Thế giới tăng cường phòng thủ trước các đại dịch tiềm tàng
Lần đầu tiên trong lịch sử, một kế hoạch hành động y tế chung đã được ban hành bởi 4 tổ chức: Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thú y thế giới (WOAH).
Kế hoạch hành động chung này kéo dài trong 5 năm (2022-2026) nhằm phát hiện và giải quyết các đại dịch tiềm tàng có thể đe dọa thế giới trong tương lai.
Theo thông tin được đăng tải trên website của WHO, kế hoạch nói trên được ban hành ngày 17-10 với hy vọng sẽ tạo ra một cơ chế có khả năng kết hợp các hệ thống và năng lực với nhau, từ đó giúp việc phối hợp ngăn ngừa, dự báo, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa y tế trên thế giới tốt hơn. Sáng kiến này còn nhằm mục đích cải thiện môi trường và sức khỏe của con người cũng như động, thực vật, đóng góp vào công cuộc phát triển bền vững toàn cầu. Cụ thể, kế hoạch tập trung vào việc hỗ trợ và mở rộng năng lực đối phó với các bệnh truyền nhiễm mới lây từ động vật sang người, các bệnh có nguồn gốc từ động vật, các bệnh nhiệt đới và do vật trung gian lây truyền, cùng với đó là đối phó với nguy cơ về an toàn thực phẩm, tình trạng kháng kháng sinh và môi trường. Kế hoạch bao gồm một loạt các hành động hướng tới việc bảo vệ sức khỏe con người ở tất cả các cấp độ, từ quốc gia, khu vực đến toàn cầu. “Rõ ràng là Kế hoạch hành động y tế chung được đặt ở vị trí trung tâm trong công việc chung của chúng ta nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của thế giới trước các dịch bệnh và đại dịch trong tương lai giống như Covid-19”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh.
Nông dân ở Marsabit, Kenya chăm sóc đàn cừu. Ảnh: WHO |
Cùng quan điểm này, Tổng giám đốc của WOAH, Tiến sĩ Monique Eloit cho rằng, Kế hoạch hành động y tế chung đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu, chẳng hạn như bệnh đậu mùa khỉ, Covid-19 hay Ebola. Thêm vào đó, theo Tiến sĩ Eloit, tất cả phải bắt đầu với việc bảo đảm sức khỏe cho động vật. Bởi sức khỏe của động vật có liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người trên toàn thế giới. Trước đó, hồi giữa năm ngoái, WHO từng cảnh báo khoảng 75% các bệnh truyền nhiễm mới có nguồn gốc từ động vật.
Đặc biệt, trong bối cảnh sự phát triển kinh tế thường phải đánh đổi bằng hệ sinh thái, môi trường sống lành mạnh và sức khỏe động vật, kế hoạch nói trên chỉ rõ tầm quan trọng của việc đánh giá lại cũng như thay đổi cách tương tác giữa con người, động vật, thực vật và môi trường. Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen cho rằng, mọi người đều có quyền được sống trong môi trường lành mạnh và sạch sẽ. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 cho thấy suy thoái tự nhiên đang làm gia tăng các mối đe dọa về y tế. Chính vì vậy, Kế hoạch hành động y tế chung vừa được ban hành sẽ giúp làm giảm nguy cơ về sức khỏe thông qua việc tiếp cận tích hợp giữa sức khỏe con người, động vật và môi trường. Nếu như không làm được điều này thì trong tương lai, các đại dịch sẽ xuất hiện thường xuyên hơn với khả năng lây lan mạnh mẽ hơn, gây tổn thất về người và của lớn hơn nhiều so với đại dịch Covid-19.
Với việc lần đầu tiên ban hành Kế hoạch hành động y tế chung, 4 tổ chức nói trên hy vọng kế hoạch này không chỉ giải quyết nguyên nhân dẫn tới sự xuất hiện của dịch bệnh mà còn giúp cải thiện khả năng ngăn ngừa, chuẩn bị ứng phó với các đại dịch trong tương lai, đồng thời giảm nhẹ tác động của các mối đe dọa y tế đối với thế giới.