A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lan toả thương hiệu mắc ca Di Linh

Trên thị trường, mắc ca Di Linh được biết tới với hàm lượng dinh dưỡng cao, vị thơm ngon, do đó được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin dùng.

Xây mối liên kết trong sản xuất

Tôi gặp ông Lê Văn Trường - Giám đốc Hợp tác xã Liên kết Mắc ca Di Linh (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cũng là một cựu chiến binh tại một hội chợ xúc tiến thương mại tại Hà Nội. Gian hàng trưng bày sản phẩm mắc ca của hợp tác xã thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng thủ đô.

Ông Lê Văn Trường- HTX Liên kết mắc ca Di Linh
Ông Lê Văn Trường - Giám đốc Hợp tác xã Liên kết Mắc ca Di Linh. Ảnh: Nhật Quỳnh

Nghe tôi ngỏ lời muốn biết hiện trạng trồng và chế biến mắc ca cũng như đời sống của bà con dân tộc thiểu số trong hợp tác xã, ông Trường vui vẻ đồng ý. Ông nói, ở độ cao 1.000 m so với mặt nước biển, Di Linh là vùng đất bazan màu mỡ, có tiểu vùng thời tiết, khí hậu rất thích hợp đối với các loại cây công nghiệp, đặc biệt là cây cà phê.

Những năm gần đây, Di Linh còn được biết tới là nơi sản xuất ra loại hạt mắc ca có chất lượng tốt, giá trị dinh dưỡng cao. Đây cũng là loại cây đã và đang mang lại thu nhập ổn định cho bà con dân tộc thiểu số, như: K’ Ho, Mạ, Hoa, Nùng, Chu Ru, Sán Dìu, Ra Glai, Tày, Mường… nói riêng và người dân ở Di Linh nói chung.

Ông Trường cũng chia sẻ, cây mắc ca được bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn trồng xen với cây cà phê. Điều này rất có lợi, bởi cây mắc ca sinh trưởng ở tầm thấp, giúp giữ ẩm cho cây cà phê, giảm lượng nước cần tưới trong mùa khô.

Đáng nói, hầu hết các hộ trồng mắc ca trên địa bàn huyện đã được liên kết vào mạng lưới trồng, từ đó giúp duy trì sản lượng cho đơn vị sản xuất, đồng thời đảm bảo đầu ra ổn định cho bà con.

Riêng với Hợp tác xã Liên kết mắc ca Di Linh, ngoài 33 hộ thành viên, hợp tác xã còn liên kết với 150 hộ khác trồng cây mắc ca trên địa bàn, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc K’ Ho. Nhờ đó, hợp tác xã luôn ổn định sản lượng, với khoảng 300 tấn sản phẩm/năm.

Trái ngọt từ “chăm chỉ” tham gia xúc tiến, quảng bá sản phẩm

Không chỉ đứng ra xây dựng mối liên kết chặt chẽ trong trồng mắc ca, ông Trường cũng cho hay, bản thân ông cũng như hợp tác xã rất tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm, hoạt động kết nối giao thương trong và ngoài tỉnh. “Hội chợ nào do các cơ quan trong tỉnh tổ chức, hoặc hỗ trợ chúng tôi cũng tham gia. Vừa để tìm kiếm đối tác, vừa học hỏi kinh nghiệm hay của các doanh nghiệp, hợp tác xã bạn”, ông Trường nói.

Sản phẩm Mắc ca Di Linh
Sản phẩm của Hợp tác xã Liên kết Mắc ca Di Linh. Ảnh: Hải Linh

Bên cạnh đó, nhãn mác sản phẩm của hợp tác xã cũng được tích hợp mã QR, giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc, chất lượng. Họp tác xã xây dựng website riêng để giới thiệu với khách hàng thông tin sản phẩm, quy trình sản xuất, giá cả… và dễ dàng đặt mua. Nhờ tiếp thị bài bản, sản phẩm của hợp tác xã đã tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Ông Trường cũng đồng thời cho biết, “riêng tại hội chợ lần này, ngoài mang theo sản phẩm giới thiệu và bán tại chỗ, hợp tác xã còn mang theo vài trăm kg sản phẩm để giao cho các nhà phân phối trên địa bàn thành phố Hà Nội và một số tỉnh xung quanh”.

Ngoài bán hàng theo kiểu truyền thống, với thị trường trong nước, bên cạnh các đại lý, nhà phân phối là khách quen, hợp tác xã đã đưa mắc ca lên các sàn thương mại điện tử, bán hàng qua Tiktok, Zalo… nhờ đó sản lượng tiêu thụ khá tốt, giúp ổn định thu nhập cho thành viên hợp tác xã và các hộ dân liên kết. Năm 2024, thu nhập bình quân của các hộ thành viên hợp tác xã từ cây mắc ca đạt khoảng 400 triệu đồng.

Theo ông Trường, cây cà phê cho thu nhập cao hơn khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm, tuy nhiên cà phê bán theo giá thị trường, thường xuyên dao động, độ ổn định không bằng mắc ca. Nhưng việc trồng xen mắc ca với cà phê đã giúp người dân có thu nhập kép.

Lan toả thương hiệu mắc ca Di Linh
Mắc ca đem lại thu nhập ổn định cho bà con dân tộc thiểu số nói riêng, người dân Di Linh nói chung. Ảnh: Ngọc Ngà

Đầu ra cho sản phẩm mắc ca Di Linh không đáng lo bởi cung luôn thấp hơn cầu. Thế nhưng, cây mắc ca khá nhiều sâu bệnh, sử dụng thuốc trừ sâu sẽ ảnh hưởng đến đất và các chỉ số chất lượng sản phẩm. “Do đó, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành liên quan của tỉnh hướng dẫn cách xử lý để đảm bảo sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm cho bà con”, ông Trường mong muốn.

Ông cũng đồng thời bày tỏ, tiếp tục được hỗ trợ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại mang tầm quốc tế để đưa sản phẩm mắc ca vươn mạnh ra thị trường thế giới. Hiện hợp tác xã mới xuất khẩu được sang một số thị trường gần như Trung Quốc, Hàn Quốc.

Tỉnh Lâm Đồng đang tiến hành xây dựng và phát triển nhãn hiệu cộng đồng “Mắc ca Lâm Đồng” cho sản phẩm mắc ca, bao gồm cả mắc ca của Di Linh. Điều này sẽ giúp hợp tác xã nói riêng, bà con trên địa bàn nói chung tiến gần hơn với mục tiêu phát triển bền vững cây mắc ca.


Tác giả: Hải Linh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật