Quảng Ngãi: Nhiều di tích xuống cấp cần được trùng tu
Các thắng cảnh thiên nhiên và nhiều di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh Quảng Ngãi hiện đang bị xâm lấn, hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để bảo vệ, trùng tu.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, tính đến tháng 9-2023, trên địa bàn tỉnh có 255 di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh; trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 31 di tích quốc gia, 163 di tích cấp tỉnh, 59 di tích có quyết định bảo vệ và đăng ký bảo vệ. Tuy nhiên, hiện tại có khoảng 50/255 di tích bị lấn chiếm, xâm hại và nhiều di tích đang xuống cấp nghiêm trọng.
Ngoài tác động của thiên tai, thời tiết, khí hậu hoặc thiếu kinh phí trùng tu thì còn nhiều nguyên nhân chủ quan khác khiến các di tích có nguy cơ thành phế tích, thắng cảnh bị xâm hại. Đó là một số địa phương còn thờ ơ, xem nhẹ việc bảo vệ và buông lỏng quản lý thắng cảnh, di tích; một số ít người dân chưa nhận thức sâu sắc về giá trị lịch sử, văn hóa mà các thắng cảnh, di tích mang lại.
Chiếc xe tăng M48 bị đứt gãy, hoen gỉ trưng bày tại thôn 3, xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). |
Có thể liệt kê các thắng cảnh, di tích bị xâm hại nhưng chưa được xử lý dứt điểm, như: Thắng cảnh Ba Làng An ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) bị người dân xây dựng hàng quán trái phép; thắng cảnh núi Thạch Sơn ở xã Nghĩa Phú (TP Quảng Ngãi) bị biến thành nơi mai táng người chết, mồ mả ngày càng nhiều như một nghĩa địa; địa điểm liên quan đến cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ (huyện Ba Tơ), di tích Trường Lũy đoạn thuộc địa phận huyện Trà Bồng bị lấn chiếm trồng keo; di tích vụ thảm sát ở làng Tân An, xã Đức Phong (huyện Mộ Đức) bị xâm lấn để đào hồ nuôi tôm; đình Lâm Sơn, ở thôn Phước Lâm, xã Hành Nhân (huyện Nghĩa Hành), thành Bàn Cờ do người Chăm xây dựng thuộc địa phận hai xã Nghĩa Phú (TP Quảng Ngãi) và Nghĩa Thương (huyện Tư Nghĩa) bị xuống cấp, xâm hại, ngổn ngang gạch vỡ.
Đặc biệt, quần thể di tích Chiến thắng Vạn Tường ở xã Bình Hòa (huyện Bình Sơn) có nhiều rác ở khắp nơi, cỏ mọc um tùm kín lối vào; một số bia tự, vết tích bị mờ, hư hỏng, bong tróc, rêu mốc; nhiều bộ phận của xe tăng trưng bày bị hoen gỉ, đứt gãy; hiện tượng viết, vẽ bậy lên các mẫu vật ngày càng nhiều. Ông Lê Cát, 70 tuổi, ở thôn 3, xã Bình Hòa lo lắng: “Nếu cơ quan chức năng không kịp thời duy tu, sửa chữa, bảo vệ, e rằng chỉ ít năm nữa, các hiện vật tại đây sẽ hoàn toàn biến mất”.
Được biết, mỗi năm ngân sách cấp tỉnh bố trí để thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo, bảo quản định kỳ các di tích có nguy cơ xuống cấp và bị hủy hoại còn khiêm tốn so với nhu cầu triển khai công tác trùng tu, tôn tạo. Ngày 14-1-2022, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Quyết định số 51/QĐ-UBND phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử-văn hóa, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Di tích của tỉnh khá nhiều, chủ yếu là các di tích lịch sử, cách mạng tồn tại dưới dạng địa điểm, nằm rải rác, phân bố ở vùng sâu, vùng xa, đường giao thông đi lại rất khó khăn, nên chưa tạo được sự liên kết để phát triển hiệu quả cho các tuyến tham quan du lịch trong tỉnh. Kinh phí đầu tư cho trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích còn hạn chế, chưa tương xứng với quy mô của di tích quốc gia đặc biệt hoặc di tích quốc gia. Nhiều di tích đã được xếp hạng, nhưng chưa được đầu tư kinh phí để phục hồi, tu bổ”.
Trước thực trạng trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đánh giá lại tiềm năng các di tích, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, trên cơ sở đó có định hướng địa phương quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi nhằm phục vụ du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch biển, đảo để tăng thu ngân sách, tái cấu trúc thắng cảnh, di tích. Đồng thời với đó, địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, khơi dậy niềm tự hào quê hương để các em và mọi người nhận thức được giá trị, ý thức được trách nhiệm để cùng chung tay bảo vệ.