Tính ưu việt của mô hình đầu tư công - quản trị tư
Mô hình đầu tư công-quản trị tư có thể được xem là một giải pháp nhằm tháo gỡ phần nào những khó khăn của tái thiết kiến trúc-cảnh quan trở thành công trình văn hóa-nghệ thuật. Nhiều chuyên gia cho rằng cần mạnh dạn thử nghiệm ở một số dự án nhỏ, rút kinh nghiệm cho mô hình còn khá mới mẻ này.
Đầu tư công là Nhà nước cung cấp tài trợ tài chính cho việc tái thiết để tạo ra công trình văn hóa-nghệ thuật qua hai hình thức là cấp tài trợ trực tiếp từ ngân sách công hoặc tạo ra các chương trình và quỹ để hỗ trợ việc tái thiết.
Quản trị tư đề cập đến việc tổ chức, quản lý và điều hành các hoạt động văn hóa liên quan đến công trình văn hóa-nghệ thuật sau tái thiết một cách chuyên nghiệp và hiệu quả. Có thể kể đến: Quản lý tài chính, lập kế hoạch, xây dựng chiến lược và phát triển, sáng tạo ra các sự kiện, cũng như quản lý nguồn lực con người và cơ sở vật chất. Ngoài ra, tạo ra các chiến dịch quảng cáo và tiếp thị để thu hút công chúng, tạo doanh thu.
Họa sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy (thứ hai, từ phải sang) và các cộng sự thực hiện "Con đường gốm sứ ven sông Hồng". Ảnh: LÊ BÍCH |
Ở nước ta, đa phần công trình kiến trúc-cảnh quan có thể tái thiết đều là công sản. Tái thiết về cơ bản chỉ là chuyển đổi công năng chứ không thay quyền sở hữu. Chính quyền muốn có công trình văn hóa-nghệ thuật phục vụ người dân thì rõ ràng phải đầu tư. Song đầu tư cho văn hóa-nghệ thuật khó đo lường định lượng hiệu quả và tác động. Không phải bất cứ người dân nào cũng ủng hộ tái thiết để có công trình văn hóa-nghệ thuật mà nên đầu tư công vào lĩnh vực khác thì thiết thực hơn. Cho nên, rất nhiều dự án văn hóa-nghệ thuật công cộng trên giấy tờ không được gọi thẳng tên là “dự án nghệ thuật” mà chỉ là một hạng mục nằm trong dự án “cải tạo, chỉnh trang” không gian công cộng.
Nhiều quốc gia phát triển hiện nay thực hiện mô hình quản lý cánh tay nối dài (arm’s length). Nhà nước tạo ra các chương trình và quỹ, thu hút nguồn lực xã hội hóa và bản thân Nhà nước cũng là một nhà tài trợ bằng ngân sách công. Điểm khác biệt là việc quyết định đầu tư cho dự án tái thiết nào là do một hội đồng chuyên môn thẩm định, không liên quan đến chính quyền. Điều này để tránh hiện tượng xin-cho, cánh hẩu, thiếu minh bạch. Vì là đầu tư gián tiếp hay chỉ đầu tư một phần nên Nhà nước sẽ không bị chất vấn về hiệu quả đầu tư công cho dự án tái thiết.
Điều quan trọng nhất trong mô hình đầu tư công-quản trị tư là vấn đề quản trị. Bản chất Nhà nước sinh ra là để quản lý, kiến tạo, không phải là sáng tạo văn hóa-nghệ thuật, cũng không phải kinh doanh công nghiệp văn hóa. Giả sử khu vực Nhà máy Xe lửa Gia Lâm sau Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 trở thành công viên sáng tạo, vui chơi, giải trí thì rõ ràng chính quyền Hà Nội phải bố trí nhân lực tổ chức quản lý tài sản, xây dựng chiến lược phát triển, bộ phận làm chuyên môn, chưa kể duy tu, bảo vệ. Từng đấy con người làm việc hết mình, hiệu quả thì không thể kiêm nhiệm mà phải làm việc chuyên trách, đồng nghĩa phải trả lương và biên chế sẽ phải tăng lên. Rõ ràng là bất khả thi trong bối cảnh tinh giản biên chế, tiết kiệm chi ngân sách hiện nay. Nếu chuyển giao cho một đơn vị tư nhân vận hành thì là lựa chọn khả thi hơn. Ở Việt Nam hiện nay, chưa có dự án tái thiết để kinh doanh theo mô hình đầu tư công-quản trị tư. Chỉ có một số dự án nghệ thuật công cộng, mà tiêu biểu là dự án “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” do Công ty TNHH Nghệ thuật Tân Hà Nội làm chủ đầu tư đã thành công kêu gọi nguồn lực xã hội hóa để hoàn thành xây dựng, không tổ chức kinh doanh.
Trong thời gian tới, Nhà nước cần phát triển chính sách và khung pháp lý rõ ràng và linh hoạt để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết hợp đầu tư công và quản trị tư trong lĩnh vực văn hóa nói chung, để có thể áp dụng cho các dự án tái thiết; chẳng hạn sửa đổi các luật về đầu tư công, đối tác công tư, quản lý, sử dụng tài sản công... hay xây dựng luật về hiến tặng và tài trợ cho lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật. Đồng thời, thiết lập các quy định về khuyến khích tài trợ tư nhân, ưu đãi thuế và các cơ chế khác để tạo động lực cho các doanh nghiệp và cá nhân tham gia đầu tư vào văn hóa.