A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dạy chữ ở xóm “nhiều không”

Xóm Cà Lò, xã Khánh Xuân (Bảo Lạc, Cao Bằng) là xóm đặc biệt khó khăn. Cà Lò không có điện lưới, không sóng điện thoại, không nước sạch, không đường...

Tuy là xóm “nhiều không” nhưng từ nhiều năm nay, Cà Lò luôn có và cũng là niềm vui, niềm hy vọng của xóm đó chính là sự có mặt của các giáo viên cắm bản. Nhờ có chữ, tư duy của bà con nơi đây đã thay đổi nhiều, họ đã tích cực làm ăn, phát triển kinh tế gia đình và quan tâm hơn đến việc cho con, cháu đến trường.

Nhắc đến Cà Lò thì những người đã biết đều có chung suy nghĩ về một bản làng xa xôi, khó khăn. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn phỏng vấn các cô ở điểm trường Cà Lò, cô giáo Hứa Thị Tuyến, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Khánh Xuân tỏ ra ái ngại. Cô Tuyến đề nghị: “Để tôi mời cô giáo phụ trách điểm trường ra. Cô giáo quen đường đi sẽ nhanh hơn, còn phóng viên muốn đi thì phải gọi người ở xóm ra “tăng bo” chứ không thể tự đi được”. Thế nhưng vì sự kiên định của chúng tôi muốn đi thực tế tận nơi, hai “tay lái cứng” là phụ huynh của các học sinh ở điểm trường đã có mặt tại trung tâm xã để chở phóng viên vào điểm trường.

Cà Lò nằm ở biên giới có 100% là người dân tộc Dao, toàn bộ là hộ nghèo. Quãng đường từ trung tâm xã Khánh Xuân đến Cà Lò dài 32km, nhưng có 10km là đường mòn, toàn đá hộc lởm chởm, một bên là vách đá, một bên là vực sâu. Ở những đoạn lên dốc, tiếng máy xe gằn lên từng hồi khét lẹt. Còn ở dốc xuống, dù máy đã về số thấp nhưng nhiều lúc, tôi thấy lái xe phải đứng cả lên chân phanh để xe không bị trôi. Riêng đoạn đường khó 10km, nếu trời mưa thì chỉ có cách là đi bộ băng qua rừng cũng mất cả một buổi. Sau hơn hai tiếng vừa chạy xe vừa nổ máy dắt bộ, chúng tôi cũng đến được Cà Lò. Hiện lên trước mắt là một bản làng có hơn 30 hộ dân, sống rất quần cư, với những nhà sàn được dựng trên sườn núi đá.

 Xóm Cà Lò, xã Khánh Xuân (Bảo Lạc, Cao Bằng).

Nằm ngay ở đầu xóm là điểm trường Cà Lò của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Khánh Xuân và Trường Mầm non Khánh Xuân, với hai căn nhà cấp 4 lắp ghép mới được các nhà hảo tâm tài trợ đầu tư xây dựng. Năm học 2024-2025, điểm trường gồm 3 phòng học (một lớp mầm non, một lớp ghép lớp 1-2-3, một lớp ghép lớp 4-5). Cả điểm trường có 3 giáo viên. Các thầy cô giáo vừa phụ trách giảng dạy, vừa là người chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho các em. Khó khăn là vậy nhưng thầy cô luôn kiên trì, bền bỉ bám lớp, bám bản, mùa xuân cũng như mùa đông, trời mưa cũng như trời nắng, sáng thứ hai, thầy cô có mặt tại điểm trường rồi ở lại dạy học đến thứ sáu.

Cô Lý Thanh Trầm, giáo viên phụ trách điểm trường chia sẻ: “Gian nan như vậy nhiều khi cũng khiến giáo viên nản lòng, nhưng nhìn các em học sinh vẫn vượt khó khăn đến lớp mỗi ngày là động lực của thầy cô. Để các em không bỏ học giữa chừng, tăng tính chuyên cần, ngoài các em được hỗ trợ ăn bán trú theo quy định, chúng tôi cũng cố gắng san sẻ để em nào cũng được ăn. Bố mẹ các em lúc thì góp bó củi, lúc góp mớ rau, cân gạo...”.

Bữa ăn trưa bán trú của học sinh điểm trường Cà Lò, xã Khánh Xuân (Bảo Lạc, Cao Bằng). 

Việc thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất là khó khăn lớn nhất của người dân Cà Lò. Nguồn nước dùng đều dựa vào bể nước bằng xi măng do Nhà nước đầu tư từ năm 2018 để tích trữ nước mưa dùng làm nước sinh hoạt và chăn nuôi. Những gia đình nào dùng nước tiết kiệm, chăn nuôi ít thì được khoảng 10 tháng trong năm có nước, hết thì phải đi khoảng 5-6km gánh nước. Giống như người dân bản, điểm trường Cà Lò cũng trong tình trạng thiếu nước như vậy. Tại đây, 3 thầy cô đang làm việc, sinh hoạt hằng ngày cũng chỉ dựa vào 5 téc có dung tích hơn 1.500 lít đựng nước mưa để dùng cho cả năm. Đó còn là nguồn nước được dùng cho sinh hoạt hằng ngày và nấu ăn cho các em học sinh. 

 Học sinh tại điểm trường Cà Lò, xã Khánh Xuân (Bảo Lạc, Cao Bằng).

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc cho biết: “Bảo Lạc là huyện đặc biệt khó khăn của Cao Bằng, có tỷ lệ hộ nghèo cao, cùng với đó là mặt bằng dân trí thấp, nhận thức của bà con còn hạn chế. Tại xóm Cà Lò, hiện nay những khó khăn đang tồn tại ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế, trao đổi hàng hóa và giao lưu văn hóa của nhân dân, dẫn tới người dân cơ bản là hộ nghèo. Bên cạnh chính sách hỗ trợ gạo, học phí, tiền ăn của Nhà nước, huyện đã tích cực vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ cơ sở vật chất tại các điểm trường cho cô và trò sinh hoạt bớt vất vả”.

Giữa những triền đá lởm chởm màu xám, hình ảnh lớp học với bước chân các em nhỏ ríu rít và tiếng học bài ê a là những gì chúng tôi tin vào một ngày mai tươi đẹp hơn với Cà Lò.


Tags: Xóm Cà Lò
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết