Cơ hội lớn cho xuất khẩu gạo
Năm 2023 là năm thành công lớn của ngành lúa gạo nước ta. Việt Nam tiếp tục là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Hoạt động xuất khẩu gạo năm 2024 của Việt Nam tiếp tục được dự báo lạc quan, với nhiều tín hiệu tích cực kể cả về thị trường và giá.
Nguồn cung gạo toàn cầu không còn dồi dào
Năm 2023, sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 8,1 triệu tấn, trị giá 4,6 tỷ USD, giá xuất khẩu bình quân đạt 575USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2022, tăng 14,4% về số lượng và trị giá tăng 35,3%, giá bình quân tăng 88,8USD/tấn. Đặc biệt, đây là kết quả xuất khẩu cao nhất trong lịch sử ngành lúa gạo Việt Nam kể từ khi tham gia xuất khẩu năm 1989.
Dẫn số liệu dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023- 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Như vậy, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nguồn cung để xuất khẩu gạo bằng năm 2023 nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực.
Thu hoạch lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa: TTXVN |
Nhận diện tình hình thương mại gạo toàn cầu năm 2024, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, thị trường này đang tiếp tục chịu tác động bởi nhiều yếu tố (như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số quốc gia; thời tiết không thuận lợi gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng lương thực tại nhiều nước...), ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo của các quốc gia. Thông tin từ Bộ Công Thương cũng cho biết, Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất-chiếm 40% thị trường toàn cầu. Vì vậy, quốc gia này chỉ cần có bất kỳ động thái nào đều tác động trực tiếp ngay tới giá lúa gạo. Năm 2024, nguồn cung gạo toàn cầu được dự báo sẽ không còn dồi dào khi nguồn cung chính là Ấn Độ sẽ giảm 4 triệu tấn so với niên vụ trước; các thị trường khác như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia... cũng được dự báo giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu. Lượng tồn kho cuối kỳ toàn cầu niên vụ 2023-2024 được dự báo ở mức 167,2 triệu tấn, giảm 8,6 triệu tấn so với niên vụ trước và là lượng tồn kho thấp nhất trong 6 niên vụ trở lại đây.
Giá gạo sẽ còn tăng trong năm 2024
Theo ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2024, giữa bối cảnh theo các chuyên gia dự báo tình hình thế giới vẫn sẽ có nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam đã có những tín hiệu lạc quan ngay từ các tháng đầu năm. Kim ngạch xuất khẩu gạo tháng 1-2024 đã đạt 362 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, theo nhiều dự báo, giá gạo sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt.
Philippines là thị trường tiêu thụ lớn nhất của ngành hàng gạo Việt Nam. Ông Phùng Văn Thành, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines cho biết, theo các dự báo, gạo Việt Nam sẽ vẫn giữ vị trí số 1 tại Philippines và dư địa cũng như cơ hội vẫn còn để doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta tiếp tục khai thác mở rộng thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Tương tự, tại Indonesia-quốc gia nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam, ông Phạm Thế Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia cho biết: Trong vài ngày gần đây, giá gạo tại thị trường này đang tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng. Tính đến tháng 2-2024, Indonesia đã trải qua 8 tháng thâm hụt gạo liên tiếp do sản xuất trong nước thiếu hụt so với nhu cầu. Ông Phạm Thế Cường dự báo, Chính phủ Indonesia sẽ phải tiếp tục sớm mở thầu mua thêm gạo, ngoài đợt mở thầu thu mua 500.000 tấn gạo ngày 17-1-2024 vừa qua (trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã thắng thầu cung cấp hơn 300.000 tấn). Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm sang thị trường Indonesia.
Về thách thức trong năm 2024, theo đánh giá của các thương vụ, mặc dù gạo Việt Nam đã có chỗ đứng tại nhiều thị trường, song hiện nay, gạo của nước ta gặp sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với gạo Thái Lan. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, đa dạng hóa các chủng loại, bảo đảm không có những vi phạm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, cần có chiến lược quảng bá bài bản về thương hiệu, nhất là các loại gạo cao cấp.
Thiết lập kênh thông tin nhanh về nhu cầu nhập khẩu gạo
Hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam có nhiều kết quả ấn tượng, song thời gian qua vẫn tồn tại một số hạn chế như: Thị trường nhập khẩu chưa đa dạng, còn phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống trọng điểm như Philippines, Trung Quốc và Indonesia... Các thương nhân chưa chú trọng phát triển liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cũng như triển khai các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu...
Bà Châu Thị Lệ, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, năm 2023, xuất khẩu gạo tại Long An đạt 920.000 tấn, tăng 63% về giá trị. Long An đã tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng, xuất khẩu gạo thơm, gạo trắng, gạo nếp sang 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tỉnh Long An mong muốn trong năm 2024, cơ quan của Bộ và các cơ quan thương vụ hỗ trợ địa phương kết nối, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu. Ông Nguyễn Thành Huân, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang đề xuất Bộ Công Thương thiết lập kênh thông tin nhanh về nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước. Qua đó, thông tin đến các doanh nghiệp để chủ động về giá trong đàm phán xuất khẩu ở từng thời điểm và cả hợp đồng tương lai.
Về các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo, ông Trần Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, khẩn trương hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho cơ chế xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho các thương nhân xuất khẩu gạo. Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động đàm phán để đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng để tăng cường tính cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn, kịp thời thông tin tới các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động, điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo.