A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành: Nơi xoa dịu nỗi đau chiến tranh

Được thành lập từ ngày 3-4-1965, Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) là một trong những đơn vị có số lượng thương binh đông nhất và thương tật nặng nhất trực thuộc Cục Người có công, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Ngôi nhà nghĩa tình 

Sau gần 60 năm tồn tại và phát triển, trung tâm đã tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng lao động cho hơn 1.000 thương binh, bệnh binh nặng bị thương ở các chiến trường, đến từ khắp các nơi trên toàn quốc về đây an dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng.

Sau thời gian an dưỡng, điều trị và được các bác sĩ, y tá, nhân viên phục vụ, chăm sóc, đại đa số thương binh đã ổn định vết thương, phục hồi một phần sức khỏe và chức năng lao động. Những thương binh này đã được đơn vị làm công tác bàn giao, chuyển về an dưỡng ở gia đình để hòa nhập với cộng đồng dân cư, tiện cho việc chăm sóc của người thân, gia đình, quê hương. 

Những thương binh do vết thương quá nặng, di chứng của vết thương cũ tái phát, không qua khỏi thì đã được đơn vị hoàn tất các thủ tục hồ sơ trình Chính phủ suy tôn là liệt sĩ. Sau đó, đơn vị chuyển hồ sơ liệt sĩ bàn giao về địa phương để thân nhân được hưởng chế độ theo quy định. Đến nay, đơn vị chỉ còn đang quản lý, nuôi dưỡng, điều trị và thực hiện chế độ chính sách đối với 97 thương binh, bệnh binh bị nặng hạng 1/4. Người cao tuổi nhất đã trên 90 tuổi, người ít nhất cũng đã gần 40 tuổi.

Các thương binh, bệnh binh tại trung tâm được đội ngũ y, bác sĩ kiểm tra sức khỏe.

Tại trung tâm, hiện có 42 thương binh, bệnh binh nhiễm chất độc da cam, nhiều người mắc thêm các chứng bệnh: Tiểu đường, huyết áp cao, suy thận, viêm gan, viêm đường tiết niệu, loét lưng, ụ ngồi, cá biệt có thương binh nặng nhiễm chất độc da cam, sinh con ra bị khuyết tật, lấy vợ mấy chục năm không có khả năng sinh con. Một số người còn mảnh đạn, viên bi nằm trong cột sống, trong đầu. Mỗi khi trái gió trở trời, thời tiết thay đổi thì các vết thương cũ lại gây ra những cơn đau nhức nhối ở hốc mắt, mỏm cụt, bỏng buốt dây thần kinh, tê buốt tận xương tủy, tạo những cơn co giật, gây đau đớn, ảnh hưởng đến bữa ăn, giấc ngủ.

Tâm sự với phóng viên, hầu hết các bác thương binh, bệnh binh tại trung tâm đều cho rằng, động lực để họ vượt qua đau đớn về thể xác và tâm hồn chính là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là sự quan tâm, chăm sóc của cán bộ, nhân viên nơi đây. Ở trung tâm, cuộc sống của các bác thương binh, bệnh binh vô cùng dung dị, giản đơn, nhưng luôn chan chứa tình yêu thương. Cũng bởi vậy mà các bác luôn coi nơi đây là quê hương thứ hai, là mái nhà chung của tất cả mọi người.

Hết lòng vì thương binh, bệnh binh

Là người trực tiếp thăm khám cho các bác thương binh, bệnh binh tại trung tâm, bác sĩ Ngô Huy Phô, Trưởng phòng y tế phục hồi chức năng, Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành chia sẻ: Các bác thương binh, bệnh binh tại trung tâm do tuổi cao, sức yếu, lại mang trên mình những vết thương chiến tranh nên quá trình chăm sóc gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, đội ngũ cán bộ, nhân viên tại trung tâm luôn xác định nhiệm vụ phục vụ người có công là một niềm vinh dự. Vì vậy, công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc thương binh luôn được ưu tiên hàng đầu.

“Vào những hôm trái gió trở trời, vết thương cũ lại tái phát khiến các bác đau đớn dẫn đến việc không làm chủ được cảm xúc, nổi nóng với đội ngũ nhân viên. Những lúc như vậy, chúng tôi luôn cố gắng bình tĩnh, nhẫn nại, làm tốt công tác chuyên môn, chăm sóc cho các bác thật chu đáo. Bởi hơn ai hết, chúng tôi thấu hiểu và đồng cảm với những mất mát và nỗi đau mà các bác đang trải qua. Với chúng tôi, công việc chăm sóc các bác không chỉ là trách nhiệm mà còn là sẻ chia, sự thấu hiểu và yêu thương từ tận đáy lòng”, bác sĩ Ngô Huy Phô giãi bày.

Là người đã gắn bó nửa đời người với trung tâm, bác Lê Đức Luân, 69 tuổi, thương binh hạng 1/4 cho biết: “Tôi tham gia chiến đầu từ khi 19 tuổi và bị thương khi tuổi ngoài đôi mươi. Năm 1974, tôi được chuyển về trung tâm và gắn bó đến nay đã gần 50 năm. Hằng ngày, tôi cũng như các thương binh, bệnh binh tại trung tâm đều được đội ngũ y, bác sĩ chăm lo đời sống, sức khỏe một cách tận tình, chu đáo nên rất yên tâm. 

Riêng bản thân tôi, do bị thương ở cột sống, không thể di chuyển cho nên hằng năm, vào những dịp lễ, tết, trung tâm đều bố trí xe đưa đón tôi về thăm gia đình cũng như người thân. Điều này làm tôi cảm thấy rất phấn khởi và vơi bớt đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Dường như mọi nỗi đau, mất mát của chiến tranh đã lùi vào quá khứ”.

Hằng ngày, các y, bác sĩ của trung tâm đều dành thời gian đến từng phòng để thăm hỏi, chăm sóc cho các bác thương binh, bệnh binh.

Cũng như ông Lê Đức Luân, bác Trần Thị Hồng, 79 tuổi, thương binh hạng 1/4 cho biết: “Tôi trở về trung tâm từ tháng 3-1975. Ở trung tâm, tôi luôn nhận được sự quan tâm về vật chất lẫn tinh thần. Những đêm trái gió, trở trời, bệnh tình tái phát, các y, bác sĩ không quản ngại khó khăn, vất vả, túc trực 24/24, chăm sóc tận tình. Qua nhiều thế hệ, giám đốc, cán bộ, công nhân viên trung tâm luôn coi chúng tôi như người thân của mình và xem đây như là một gia đình lớn. Không chỉ vậy, cùng với sự phát triển của xã hội và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất của chúng tôi ngày càng được nâng cao. Trước đây, nhà ở của các thương, bệnh binh chỉ là nhà cấp 4 tạm bợ, còn giờ đây, hệ thống phòng ốc đã được xây dựng khang trang, thoáng mát và trang bị hệ thống điều hòa".

Bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành cho biết: “Chiến tranh đã qua đi nhưng đến tận hôm nay những hậu quả mà nó để lại vẫn rất nặng nề. Giờ đây, những thương, bệnh binh nặng đã trở về hòa nhập với cuộc sống đời thường nhưng những vết thương của chiến tranh vẫn còn đó, vẫn ngày đêm gặm nhấm thể xác và tinh thần. Thấu hiểu và mong muốn bù đắp phần nào những mất mát cho các thương, bệnh binh, đội ngũ cán bộ, nhân viên tại trung tâm luôn quan tâm và tận tình chăm sóc các bác như những người thân trong gia đình. Chúng tôi luôn ý thức được rằng công tác chăm sóc sức khỏe cho người có công với cách mạng không chỉ là một nhiệm vụ chính trị mà còn có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện sự tri ân với các thế hệ đi trước - những người đã không quản ngại nguy hiểm, hy sinh bản thân vì độc lập, tự do của dân tộc”.

Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các cấp, chính quyền, điều kiện, cơ sở vật chất trung tâm đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, đời sống của cán bộ nhân viên vẫn còn rất thiếu thốn. Do vậy, bác sĩ Nguyễn Văn Hương mong rằng, thời gian tới, các cấp lãnh đạo và các ngành chức năng sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để bảo đảm hơn nữa công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng cho các thương, bệnh binh; đồng thời tạo điều kiện tốt để các cán bộ, nhân viên để yên tâm công tác, hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Bài, ảnh: TRẦN YẾN


Tags: qdnd
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết