A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sơn La xây dựng thương hiệu, mở rộng đầu ra cho nông sản

Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, từ đó tìm đầu ra ổn định cho nông sản địa phương.

Từ năm 2016 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La đã triển khai 36 nhiệm vụ xây dựng và phát triển nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực mang địa danh của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 29 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ. Tiêu biểu các sản phẩm: Cà phê Sơn La, chè Shan tuyết Mộc Châu, quả xoài tròn của huyện Yên Châu; chè Tà Xùa Bắc Yên, mật ong Sơn La, khoai sọ Thuận Châu... và 23 sản phẩm nông sản được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận. Trong đó, sản phẩm chè Shan tuyết Mộc Châu và xoài tròn Yên Châu đã được bảo hộ tại thị trường Thái Lan và châu Âu.

Sơn La xây dựng thương hiệu, mở rộng đầu ra cho nông sản
Sản phẩm Chè Tà Xùa đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể “Chè Tà Xùa”. (Ảnh: CTV)

Đơn cử, năm 2017, sản phẩm “Chè Tà Xùa - Bắc Yên” đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể “Chè Tà Xùa”, UBND huyện Bắc Yên đã công bố và cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Tà Xùa” cho Công ty TNHH Trà và đặc sản Tây Bắc, mở ra cơ hội phát triển thương hiệu chè shan tuyết. Đồng thời, bảo vệ và nâng cao giá trị sản phẩm đặc sản địa phương.

Còn huyện Yên Châu, tự hào có quả xoài tròn là sản phẩm nông sản được đăng ký bảo hộ thành công tại thị trường nước ngoài. Xoài tròn có màu vàng cam, vị ngọt đậm, thơm. Hiện nay, toàn huyện trồng gần 600 ha xoài tròn, sản lượng đạt trên 3.000 tấn/năm. Năm 2012, xoài tròn Yên Châu được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Xoài tròn Yên Châu” với diện tích xoài trồng ở 3 xã Chiềng Pằn, Viêng Lán, Sặp Vạt. Đặc biệt, từ tháng 7/2020, xoài tròn Yên Châu chính thức được bảo hộ tại thị trường châu Âu, mở ra cơ hội xuất khẩu.

Năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ đang cùng các cơ quan liên quan xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng, như: Dứa, mắc ca, hồng giòn Mộc Châu, gạo nếp tan Ngọc Chiến, dâu tây và măng Vân Hồ... Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu khoa học công nghệ tiên tiến các sản phẩm chủ lực của tỉnh, đặc biệt là những sản phẩm đã hoặc đang được bảo hộ sở hữu trí tuệ, như: Tuyển chọn cà phê giống năng suất cao, nâng cao năng suất và chất lượng phục vụ xuất khẩu; xây dựng mô hình trồng bơ theo tiêu chuẩn VietGAP; nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển sản xuất bền vững, xử lý ra hoa trái vụ đối với nhãn Sơn La... Từ đó nâng cao giá trị, ổn định đầu ra cho sản phẩm.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật