Bảo đảm an toàn cho ngư dân trong mùa mưa bão
Mùa mưa bão năm nay, các địa phương ven biển phía Nam thường xảy ra hiện tượng dông, lốc, sóng biển cao. Trong khi đó, nhiều ngư dân còn chủ quan xem nhẹ công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) dẫn đến gia tăng sự cố, tai nạn tàu, thuyền trên biển. Trước thực trạng này, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) các địa phương đã triển khai nhiều mô hình, biện pháp hiệu quả, bảo đảm an toàn cho ngư dân vươn khơi bám biển.
Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, mới đây, tàu cá Bth 97155-TS có 9 người do ông Văn Thanh Sỹ, ngụ huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) làm thuyền trưởng đang đánh bắt hải sản trên vùng biển cách đảo Phú Quý khoảng 3 hải lý thì bất ngờ bị sóng to, gió lớn, phá nước, dẫn đến chìm tàu. Nhận được thông tin, cán bộ, chiến sĩ tàu cứu nạn BP11-19-01 (BĐBP tỉnh Bình Thuận) đã cơ động phối hợp với các lực lượng cứu sống được 8 người và tìm thấy một thi thể ngư dân mất tích... Từ đầu năm 2023 đến nay, BĐBP tỉnh đã điều động 25 lượt tàu với hơn 200 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng cứu được 21 người bị nạn trên biển.
Tại vùng biển Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2023 đến nay, BĐBP Thành phố đã huy động 22 lượt phương tiện với hơn 100 lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng cứu được 34 người trong 22 vụ tai nạn tàu, thuyền trên biển... Ghi nhận của các cơ quan chức năng, số vụ tai nạn tàu, thuyền trên biển ngày càng tăng cao. So với cùng kỳ năm 2022, vùng biển tỉnh Bình Thuận tăng 13 vụ, vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 28 vụ...
Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận kiểm tra tàu, thuyền tại Cảng cá Phan Thiết, Bình Thuận. Ảnh: ĐĂNG VIỆT |
Nguyên nhân các vụ tai nạn tàu, thuyền trên biển tăng cao, bên cạnh do thời tiết bất thường còn có yếu tố chủ quan. Một số địa phương phát triển nghề cá mang tính tự phát, làm theo kinh nghiệm, manh mún nên việc đóng tàu, thuyền chưa tính đến tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. Quá trình đánh bắt, một số ngư dân không chấp hành quy định chia sẻ vị trí, ngư trường đang hoạt động, tắt thiết bị giám sát hành trình. Vì vậy, khi xảy ra tai nạn, thông tin chậm, thiếu chính xác, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong nhận định, đánh giá tình hình, triển khai các biện pháp tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Trong khi đó, nhiều tàu cá qua nhiều năm sử dụng, sức chịu sóng, gió kém, ngư dân lại thường thay đổi nghề theo thời vụ, điều kiện khó khăn, việc bảo dưỡng, sửa chữa chưa thường xuyên. Đặc biệt, do địa bàn ít bị ảnh hưởng trực tiếp của các cơn bão nên tâm lý nhiều ngư dân vẫn chủ quan, không trang bị đầy đủ thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị cứu sinh (áo phao, thiết bị chống chìm, bình chữa cháy...) hoặc có nhưng mang tính đối phó. Bên cạnh đó, việc quản lý người, phương tiện ra vào trên biển và việc dự báo, cảnh báo thời tiết xấu có thời điểm chưa kịp thời, thiếu chính xác.
Dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ, từ nay đến cuối năm, vùng biển phía Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp của nhiều cơn bão và gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh gây dông, sóng biển cao 4-6m, tiềm ẩn các vụ tai nạn tàu, thuyền. Trước thực trạng trên, đồng hành với ngư dân vươn khơi bám biển là nhiệm vụ trọng tâm được đảng ủy, bộ chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố phối hợp với các ban, ngành tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều biện pháp.
Thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) có gần 100 tàu, thuyền đánh bắt xa bờ. Cùng với quá trình kiểm tra an toàn tàu, thuyền, cấp giấy xuất bến cho ngư dân, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cần Thạnh còn phổ biến kỹ về mô hình hoạt động của “Tổ tàu, thuyền tự quản an toàn”. Ông Trần Hồng Phát, ngụ thị trấn Cần Thạnh, chủ tàu SG 37202-TS, Tổ trưởng "Tổ tàu, thuyền tự quản an toàn" nói: “Được cán bộ, chiến sĩ kiểm tra, hướng dẫn cụ thể, chúng tôi tự tin, đoàn kết giúp đỡ nhau vươn khơi bám biển lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.
Thực hiện mô hình này, các đồn đã tham mưu cho UBND huyện ra quyết định thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả của 16 "Tổ tàu, thuyền tự quản an toàn" với 121 phương tiện, 417 thành viên, có quy chế tổ chức, hoạt động theo các tiêu chí: Cùng nghề, cùng ngư trường, cùng nơi cư trú, cùng họ hàng thân thích. Đây là một trong những biện pháp mà BĐBP thành phố thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển.
Ông Nguyễn Thành Được, Thuyền trưởng tàu cá SG 3529-TS, ngụ huyện Cần Giờ, tâm sự: "Nhờ nằm trong "Tổ tàu, thuyền tự quản an toàn", mới đây, tàu chúng tôi có 7 thuyền viên đang đánh bắt hải sản trên biển Cần Giờ thì bị sóng lớn đánh chìm. Nhận được thông tin và hướng dẫn của BĐBP Thành phố, tàu cá của ông Đỗ Mộng Bằng đang hoạt động gần vị trí đã kịp thời đến cứu được 6 người".
Tại các địa phương ven biển như Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu... có nhiều mô hình về thực hiện phương châm "4 tại chỗ" hiệu quả, như: “Tổ tàu, thuyền đoàn kết”, “Âu thuyền, cảng cá an toàn”, “Điểm cứu nạn, cứu hộ”... nhằm thực hiện hiệu quả phương châm "4 tại chỗ". BĐBP các địa phương duy trì nghiêm chế độ trực, thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án, gắn thực hiện hiệu quả quy chế, kế hoạch phối hợp với các lực lượng, đơn vị liên quan làm tốt công tác cảnh báo, dự báo, đánh giá tình hình, sẵn sàng xử trí tốt khi có tình huống. Các đơn vị tham mưu cho UBND các địa phương huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc và quan tâm đầu tư, mua sắm trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ số, bảo đảm thông tin liên lạc, phổ biến, tập huấn đến từng ngư dân.
Đại tá Trần Thanh Đức, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP TP Hồ Chí Minh cho biết: Trong mùa mưa bão, để bảo đảm an toàn cho ngư dân trên biển, BĐBP đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức và kỹ năng cho ngư dân. Bên cạnh đó, các đơn vị chú trọng làm tốt việc kiểm tra, giám sát biên phòng tại các cửa khẩu cảng, trạm kiểm soát, nắm chắc hải trình các tàu cá để kịp thời xử lý các tình huống. BĐBP phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai nhiều chương trình đồng hành với ngư dân bám biển, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân khó khăn...