A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một đề xuất hợp lòng dân

Đề xuất tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi với người không có lương hưu lẫn trợ cấp BHXH đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Hầu hết các ý kiến bày tỏ sự đồng tình và cho rằng, việc này là rất cần thiết khi đánh giá đúng thực trạng đời sống của người cao tuổi ở nước ta hiện nay.

Không ai có thể phủ nhận, nhiều năm qua, nhất là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào về việc thực hiện quyền con người, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của mỗi người dân. Dù chưa nằm trong nhóm các quốc gia phát triển nhưng Việt Nam lại là quốc gia nằm trong số nước có tuổi thọ trung bình cao (trên 73 tuổi). Liên hợp quốc-tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh coi Việt Nam như một điểm sáng về phát triển con người và thực hiện các quyền con người trong thực hiện những mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo, về công bằng và tiến bộ xã hội. Dù vậy, ở một khía cạnh khác, chúng ta cần nhìn nhận một thực tế, chất lượng cuộc sống của người cao tuổi ở Việt Nam khá khiêm tốn. Người Việt có tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh lại thấp (64 tuổi).

Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp tới an sinh xã hội. Ảnh: kinhtedothi.vn 

Theo báo cáo tình hình thực hiện công tác dân số trong nước trong 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình, “có 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu”. Bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh, đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn, trong khi đa số họ không có tích lũy. Nhiều người cao tuổi vẫn đang phải lao động để có thu nhập bảo đảm cuộc sống. Hiện mới chỉ có khoảng 35% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Những người cao tuổi không có lương hưu và trợ cấp hưu trí xã hội nếu không có sự hỗ trợ từ con cái cuộc sống sẽ vất vả, khó có thể có cuộc sống vui khỏe lúc tuổi già.

Cùng với đề xuất hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi với người không có lương hưu lẫn trợ cấp BHXH, cơ quan chức năng cũng đề xuất người cao tuổi đủ điều kiện nhận trợ cấp 500.000 đồng mỗi tháng từ ngân sách nhà nước thay vì 360.000 đồng như hiện hành và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Những đề xuất này nếu được thực hiện thì đó là sự cố gắng lớn của Đảng, Nhà nước với chính sách an sinh xã hội. Nó cũng thể hiện chính sách nhân văn, bản chất tốt đẹp của chế độ với mục tiêu cao nhất là bảo đảm các quyền con người, mỗi người được hưởng cuộc sống tốt nhất.

Xung quanh vấn đề này, ý kiến của các chuyên gia cho rằng, chừng nào lưới an sinh xã hội chưa bao phủ hết được tất cả người dân thì khi đó chúng ta càng cần phải cố gắng hơn nữa. Việc hạ độ tuổi từ 80 xuống 75 trong trường hợp này là cần thiết, nhưng về chiến lược lâu dài, cần có các giải pháp để huy động tối đa sự tham gia, tiến tới thực hiện BHXH toàn dân. Mỗi người dân cần có nhận thức cao hơn, thấu đáo hơn về tầm quan trọng của lương hưu bằng cách tham gia BHXH. Khi mà càng nhiều người dân tham gia BHXH để đến hết tuổi lao động được hưởng lương hưu thì càng giảm gánh nặng cho Nhà nước và xã hội.

Dù biết rằng, ngân khố quốc gia cũng “trăm thứ trông vào”, nhưng với sự đồng thuận, đồng lòng của xã hội, việc ngân sách nhà nước dành thêm một khoản chi phí để hỗ trợ người cao tuổi cũng là hợp lòng dân. Suy cho cùng, việc lo cho người cao tuổi cũng chính là sự biết ơn của thế hệ đi sau, những người đang lao động, làm việc. Việc hợp lòng dân thì càng thực hiện sớm càng tốt.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật