TP. Hồ Chí Minh: Các khu chế xuất – khu công nghiệp thu hút hơn 12,3 tỷ USD vốn đầu tư
Tốc độ phát triển nổi bật của các khu chế xuất, khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, đã tạo được niềm tin cho hàng ngàn doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư.
Sáng 27/10, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị "Tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh" nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của các khu chế xuất, khu công nghiệp và đề ra phương hướng nhiệm vụ cho giai đoạn những năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh dự Hội nghị "Tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh" sáng ngày 27/10/2022 |
Dấu ấn 30 năm xây dựng và phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp
Trong giai đoạn đầu thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa theo tinh thần Nghị Quyết Đại Hội Đảng lần thứ VI năm 1986, Chính phủ chủ trương làm thí điểm một mô hình kinh tế nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Báo cáo tại hội nghị tổng kết, ông Hứa Quốc Hưng - Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Với sự quyết đoán của Chính phủ, cùng với nỗ lực của TP. Hồ Chí Minh, mô hình khu chế xuất đầu tiên của cả nước - khu chế xuất Tân Thuận ra đời vào ngày 25/11/1991. Trong 4 năm thí điểm, từ năm 1992 đến năm 1996, TP. Hồ Chí Minh thành lập thêm 2 khu chế xuất, đó là khu chế xuất Linh Trung 1 và khu chế xuất Linh Trung 2.
Vượt qua những khó khăn của giai đoạn đầu, từ thành công của mô hình khu chế xuất Tân Thuận, lần lượt các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, cũng như hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước được thành lập. Sau 30 năm phát triển, đến nay TP. Hồ Chí Minh đã có 3 khu chế xuất và 14 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 3.800 ha, đạt 64% diện tích quy hoạch của 23 khu chế xuất, khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ lấp đầy đạt 77%.
Ông Hứa Quốc Hưng - Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, báo cáo tổng kết tại hội nghị |
“Các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu đặt ra về mục tiêu thu hút vốn đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm, du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, nâng cao giá trị xuất khẩu. Đặc biệt, các doanh nghiệp từng bước tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của TP. Hồ Chí Minh phát triển theo hướng chuyển đổi vùng nông nghiệp lạc hậu thành khu đô thị - công nghiệp phát triển” - ông Hứa Quốc khẳng định.
Lũy kế đến tháng 9 năm 2022, các các khu chế xuất – khu công nghiệp đã thu hút được 1.674 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,33 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 45%. Bình quân hàng năm các các khu chế xuất – khu công nghiệp thu hút hơn 260 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tỷ trọng 58% vốn đầu tư nước ngoài của TP. Hồ Chí Minh trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Đặc biệt, giá trị xuất khẩu trung bình hàng năm của các khu chế xuất - khu công nghiệp đạt 7 tỷ USD, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, trung bình hàng năm nộp ngân sách Nhà nước hơn 22.000 tỷ đồng, chiếm 6% thu ngân sách thành phố (không kể dầu thô). Các các khu chế xuất – khu công nghiệp đã giải quyết việc làm cho hơn 281.000 lao động, chiếm 6% lực lượng lao động của TP. Hồ Chí Minh, trong đó tính riêng lao động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là 18%.
Đại biểu các Bộ ngành Trung ương, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp tham dự Hội nghị "Tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh" |
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, một trong những yếu tố quan trọng góp phần quyết định cho sự phát triển các khu chế xuất - khu công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung là cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ”. Cơ chế này ra đời và vận hành lần đầu tiên cùng với việc ra đời và phát triển của Khu chế xuất Tân Thuận.
Lần đầu tiên trong phạm vi cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho cơ quan quản lý đặc thù ở địa phương là Ban Quản lý các Khu chế xuất TP. Hồ Chí Minh, đồng thời chỉ đạo các Bộ ủy quyền cho Ban Quản lý để xử lý tại chỗ những vấn đề phát sinh tại khu chế xuất. Với những bước tiến đột phá trong thu hút đầu tư vào các khu chế xuất - khu công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ” đã được nhân rộng, áp dụng rộng rãi và trở thành nguyên tắc hoạt động của các Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế trong cả nước từ đó đến nay.
Cần chuyển đổi các khu chế xuất, khu công nghiệp theo hướng khu công nghiệp sinh thái, công nghệ cao
Sau 30 năm xây dựng và phát triển, các khu chế xuất - khu công nghiệp,Thành phố đã có những kết quả nhất định. Từ mô hình sơ khai ban đầu ở Khu chế xuất Tân Thuận, nay đã hình thành và phát triển hệ thống các khu chế xuất - khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, góp phần vào sự chuyển đổi vùng đất nông nghiệp lạc hậu thành những khu sản xuất công nghiệp tập trung năng động, những khu đô thị mới phát triển, đời sống cư dân ngày càng được cải thiện, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội TP. Hồ Chí Minh.
Đại diện các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phát biểu tại hội nghị |
Bên cạnh những thành quả đạt được, ông Hứa Quốc Hưng cũng nhìn nhận chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào khu chế xuất - khu công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu. Đồng thời chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao và có tính chất lan tỏa. Nguyên nhân là do giai đoạn đầu phát triển, tiêu chí “lấp đầy” được đặt lên hàng đầu để giải quyết lao động thất nghiệp, tiếp cận với công nghệ, nguồn vốn và trình độ quản lý từ nước ngoài nên chưa có sự chọn lọc dự án đầu tư.
Mặt khác, tính hấp dẫn của khu chế xuất - khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh giảm về các mặt như: Chính sách ưu đãi, kết cấu hạ tầng đồng bộ, giá cho thuê lại đất, nguồn nhân lực; khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên thiếu quỹ đất lớn…
Ngoài ra, hiệu quả sử dụng đất chưa cao, mô hình phát triển của các khu chế xuất chậm được đổi mới, các khu công nghiệp chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, hạ tầng phục vụ khu công nghiệp còn thiếu đồng bộ. Đặc biệt, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư.
Với những kết quả đạt được, cũng như những mặt hạn chế chưa làm được và trước bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới. Cùng với phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu thế trên thế giới; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, sâu rộng.
Các khu chế xuất - khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh được thành lập thời kỳ đầu những năm 90 đã hoạt động được hơn một nửa thời hạn hoạt động 50 năm của dự án. Điều đó đặt ra cho các khu chế xuất - khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh làm thế nào để góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa thành phố theo hướng hiện đại hóa, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, góp phần phát triển Thành phố trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030.