Tiêu điểm
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lãng phí “bờ xôi ruộng mật”

Cơn "sốt" đất đầu năm 2022 xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước và sau đó là tình trạng "đóng băng" thị trường bất động sản đã gây ra nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực đến đời sống, kinh tế, xã hội. Một trong những hệ lụy rõ nhất là đất nông nghiệp (ĐNN) ở nhiều nơi đang bị lãng phí, hoang hóa, vượt ngoài tầm quản lý, kiểm soát của địa phương.

Địa bàn huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng là vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp, gồm: Hoa, cà phê, rau màu, cây ăn trái... nhưng giờ đây, hàng loạt khu đất, nương rẫy bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm chen lẫn với hàng rào thép gai, tường gạch, cột bê tông... Một lãnh đạo cấp xã thuộc huyện Lâm Hà thừa nhận rằng, những thửa đất hoang hóa ấy được người từ địa phương khác đến, nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, nhận chuyển nhượng. Họ chọn những vị trí màu mỡ, ven suối, ven hồ, trên đồi dốc thoai thoải rồi trả giá, sang nhượng ồ ạt trong vòng xoáy của đầu cơ và thị trường nhà đất lên cơn "sốt". Việc sang nhượng quyền sử dụng đất được các bên thực hiện ở cấp huyện nên cấp xã rất khó quản lý. Ngay cả những hàng xóm lân cận cũng không nắm được cụ thể, chỉ thấy thực tế là những vườn cây tươi tốt, xanh mát trước đây, sau khi sang tên đổi chủ đã bị bỏ hoang do không có người chăm sóc.

 Đất nông nghiệp ở nhiều nơi đang bị lãng phí. Ảnh minh họa

ĐNN được ví là “bờ xôi ruộng mật”, nay rơi vào cảnh hoang hóa, lãng phí tràn lan ở nhiều địa phương trong cả nước, trở thành vấn đề nan giải trong quản lý đất đai. Lẽ ra, khi được chuyển quyền sử dụng giữa các cá nhân, tổ chức với nhau thì đất sẽ được tiếp tục trồng trọt, khai thác hiệu quả hơn. Nhưng, thực tế lại đang tồn tại nghịch lý khá phổ biến, cơn "sốt" ảo đất khiến đa phần việc chuyển nhượng không nhằm mục đích sản xuất mà chủ yếu là để đầu cơ. Không ít cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật, đã mua những thửa đất có diện tích lớn, sau đó vẽ sơ đồ, thiết kế khu dân cư, phân lô, xé nhỏ bán qua bán lại, nảy sinh những tranh chấp, khiếu kiện phức tạp.

Quản lý, khai thác hiệu quả ĐNN là cơ sở, điều kiện để xây dựng ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, quy định pháp luật về quản lý, khai thác nguồn lực tài nguyên ĐNN. Việc để ĐNN hoang hóa, lãng phí nhưng chưa có giải pháp xử lý, nắm rõ thực trạng ở từng địa phương đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém trong quản lý đất đai ở cơ sở.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được các đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ sáu đang diễn ra. Đây là cơ sở để vấn đề khai thác, quản lý, chuyển quyền sử dụng tài nguyên ĐNN được xem xét, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, xây dựng những quy định chặt chẽ, nhằm phát huy tiềm năng tài nguyên ĐNN, nhất là các quy định liên quan đến điều kiện chuyển nhượng, ngăn chặn đầu cơ, có biện pháp xử lý các trường hợp để ĐNN hoang hóa, lãng phí kéo dài, gây tác động tiêu cực đến quy hoạch phát triển nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực. Về công tác quản lý nhà nước, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở cơ sở, nhất là cơ quan cấp huyện, cấp xã trong việc giám sát biến động về ĐNN, rà soát, nắm rõ hiện trạng sử dụng, diện tích ĐNN sử dụng không đúng mục đích, đang bị hoang hóa, lãng phí nhằm bảo đảm sử dụng ĐNN đúng quy hoạch, định hướng; không thể để rơi vào các vòng xoáy đầu cơ dẫn đến những ruộng vườn phì nhiêu, màu mỡ bị lãng phí như hiện nay.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật