A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần cơ chế vận hành phù hợp cho ngôi trường hiện đại ở miền núi

Với cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại, Trường THPT Kỳ Sơn được đánh giá là ngôi trường đẹp nhất miền Trung. Đây là điều kiện để nhà trường thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, việc quản lý, vận hành một cơ sở vật chất hiện đại như vậy cũng còn trăn trở.

Ngôi trường “trong mơ”

Vượt qua những cung đường quanh co hơn 250km từ TP Vinh đi qua các thị trấn, thị tứ, chúng tôi đến với Kỳ Sơn-huyện miền núi biên giới phía Tây Nghệ An. Từ xa, nhìn những khối nhà được thiết kế khang trang ngay trung tâm thị trấn Mường Xén, chúng tôi cứ ngỡ đó là khu hành chính mới của huyện, nhưng kỳ thực đó ngôi trường “trong mơ” của các em học sinh vùng cao huyện Kỳ Sơn, vừa được tài trợ với tổng kinh phí 210 tỷ đồng.

Đây là ngôi trường hiện đại vào tốp đầu cả nước với trang thiết bị dạy và học đạt chuẩn quốc gia, cùng các phòng ở nội trú cho học sinh và giáo viên với đầy đủ tiện nghi, khép kín. Với diện tích khoảng 2,6ha, 245 phòng học, ngôi trường đáp ứng nhu cầu học tập cho 2.000 học sinh.

Vậy là giờ đây, các em học sinh huyện Kỳ Sơn sẽ chẳng còn phải lo ngày mưa, tháng nắng học tập trong những phòng học xuống cấp, không đủ điều kiện học tập, sinh hoạt. Dạo qua các lớp học, không khí học tập sôi nổi là điều chúng tôi dễ nhận thấy. Với hệ thống bảng thông minh hỗ trợ, môn Tiếng Anh bỗng trở nên hấp dẫn hơn, các môn Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật trở nên sinh động hơn bởi những hình ảnh, clip minh họa... Không chỉ trải nghiệm các mô hình thí nghiệm trên màn hình ti vi, học sinh còn được tiếp cận nền giáo dục hiện đại với 9 phòng học, thực hành bộ môn, giúp các em trải nghiệm thực tế, chủ động tư duy, tìm tòi và sáng tạo.

Học sinh dân tộc thiểu số Trường THPT Kỳ Sơn được học tập với các thiết bị hiện đại. 

Dù đôi tay còn lóng ngóng trên bàn phím của chiếc máy tính mới trong phòng Tin học nhưng em Lầu Bá Sâu, người dân tộc Mông, học sinh lớp 11A1, Trường THPT Kỳ Sơn đã biết soạn thảo một văn bản. Em là người đầu tiên trong gia đình biết sử dụng máy tính. Lầu Bá Sâu chia sẻ: “Nhà em ở tận xã Mường Típ, cách trường 20km nên em phải thuê trọ để đi học. Trường lớp mới có đầy đủ máy vi tính, học ngoại ngữ qua tai nghe và bảng tương tác, các trò chơi nên đi học rất thích và hiểu bài hơn”.

Nói về cơ ngơi mới, thầy Lê Văn Tảo, Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Sơn cho biết: “Đây là trường THPT duy nhất của huyện biên giới Kỳ Sơn, với hơn 95% học sinh là con em đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú. Cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại có ý nghĩa hết sức to lớn với cả thầy và trò. Trước hết, học sinh có đủ phòng học, có chỗ ở bán trú sạch sẽ. Đó còn là điều kiện để nhà trường thực hiện tốt chuyển đổi số, đổi mới phương pháp dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, rút ngắn khoảng cách giữa giáo dục miền núi và miền xuôi. Đây là điều kiện để nhà trường bắt tay vào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia”.

Để sử dụng được trang thiết bị dạy học mới, cán bộ, giáo viên nhà trường đã qua những lớp tập huấn trực tiếp và trực tuyến. Bên cạnh đó, Trường Đại học Vinh cũng tài trợ và chuyển giao mô hình trường học số, tập huấn về các kỹ năng khai thác thiết bị, khai thác nguồn học liệu trên internet, thiết kế bài giảng, đổi mới phương pháp dạy học... nên cán bộ, giáo viên nhà trường đã làm chủ các thiết bị dạy học và ứng dụng tốt. Cô Trần Thị Kiều Oanh, giáo viên môn Ngữ văn cho hay: “Giáo viên có thể trình chiếu tranh ảnh, các đoạn phim, tư liệu, bài tập... liên quan đến nội dung bài học. Qua đó triển khai các phương pháp dạy học tích cực, các hoạt động học tập, luyện tập, vận dụng... một cách phong phú, đa dạng và hiệu quả. Học sinh cũng bước đầu mạnh dạn thể hiện sự hiểu biết của bản thân, ứng dụng công nghệ trong các tiết học”.

Chưa sử dụng hết công suất 

Từ khi tiếp nhận cơ sở vật chất đến nay đã gần một năm, dù các phòng học được đưa vào sử dụng nhưng để hoạt động đúng công suất lại là một thách thức không nhỏ với nhà trường. Dẫn chúng tôi vòng qua khu nhà thể thao đa năng tới khu nội trú, nhà ăn, thầy Tảo tâm sự: “Nhà nội trú học sinh có 122 phòng ở với sức chứa gần 1.000 học sinh. Đây là mô hình trường THPT dân tộc bán trú (DTBT) kiểu mới, lần đầu tiên thí điểm trên cả nước nên để làm quen với cách thức quản lý, cách vận hành cơ sở vật chất và rút kinh nghiệm, trường xin chủ trương thực hiện quy mô từ 300 đến 400 em. Hiện tại, đã có 360 học sinh vào ở nội trú với tinh thần tự nguyện và ưu tiên những hoàn cảnh mồ côi, hộ nghèo trước”.

Nhìn hệ thống máy móc hiện đại, đèn, quạt, điều hòa, bình nóng lạnh được lắp tại các phòng học, phòng chức năng và khu nội trú, chúng tôi thắc mắc đã bao giờ trường thử chạy hết công suất hệ thống được trang bị chưa? Thầy Tảo lắc đầu, giọng đầy trăn trở: “Nếu chạy đủ công suất những thiết bị đó, tiền điện lên tới hơn 300 triệu đồng/tháng. Trong thời gian này, nhà trường vừa quản lý, vận hành, vừa rút kinh nghiệm, đồng thời chuẩn bị thêm cơ sở vật chất như lắp thêm các đường nước, khoan thêm giếng, xây thêm bể chứa, bể lọc để cấp đủ nước khi học sinh vào ở đông, do toàn bộ hệ thống phòng ở khép kín, mở rộng thêm nhà ăn”.

Sau thời gian hoạt động thí điểm mô hình trường THPT DTBT kiểu mới thành công, thầy Tảo rất mong được Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan cho chủ trương để chính thức chuyển thành trường THPT DTBT. Qua đó, các cán bộ, giáo viên, học sinh dân tộc thiểu số có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ, động viên để tiếp tục có điều kiện học tập và cống hiến lâu dài, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo nguồn nhân lực cho địa phương.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, bà Vi Thị Quyên, Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: "Theo quy định, mô hình trường nội trú thuộc cấp tỉnh. Tuy nhiên, nếu không triển khai mô hình này ở huyện Kỳ Sơn sẽ có nhiều bất cập về chế độ cho học sinh và giáo viên. Hiện chưa có cơ chế vận hành mô hình học bán trú nên các cán bộ Trường THPT Kỳ Sơn đang thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần tình nguyện và trường mới vận hành được 50% công suất. Việc sử dụng hết công năng của hệ thống cơ sở vật chất đó rất tốn kém, trước mắt, huyện sẽ hỗ trợ tiền điện, nước theo đợt nhưng không thể thường xuyên. Huyện Kỳ Sơn đã đề xuất với tỉnh Nghệ An xin cơ chế đặc thù cho trường theo mô hình trường THPT bán trú kiểu mới.

Một ngôi trường với cơ sở vật chất hiện đại, đẹp mắt, đầy đủ phòng học chức năng, sân chơi, nơi rèn luyện thể dục-thể thao, thư viện... đang rất mong chờ một cơ chế phù hợp để góp thêm động lực, cơ hội học tập cho học sinh nơi mảnh đất biên cương của Tổ quốc.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật