A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thăng trầm làng nghề đan tre ở Phú An

Xã hội phát triển, các vật dụng phục vụ cuộc sống người dân ngày càng cần đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng, mẫu mã và sự tiện dụng. Vì vậy, nhiều sản phẩm được làm từ vật liệu truyền thống như tre, nứa, mây đã được thay thế bằng những nguyên liệu mới như nhựa, kim loại... Việc duy trì và phát triển làng nghề đan tre ở Phú An cũng vì thế đang đứng trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, có nguy cơ thất truyền.

Chúng tôi tìm về thôn Phú An, xã Cao An (Cẩm Giàng, Hải Dương) một làng quê nghèo, thuần nông đổi thay với nghề đan tre truyền thống một thời. Ở đây, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, đường bê tông thẳng tắp trải dài khắp xóm làng... nhưng không còn nhiều người gắn bó với nghề truyền thống. Để tìm hiểu thêm về nghề đan tre một thời hưng thịnh nơi này, chúng tôi tìm đến gia đình ông Phạm Xuân Nùng và bà Nguyễn Thị Huệ, năm nay đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”. Ông bà đã gắn bó với nghề gần 60 năm và nay dù tuổi cao nhưng hằng ngày vẫn cần mẫn pha nan, đan tre. Ông Nùng cho biết: “Trước đây, thời kỳ hưng thịnh của làng nghề là vào những năm 1975-1990, hầu như cả làng đều làm nghề này. Người lớn dạy cho trẻ nhỏ, mỗi người một công việc. Sau khi làm xong các sản phẩm, chúng tôi lại gánh hoặc thồ các cặp rá, rổ, gầu, sàng, sảo... trên những chiếc xe đạp mang đến các chợ phiên trong và ngoài tỉnh để bán, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Nhờ làm nghề đan tre mà nhiều gia đình đã xây được nhà cao cửa rộng, dựng vợ gả chồng cho con cái và có thêm của ăn, của để”.

Gia đình ông Phạm Xuân Nùng ở thôn Phú An, xã Cao An là một trong số ít gia đình còn làm nghề đan tre. 

Hằng ngày, những đôi tay khéo léo của người thợ đan lát làng nghề Phú An vẫn tạo ra các sản phẩm từ tre, nứa rất đa dạng, với đủ các chủng loại, từ những vật dụng truyền thống dùng trong gia đình như rổ, rá, sàng, sảo, gùi cho đến các phương tiện mưu sinh như gầu, đó, đăng, nơm. Tất cả đều được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của những người nông dân nơi đây. Vừa nhanh tay buộc, cạp những sợi dây mềm vào sảo, bà Nguyễn Thị Huệ chia sẻ: “Muốn làm ra một sản phẩm tốt, bền, người thợ đan tre không những phải khéo léo mà còn phải nhẫn nại. Ví như cái rá dùng để vo gạo chẳng hạn, trong quá trình vót nan cho đến khi lên khung, người thợ đan phải khéo léo để giữ cho khoảng cách giữa các lạt đan đều nhau, không có kẽ hở để hạt gạo không bị lọt ra ngoài. Với những sản phẩm này, kỹ thuật đan rất phức tạp, không phải ai cũng làm được. Mỗi loại sản phẩm lại đòi hỏi phải có một cách làm phù hợp”.

Việc đan lát là công việc khá công phu, tốn nhiều thời gian và đòi hỏi tính cần cù, khéo léo, cẩn thận và tỉ mỉ. Từ cách cài nan cho đến từng kiểu đan đều phải theo quy trình riêng. Để tạo nên một sản phẩm đan lát truyền thống phải mất rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là chọn những cây tre, cây nứa, mây có độ dẻo phù hợp. Việc này rất cần kinh nghiệm, vì nếu nguyên liệu không tốt, đồ dùng làm ra sẽ nhanh hỏng. Cây tre, nứa, mây sau khi chặt đem về thường được chẻ nhỏ thành sợi, vót mỏng và được phơi khô. Sau khi đan xong, sản phẩm tiếp tục được hun khói tránh mối mọt. Công đoạn cuối cùng là đánh cạp, buộc cạp cho sản phẩm.

Ngày nay, những vật dụng truyền thống rá, rổ, thúng, gầu, sàng, sảo một thời ít được người ta dùng nên rất khó bán và giá bán rất rẻ so với công lao động của người thợ phải bỏ ra. Hiện nay, thúng loại to có giá bán từ 100.000-120.000 đồng/đôi, loại nhỏ 50.000 đồng/đôi; rá khoảng trên dưới 90.000 đồng/đôi. Mỗi tháng, một người làm việc miệt mài mới đan được từ 20-25 chiếc sảo, giá mỗi chiếc khoảng trên dưới 100.000 đồng, tính ra thu nhập bình quân 65.000-85.000 đồng/người/ngày. Số tiền ấy không đủ cho một người chi tiêu. Chính vì thế, đa số các thế hệ người dân Phú An sau này không còn mặn mà với nghề truyền thống. Vì mưu sinh, những nam, nữ thanh niên trong làng đều thoát ly ra ngoài tìm việc làm khác cho thu nhập khá hơn.

Thị trường bị thu hẹp nên các sản phẩm truyền thống gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về đời, về nghề, ông Vũ Quang Tiệm, người dân làng Phú An chỉ biết bùi ngùi khi nhiều người quay lưng với sản phẩm truyền thống. Ông Tiệm trải lòng: “Tôi biết đan tre từ nhỏ. Trước đây, nghề đan tre cho hiệu quả kinh tế cao nên trong gia đình tôi trừ những đứa trẻ còn quá nhỏ thì tất cả các thành viên đều tham gia đan lát. Thế nhưng, khoảng hơn 15 năm trở lại đây, số người đặt mua giảm mạnh, sản phẩm làm ra không bán được nên một số thành viên đã chuyển sang làm nghề khác; chỉ còn tôi làm nghề, mục đích là để rèn luyện sức khỏe và đỡ nhớ nghề, chứ thu nhập thì chả đáng là bao”.

Chia tay ông Tiệm và người cao tuổi ở thôn Phú An, hình ảnh những đôi tay gầy gò, run run của các ông lão, bà lão vẫn ngày ngày cần mẫn ngồi đan những chiếc rổ, rá, sàng, sảo cứ ám ảnh tâm trí tôi. Trong sâu thẳm của họ là sự luyến nhớ làng nghề một thời hưng thịnh xưa và nỗi niềm đau đáu, mong mỏi gìn giữ nghề truyền thống của quê hương.  


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết