Bức xúc trước kiểu đánh bắt tận diệt thủy sản
Mặc dù bị pháp luật cấm nhưng mỗi khi thủy triều xuống, nhất là sau những cơn mưa, nhiều người sử dụng bộ dụng cụ chích điện công suất lớn để đánh bắt thủy sản. Kiểu đánh bắt "giết nhầm hơn bỏ sót" này không chỉ tận diệt nguồn thủy sản, hủy hoại hệ sinh thái mà còn tiềm ẩn nhiều hiểm họa đến tính mạng.
Theo phản ánh, nhiều xã ở huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh là nơi thường xuyên xảy ra tình trạng sử dụng kích điện để đánh bắt cá. Người dân sống ở khu vực này cho rằng, việc đánh bắt bằng kích điện xảy ra cả ngày lẫn đêm khiến họ rất bức xúc và lo ngại về tình trạng suy kiệt nguồn lợi thủy sản.
“Họ ngang nhiên chèo ghe dọc theo hai bên bờ kênh, rạch để chích điện. Nhiều loài thủy sản ở dọc con sông này cạn kiệt và mất dần”, một người dân sinh sống trong khu vực này bức xúc nói.
Bên cạnh đó, việc đánh bắt cá bằng kích điện còn rất nguy hiểm đối với con người nếu máy kích gặp trục trặc dẫn đến rò điện hoặc người và máy cùng ngã xuống nước… Thực tế, cũng đã có nhiều vụ việc thương tâm khi người đi kích cá bị điện giật tử vong.
Khi sử dụng kích điện thì trong bán kính hơn 1m tất cả các sinh vật dưới nước từ cá, cua, lươn, các sinh vật phù du... đều bị điện giật sốc, chết nổi lên mặt nước. Sau khi bị sốc, chết, các loại sinh vật đều bị bắt, thậm chí cả trứng của các loài sinh vật dưới nước cũng bị hư hỏng. Đây là cách đánh bắt tận diệt, khiến nguồn lợi thủy sản không thể tái tạo, ảnh hưởng nặng nề đến môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.
Tuy nhiên, một số người dân chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của việc sử dụng phương thức đánh bắt tận diệt nên vẫn còn tình trạng sử dụng kích điện, thuốc nổ trong đánh bắt thủy sản...
Đáng nói, theo phản ánh của người dân địa phương, việc này xảy ra thường xuyên, hàng ngày ở nhiều ấp thuộc các xã trong huyện Bình Chánh. Các đối tượng này thực hiện hành vi kích điện trắng trợn giữa ban ngày, nhất là ở các con suối, kênh rạch ở xã Tân Nhựt.
Hai đối tượng dùng kích điện đánh bắt thủy sản tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh (Ảnh cắt từ clip) |
Trao đổi với báo Tuổi trẻ Thủ đô, Luật sư Võ Hồng Rin, Đoàn luật sư Bình Dương cho biết, hành vi dùng xung điện, kích điện đánh bắt cá bị nghiêm cấm, quy định tại khoản 7, Điều 7, Luật Thủy sản 2017.
Căn cứ khoản 1, Điều 28 Nghị định 49/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019, người có hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng. Ngoài ra, người có hành vi tàng trữ công cụ kích điện để khai thác thủy sản còn bị phạt tiền từ 10.000.000 - 15.000.000 đồng (quy định tại khoản 2, điều 28 Nghị định 49/2019/NĐ-CP).
Bên cạnh đó, theo điểm a, Khoản 5, Điều 28, Nghị định 49/2019/NĐ-CP, người vi phạm sẽ bị là tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ.
Theo Luật sư Rin, hành vi dùng xung điện, kích điện đánh bắt cá có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hủy hại nguồn lợi thủy sản” được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 242 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Như vậy, hành vi dùng xung điện, kích điện đánh bắt cá sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đáng nói, ngoài việc nhiều người dùng xung điện, kích điện đánh bắt, khiến cá chết gây ô nhiễm thì một số hộ dân và nhà máy, xí nghiệp xả rác, nước thải xuống kênh, sông khiến nước bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức cho người dân; không thể lấy nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm của hệ thống sông suối, kênh rạch, đề nghị chính quyền huyện Bình Chánh vào cuộc quyết liệt hơn, mạnh tay xử lý những vi phạm.