A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ý thức phòng, chống thiên tai

Tại Hội nghị giao ban giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an về phối hợp thực hiện Nghị định số 03/2019/NĐ-CP của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm 2023, khi thảo luận về công tác phòng, chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn, một số đại biểu chia sẻ: Quá trình tuyên truyền, vận động ngư dân đưa phương tiện vào nơi trú ẩn để tránh ảnh hưởng của bão, một số chủ phương tiện cố tình chây ỳ, không tuân theo hướng dẫn.

Thậm chí, một số tàu, thuyền còn trốn kiểm định, tắt thiết bị liên lạc... nên khi có bão hoặc thời tiết xấu không nhận được thông báo, hướng dẫn phòng tránh. Ở trên đất liền cũng không ít người coi thường các khuyến cáo, hướng dẫn về PCTT, chủ quan, coi thường sinh mệnh của bản thân và gia đình; dù ở trong khu vực nguy hiểm nhưng khi được tuyên truyền, vận động vẫn nhất quyết không chịu di chuyển đến nơi an toàn... 

Thực tiễn cho thấy, nếu người dân có ý thức tốt, chủ động, tự giác, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác PCTT thì thiệt hại sẽ được giảm nhẹ và ngược lại. 

Để phòng, chống hiệu quả, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, cùng với thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ”, việc nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức cảnh giác và tự giác, chủ động phòng ngừa của người dân có vai trò đặc biệt quan trọng. Vì người dân chính là chủ thể trực tiếp tiến hành PCTT. Không thể có chính quyền, cơ quan chức năng nào đủ lực lượng, phương tiện để bảo đảm PCTT cho tất cả mọi người, mọi nhà, mọi cơ sở sản xuất, kinh doanh... và trong mọi thời điểm. Nếu người dân không nhận biết được những mối nguy hiểm của thiên tai, không có ý thức phòng tránh, thậm chí cố tình lao vào nơi nguy hiểm để mưu sinh thì chắc chắn sẽ thiệt hại nặng nề.  

Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Lâm Đồng tham gia khắc phục hậu quả sạt lở trên đèo Bảo Lộc. Ảnh:qdnd.vn

Để mỗi người dân đều trở thành chiến sĩ trong PCTT, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi người về công tác PCTT theo phương châm chủ động phòng ngừa là chính, kết hợp với các biện pháp thích ứng phù hợp. Hình thức, nội dung tuyên truyền cần sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ. Không chỉ tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, sinh hoạt cộng đồng, cần phát huy vai trò của các tổ chức để tuyên truyền đến từng hộ gia đình, chủ phương tiện, chủ cơ sở, nhất là với những người làm việc, cư trú tại nơi có nguy cơ cao bị thiệt hại do bão lũ, sạt lở đất... Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về PCTT trong các nhà trường, giúp thế hệ trẻ có ý thức và biết cách PCTT từ nhỏ, qua đó, tác động tích cực đến gia đình chủ động PCTT để giữ an toàn cho chính mình. 

Ngoài tuyên truyền thường xuyên, trước mùa mưa bão và khi dự báo có bão lũ, sạt lở đất... các cấp chính quyền và cơ quan chức năng thông tin cụ thể, kịp thời diễn biến tình hình, đưa ra những cảnh báo và hướng dẫn biện pháp PCTT, cách xử lý khi có những tình huống để mọi người nắm rõ, chủ động thực hiện. Các tổ dân phố, cụm dân cư cần lập các trang mạng xã hội, nhóm Zalo để thường xuyên trao đổi, kịp thời cập nhật thông tin, tương tác, hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi có tình huống xấu xảy ra và phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó... Cùng với đó, cần xây dựng và nhân rộng mô hình người dân chủ động PCTT tại khu dân cư, bến tàu thuyền...; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chống đối, thiếu hợp tác, vi phạm quy định về PCTT để răn đe, tạo ý thức tự giác, chủ động PCTT cho mọi người, giảm thiệt hại không đáng có. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật