Nông dân lỡ mất cơ hội “vàng”
Có nhiều nguyên nhân khiến không ít nông dân chưa thực sự quan tâm đến việc tái canh, cải tạo những diện tích cà phê già cỗi, kém năng suất. Điều này cũng đã khiến nhiều người đánh mất cơ hội “vàng” khi giá cà phê ngày càng tăng cao nhưng không có sản phẩm để bán.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, diện tích cà phê tái canh chủ yếu trồng bằng giống mới, bảo đảm về năng suất và chất lượng, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu. Chương trình tái canh cà phê đã góp phần đưa năng suất cà phê của tỉnh từ 23,62 tạ/ha ở năm 2015 tăng lên 26,72 tạ/ha vào năm 2024; tăng sản lượng từ 454.810 tấn lên 535.672 tấn. Không những vậy, nhiều diện tích tái canh được nông dân áp dụng các tiêu chuẩn/chứng nhận quốc tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng…
Nông dân thu hoạch cà phê niên vụ 2024 - 2025. |
Ông Trần Bình Trọng, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, tổng diện tích cà phê của HTX trên 60 ha, đa số diện tích đã trồng trên 20 năm. Khi được thành lập (vào năm 2015) HTX đã xây dựng kế hoạch tái canh hằng năm từ 5 – 10% diện tích. Đến nay, đã tái canh được 2/3 diện tích, với các giống mới cho năng suất rất cao, bình quân khoảng 38 tạ/ha, tăng hơn trước đây trên 10 tạ/ha. Hiện nay, giá cà phê tăng cao nên người dân rất phấn khởi vì đã quyết định đúng khi sớm tái canh vườn cây. Bên cạnh đó, các diện tích đã đạt chứng nhận FLO, đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu nên đầu ra sản phẩm của HTX luôn ổn định.
Bà Phan Thị Thảo, một hộ thành viên HTX cho hay: "Gia đình tôi đã tái canh toàn bộ diện tích gần 1 ha được 10 năm nay, thời điểm vườn cây cho sản lượng ổn định (hơn 4 tấn) rơi vào đúng thời điểm “vàng” của giá nên gia đình mừng lắm. Đến bây giờ mới thấy đây là quyết định sáng suốt khi đã sớm tái canh toàn bộ vườn cây để tăng năng suất, chất lượng. Với mức giá cà phê như hiện tại, gia đình yên tâm đầu tư cho vườn cây phát triển bền vững theo hướng hữu cơ để nâng cao hơn nữa giá trị cà phê trong chuỗi tiêu dùng toàn cầu".
Trái với niềm vui của gia đình bà Thảo, hộ bà H’Bel Mlô (buôn Kô Tam, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) có phần hối tiếc khi tái canh muộn và không tái canh hết diện tích, đến thời điểm giá cà phê tăng cao thì gia đình không có nhiều cà phê để bán. “Gia đình tôi có 5 sào cà phê già cỗi, kém năng suất, năm 2019 mới quyết định vay vốn ngân hàng để tái canh một nửa diện tích. Đến nay, giá cà phê tăng cao thì diện tích tái canh mới cho thu hoạch bói; diện tích chưa tái canh thì sản lượng thu được không bao nhiêu. Dự kiến trong vụ mới này, gia đình chỉ thu được khoảng 8 tạ cà phê nhân”, bà H’Bel Mlô chia sẻ.
Vườn cà phê tái canh của hộ bà Phan Thị Thảo (HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu) đang mang lại hiệu quả kinh tế cao khi giá cà phê tăng. |
Tương tự, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Ea H’leo cũng thấy tiếc nuối khi phá bỏ vườn cà phê để chạy theo giá thị trường của các loại cây trồng khác. Theo bà Lương Thị Oanh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ea Wy (huyện Ea H’leo), thời điểm giá cà phê xuống thấp, nhiều hộ trong HTX đã không mặn mà với việc tái canh, cải tạo vườn cà phê mà nhổ bớt để trồng xen hồ tiêu, cây ăn quả, khiến chất lượng vườn cây giảm sút, sản lượng thấp. Đến thời điểm này, khi giá tăng cao thì nhiều hộ mới bắt đầu cải tạo và lại nhổ bỏ bớt cây trồng xen kém hiệu quả để trồng mới cà phê. Mặc dù đã bỏ lỡ cơ hội tốt về giá ở thời điểm này nhưng thời gian tới, chất lượng cà phê sẽ được nâng lên và hy vọng lúc đó giá cà phê vẫn cao để nông dân yên tâm đầu tư vườn cây phát triển bền vững.
Theo Sở NN-PTNT, hiện nay chỉ có khoảng trên 10% diện tích cà phê sản xuất chuyên canh, tập trung ở các đơn vị thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, các công ty cà phê trực thuộc tỉnh Đắk Lắk và doanh nghiệp, HTX; còn lại 90% diện tích cà phê của tỉnh là do nông dân quản lý. Do đó, việc tái canh cây cà phê ở các hộ dân không được thực hiện tập trung nên nhiều hộ bỏ lỡ cơ hội tốt về giá trong bối cảnh hiện nay.
Lê Minh