Cần có chế tài đủ mạnh để chống thực phẩm bẩn
Các vụ ngộ độc thực phẩm thời gian qua diễn ra liên tiếp và với quy mô lớn. Lo lắng về tình trạng này, đại biểu Quốc hội đề nghị cần nâng mức xử phạt đối với các sai phạm trong hoạt động kinh doanh về an toàn thực phẩm, nhằm bảo đảm chế tài đủ mạnh, tránh buông lỏng quản lý, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm, có hơn 2.100 người mắc và 6 người tử vong. Trong đó, vừa qua đã xảy ra một số vụ ngộ độc lớn ở Đồng Nai, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc...
Thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc. Ảnh: TTXVN |
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) bày tỏ, tình trạng ngộ độc thực phẩm đang diễn ra trên quy mô rộng và loại hình đa dạng như hiện nay. Dư luận đang đặt ra câu hỏi về quy trình quản lý giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng nỗi băn khoăn, đại biểu Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang) nêu: Nguyên nhân để xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể xảy ra liên tục trong thời gian qua là do sự chồng chéo của quy định pháp luật, hay việc buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng. Đề nghị Chính phủ cần có đánh giá rõ hơn để có giải pháp quản lý chặt chẽ trong thời gian tới.
Đối với các vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể, có thể nhận thấy, nguyên nhân chủ yếu là do nguồn nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn tập thể trong các trường học, khu công nghiệp rất đa dạng, khó kiểm soát. Thực tế kiểm tra sau các vụ ngộ độc thực phẩm của Bộ Y tế cũng cho thấy, ngộ độc thực phẩm tập thể do một số cơ sở sản xuất, kinh doanh cung cấp lương thực, thực phẩm thu gom nguyên liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Thêm vào đó, phương tiện, dụng cụ chế biến, dụng cụ bảo quản thực phẩm nhiều nơi chưa được quan tâm đầu tư.
Còn đối với thức ăn đường phố, có thể nói đây là nơi cung cấp nhiều món ăn ngon, mang lại sự tiện dụng, phù hợp với túi tiền của nhiều người dân. Tuy nhiên, xét về quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, hầu hết các món ăn đường phố đều không bảo đảm. Ngay cả một số cơ sở dù có chứng chỉ vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn khó bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, cũng không lưu mẫu thực phẩm để kiểm định khi cần. Đáng chú ý, phần lớn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định, cơ sở kinh doanh thực phẩm đường phố cũng thuộc quản lý của ngành công thương. Từ thực tế trên dễ dàng nhận thấy khoảng trống trong quản lý về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người dân.
Thực phẩm bẩn, mất an toàn vệ sinh thực phẩm là mối đe dọa đối với sức khỏe con người. Để ngăn chặn tình trạng này, cần sớm tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm đường phố, theo hướng nâng mức xử phạt đối với các sai phạm trong hoạt động kinh doanh về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm bảo đảm chế tài đủ mạnh. Đồng thời, thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trước hết là nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp, thủ trưởng đơn vị về bảo đảm an toàn thực phẩm cho người lao động; nâng cao nhận thức cho cơ sở sản xuất thực phẩm để bảo đảm ý thức hơn về an toàn thực phẩm cung ứng cho người dân và các đơn vị; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong mua và sử dụng thực phẩm, kiên quyết không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm.