu kỹ gia cảnh, đời sống tinh thần, thể chất của từng chiến sĩ để có biện pháp quan tâm phù hợp. Cơ quan quân y cần chủ động kiểm tra, hướng dẫn cho cán bộ, chiến sĩ những kiến thức về sức khỏe tâm thần, biểu hiện của bệnh trầm cảm để mọi người cùng biết, sớm phát hiện, báo cáo chỉ huy các cấp và cơ quan chuyên môn để có biện pháp xử trí kịp thời khi trong đơn vị có trường hợp nghi ngờ.

Đặc biệt, khi chiến sĩ mới về đơn vị, chỉ huy cần chủ động liên hệ với gia đình, kịp thời thông báo tình hình, diễn biến tâm lý, tư tưởng bất thường của chiến sĩ để cùng phối hợp, có các biện pháp xử trí, giải quyết kịp thời. Ngoài biện pháp trên, các đơn vị quản lý chiến sĩ mới cần tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giao lưu, sinh hoạt tập thể; cán bộ, chỉ huy gần gũi, trò chuyện thân tình, cởi mở, tạo sự tin tưởng để chiến sĩ trẻ chủ động chia sẻ, giãi bày, qua đó, sớm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ việc đáng tiếc xảy ra. 


Tác giả: HOÀNG MINH ÁNH
Tags: qdnd
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết