A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trực tiếp: Quốc hội thảo luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội

Phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước được truyền hình trực tiếp trên trang http://www.qdnd.vn từ 8 giờ 00 đến 11 giờ 30 phút và từ 14 giờ 00 đến 17 giờ 00 ngày 31-5 để cử tri, nhân dân theo dõi.

 

Nguồn: Truyền hình Quốc hội

Trong ngày 31-5, Quốc hội dành toàn bộ thời gian làm việc để thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Trước đó, trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Ngày 31-5, Quốc hội dành toàn bộ thời gian làm việc để thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Ảnh: VPQH

Về tình hình kinh tế-xã hội năm 2022, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết trong bối cảnh rất khó khăn, kinh tế Việt Nam vẫn bảo đảm được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó năm 2022, GDP năm 2022 tăng 8,02%; CPI bình quân tăng 3,15%; Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 371,3 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng…

Bên cạnh những điểm tích cực, báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn như: 2/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội chưa đạt mục tiêu (Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội). Ngoài ra, giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt yêu cầu.

Công tác lập quy hoạch còn chậm; nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động, tiếp cận vốn, chi phí sản xuất kinh doanh tăng, thị trường sản phẩm xuất khẩu bị thu hẹp. Những bất cập tích tụ kéo dài của các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chưa được xử lý thực sự hiệu quả.

Về tình hình kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2023, Phó thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế vĩ mô những tháng đầu năm 2023 cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. GDP quý I vẫn duy trì đà tăng trưởng đạt 3,32%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm, bình quân 4 tháng tăng 3,84%; thu ngân sách Nhà nước 4 tháng ước đạt 632.500 tỷ đồng, bằng 39% dự toán năm; xuất siêu 7,56 tỷ USD…

Tuy nhiên, sau 3 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng… Thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết