Văn học, nghệ thuật góp phần xây dựng bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ
Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là kết tinh những giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc và nhân loại, tiêu biểu là bản lĩnh và nhân cách của người chiến sĩ cách mạng được hình thành, bồi đắp, trui rèn qua nhiều giai đoạn với nhiều yếu tố và động lực, trong đó có vai trò quan trọng của văn học, nghệ thuật (VHNT).
Khẳng định những giá trị đó, đồng thời đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới”, ngày 16-3, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) tổ chức tọa đàm với chủ đề “Văn học, nghệ thuật góp phần xây dựng bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ”.
Tọa đàm thu hút sự quan tâm, tham gia của gần 20 đại biểu là các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ có uy tín, tài năng trong giới văn chương, nghệ thuật Việt Nam, như: GS, TS, Đại tá Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương; GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học; PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương; TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; PGS, TS Phan Trọng Thưởng; nhà văn Ngô Vĩnh Bình; PGS, TS Nguyễn Thanh Tú; nhà thơ Nguyễn Đức Mậu; nhà thơ Trần Anh Thái; nhà văn Ngô Thảo...
Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo QĐND chủ trì tọa đàm.
Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân chủ trì tọa đàm. Ảnh: TRUNG HIẾU |
“Thang thuốc bổ” góp phần xây dựng bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ
Phát biểu khai mạc, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ bày tỏ trân trọng, biết ơn các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ đã quan tâm, tham gia tọa đàm. Sự có mặt của các đại biểu là cơ hội để cán bộ, phóng viên của Báo QĐND thêm tự hào, tự tin. Tự hào bởi ngày đầu năm mới, tờ báo của những người lính được đón các đại biểu là những người nổi tiếng trong giới văn chương, nghệ thuật, những sứ giả văn hóa của nước nhà cùng bàn thảo những vấn đề rất nhân bản và cũng rất thời sự của đất nước. Tự tin với sự góp mặt của các đại biểu khẳng định tọa đàm hết sức có ý nghĩa, giá trị và thành công tốt đẹp. Thật xúc động là tâm huyết của PGS, TS Lưu Khánh Thơ với tình cảm trân quý Báo QĐND và đánh giá cao chủ đề tọa đàm, mặc dù sức khỏe còn yếu do vừa qua cơn bạo bệnh, nhưng bà đã đến từ rất sớm, chỉ để kịp gửi bản tham luận tới ban tổ chức rồi cáo từ, tiếp tục vào bệnh viện điều trị. Còn GS, TS Đinh Xuân Dũng vừa trải qua ca phẫu thuật, vết mổ chưa lành nhưng cũng đã có mặt để nói lên những suy nghĩ của mình về những phẩm chất, giá trị cốt lõi Bộ đội Cụ Hồ. Các đại biểu đã rất cảm động khi GS Phong Lê tuổi đã cao, sức khỏe không được tốt, nhưng rất quan tâm đến đề tài tọa đàm nên đã tới dự và phát biểu ý kiến rất tâm huyết.
GS, TS, Đại tá Đinh Xuân Dũng phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VIỆT TRUNG |
Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ nhấn mạnh, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ là hình ảnh đẹp đẽ nhất, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho VHNT: “Trong lớp lớp thanh niên được tiếp cận với VHNT về Bộ đội Cụ Hồ, chính bản thân tôi cũng cảm thấy mình được lớn lên, trưởng thành, vững vàng bởi được học, được đọc về VHNT nói chung và về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ nói riêng. VHNT viết về Bộ đội Cụ Hồ chính là “thang thuốc bổ” của cán bộ, chiến sĩ, góp phần xây dựng bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ”.
Lịch sử truyền thống QĐND Việt Nam là minh chứng sống động về “VHNT góp phần xây dựng bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ”. GS, TS Đinh Xuân Dũng khẳng định, VHNT bằng những sáng tạo và sức mạnh của mình đã “chuyên chở” hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ vượt không gian, thời gian để sống mãi trong lòng các thế hệ đã qua, hôm nay và mai sau. Ông lấy một dẫn chứng nhỏ nhưng vô cùng sinh động của sức lan tỏa, qua bốn câu thơ trong bài “Núi Đôi” của Vũ Cao: “Anh đi bộ đội sao trên mũ/ Mãi mãi là sao sáng dẫn đường/ Em sẽ là hoa trên đỉnh núi/ Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm”, để lại một hình ảnh tuyệt đẹp về Bộ đội Cụ Hồ và một tình yêu bất tử. Không chỉ tạo sức lan tỏa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, bằng những sáng tác xuất sắc, độc đáo với nhiệt huyết và cảm hứng của người trong cuộc, “người cùng cầm vũ khí”, nhiều tác phẩm VHNT đã có sức cổ vũ to lớn và vẫy gọi thiết tha người lính vươn tới, đạt tới cái đẹp, cái anh hùng trong cuộc đời binh nghiệp vô cùng gian khổ, hy sinh. Trong ba lô của người lính thường có những bài thơ, bản nhạc, truyện ngắn và tiểu thuyết như một gia tài tinh thần quý giá.
GS Phong Lê phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VIỆT TRUNG |
Bên cạnh khẳng định những giá trị của VHNT góp phần xây dựng bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ, GS Phong Lê đánh giá cao sự cống hiến, đóng góp của đội ngũ sáng tác. Khát vọng cống hiến thiêng liêng được thực hiện trước hết với những người lính-từ anh Vệ quốc quân đến anh Giải phóng quân, nhất là những nhà văn mặc áo lính là một lực lượng hùng hậu từ Trần Đăng, Thôi Hữu, Hoàng Lộc, Quang Dũng, Chính Hữu... đến Hồ Phương, Hữu Mai, Nguyễn Khải, Lê Anh Xuân, Hữu Thỉnh, Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu, Trần Anh Thái... Thiếu họ sẽ không có một nền văn học “xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền VHNT chống đế quốc trong thời đại ngày nay”.
"Món nợ" của văn nghệ sĩ với hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ
Khẳng định giá trị Bộ đội Cụ Hồ luôn là hình ảnh cao đẹp trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế, nhưng các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay trong cơ chế thị trường và sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiệm vụ xây dựng quân đội thời kỳ mới cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác tư tưởng-văn hóa nói chung và việc tiếp tục phát huy vai trò của VHNT, góp phần xây dựng bản lĩnh và nhân cách của người chiến sĩ nói riêng, đang đặt ra nhiều thách thức.
Theo PGS, TS Phan Trọng Thưởng, thời đại nào cũng sản sinh ra những nhân vật, những kiểu mẫu, mẫu người tiêu biểu của thời đại đó. Lịch sử sang trang, hoàn cảnh đất nước thay đổi. Tuy vẫn mang bản chất của Bộ đội Cụ Hồ năm xưa nhưng không gian thử thách không chỉ là thao trường và chiến trường, mà còn mở ra thị trường và thương trường; đặc biệt là thị trường thời đại kỹ thuật số. Nhìn vào thực tế hiện nay chúng ta sẽ thấy Bộ đội Cụ Hồ vừa là những con người trực tiếp chiến đấu, vừa trực tiếp công tác và lao động sản xuất. Làm thế nào để Bộ đội Cụ Hồ thời nay vẫn giữ được phẩm chất, bản lĩnh và nhân cách, quả là vấn đề không đơn giản. Để có được hình tượng văn học mang phẩm chất, cốt cách Bộ đội Cụ Hồ, cần phải tái tạo được những nhân vật sử thi thời bình trong VHNT, tránh việc viết thành gương người tốt-việc tốt; hoặc không khéo biến người lính thành anh hùng siêu nhân, chứ không phải bằng da bằng thịt với xúc cảm, cốt cách chân dung Bộ đội Cụ Hồ.
Nhà văn Ngô Thảo cũng trăn trở, nhiều năm nay trên điện ảnh, truyền hình rất thiếu những tác phẩm phản ánh hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Rõ ràng về số lượng, văn nghệ sĩ quân đội không hề ít, nhưng tác phẩm VHNT về lực lượng vũ trang không dồi dào như xưa. Lâu lắm rồi không có những tác phẩm về người lính hôm nay được dư luận quan tâm. Nhà văn bày tỏ mong muốn các đồng chí lãnh đạo phụ trách về văn hóa-tư tưởng của Đảng và của quân đội quan tâm chỉ đạo, đầu tư để làm sao có nhiều hơn tác phẩm giáo dục cho mọi người sống nhân ái hơn, bằng cách xây dựng nhiều hơn những tác phẩm gần với đời sống người lính hôm nay.
Đồng quan điểm với nhà văn Ngô Thảo, nhà văn Phùng Văn Khai, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội phát biểu, là thế hệ tiếp nối trong ngôi nhà văn chương số 4 Lý Nam Đế (Hà Nội), luôn đau đáu, trăn trở với các thế hệ đi trước về đề tài người lính, trong khi đây là một “con đường” rất lớn cần khai phá cả bề rộng và chiều sâu. Nhưng để hấp dẫn đội ngũ sáng tác đang là vấn đề lớn bởi cách tiếp cận của thế hệ viết ngày nay rất khác. Vấn đề khó nữa là chế độ, thù lao, kinh phí chi trả cho những sáng tác về đề tài người lính cũng chưa tương xứng với công sức của tác giả.
Xây dựng bản lĩnh, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới
Dành nhiều năm nghiên cứu về xây dựng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong VHNT, PGS, TS Tôn Phương Lan đặt câu hỏi: “Làm thế nào để tiếp tục xây dựng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong VHNT một cách có ích cho việc bồi dưỡng nhân cách người lính, khi hiện nay hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ có những điểm giống nhưng cũng có nhiều điểm mới so với trước đây? Cần làm thế nào để hiểu họ, xây dựng những tấm gương mới, đây thực sự là thách thức lớn”. Trước câu hỏi lớn này, PGS, TS Tôn Phương Lan đề xuất, cần xây dựng những tác phẩm VHNT gắn với môi trường lịch sử và văn hóa; hướng tới đối tượng độc giả trẻ. Thường xuyên đầu tư, mở trại sáng tác cho các nhà văn quân đội đi thực tế đơn vị. VHNT của hôm nay phải khắc họa một cách chân thực tâm hồn, cốt cách của người chiến sĩ.
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương nhấn mạnh rất tâm đắc với đề tài tọa đàm. Hiện thực đời sống của người lính hôm nay rất khác, rất mới, thậm chí cũng vô cùng phức tạp. Để xây dựng được hình tượng Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới trong VHNT thì người viết phải thâm nhập thực tế để cảm nhận thật đầy đủ cuộc sống của người lính hôm nay. Ngay như trong bão lũ, hỏa hoạn, đại dịch Covid-19 thời gian qua hình ảnh người lính ở những tuyến đầu chống dịch, nơi biên cương Tổ quốc cũng có rất nhiều câu chuyện để có thể xây dựng hình tượng Bộ đội Cụ Hồ. Mặt trái của kinh tế thị trường tất nhiên sẽ có những tiêu cực, nhưng ngay cả trong những tác phẩm phản ánh mặt trái cũng phải làm sao đưa ra những cảnh báo, những định hướng tốt để người đọc, người xem cảm nhận được phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ luôn vươn lên trong khó khăn, thách thức.
Nhà văn Ngô Vĩnh Bình phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VIỆT TRUNG |
Nhà văn Ngô Vĩnh Bình, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, nhà thơ Trần Anh Thái đều là những nhà văn, nhà thơ mặc áo lính có chung quan điểm, cần tiếp tục nuôi dưỡng và phát huy hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Bởi đây là cách gọi thật gần gũi, rất Việt Nam và tên gọi cũng là hiện tượng độc đáo trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam và văn hóa Việt Nam. Nhà văn Ngô Vĩnh Bình kể câu chuyện nhỏ, trong một cuộc tọa đàm về việc tiếp tục nuôi dưỡng, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ cách đây không lâu, một thủ trưởng phát biểu giản dị, chân tình: “Các ông làm thế nào thì làm, nhưng phải làm sao để hình ảnh bộ đội mình thường xuyên và mãi mãi đẹp trong mắt nhân dân, nhân dân mãi mãi tin yêu gọi là “anh bộ đội”... Câu nói giản dị đó, theo nhà thơ Ngô Vĩnh Bình, nó vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu, vừa là đòi hỏi trong suốt cuộc đời sáng tác của ông. Nhà thơ Trần Anh Thái thì cho rằng, người lính hôm nay có học vấn, có tư duy mới và hiện đại, họ sẵn sàng chấp nhận mọi loại hình văn học, mọi phương pháp sáng tác khác nhau, nhưng đó phải là những tác phẩm VHNT chân chính, những tác phẩm nói lên đúng bản chất con người, bản chất người lính trong thời đại hiện nay. Những tác phẩm như vậy sẽ giúp người lính tự nhận thức, thay đổi cách nghĩ, cách nhìn thế giới.
PGS, TS Nguyễn Hữu Đạt và PGS, TS Nguyễn Thanh Tú đề cập đến vấn đề đưa tác phẩm văn học vào giảng dạy trong nhà trường cũng như công tác lý luận, phê bình VHNT về hình tượng Bộ đội Cụ Hồ. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự định hướng của các cơ quan quản lý trong công tác quảng bá, tuyên truyền tác phẩm đến rộng rãi công chúng, độc giả.
Tọa đàm còn ý kiến trực tiếp của PGS, TS Phạm Quang Long; nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng đề cập đến những vấn đề hệ trọng của văn học, đặc biệt trong việc góp phần xây dựng bản lĩnh, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ. Cùng với các ý kiến phát biểu là những tham luận của các đại biểu gửi tới tọa đàm, như tham luận của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam với tựa đề “Văn học và việc tạo dựng hồ sơ tâm hồn người lính”; nhà lý luận, phê bình văn học Nguyễn Hòa với tham luận “Văn học, nghệ thuật và bản lĩnh, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ”... đã nêu ra những giải pháp về việc tiếp tục nuôi dưỡng, lan tỏa nhiều hơn nữa tác phẩm VHNT về Bộ đội Cụ Hồ cả trong quá khứ và hiện tại, tương lai.
Kết thúc tọa đàm, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ bày tỏ sự trân trọng với tình cảm, tâm tư, trăn trở qua ý kiến tham luận của các đại biểu. Hy vọng trong thời gian tới, các văn nghệ sĩ tiếp tục vào cuộc, đồng hành, thấu hiểu để khám phá và sáng tạo, góp phần giữ gìn và lan tỏa phẩm chất, giá trị nhân cách Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.