Tiêu điểm
Thứ bảy, 26/07/2025 - 07:53
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hành trình hồi sinh 'nữ hoàng trà Việt' giữa rừng xanh Thái Nguyên

Giữa vùng núi biệt lập Tràng Xá (Thái Nguyên), loài trà quý hiếm - trà hoa vàng đang được bảo tồn, nhân rộng và vươn ra thị trường thế giới.

Bà Phạm Thị Lý – Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển, người sáng tạo ra dòng trà hoa vàng Hakodae Orgavina đã chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này.

Bà Phạm Thị Lý - Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển

Bà Phạm Thị Lý - Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển

Cây quý giữa rừng sâu

- Thưa bà, trong vô vàn loại cây dược liệu quý, vì sao doanh nghiệp của bà lại lựa chọn phát triển sản phẩm trà hoa vàng - sản phẩm vốn chưa phổ biến và ít người biết đến?

Bà Phạm Thị Lý: Thật ra trà hoa vàng không phải là “định mệnh” ban đầu của chúng tôi. Khi triển khai dự án bảo tồn cây Nhất Dương Sinh - một loài dược liệu quý, chúng tôi cần xây dựng một hệ sinh thái rừng đa tầng. Trong hành trình đó, chúng tôi phát hiện ra Thái Nguyên có tới 7 loài trà hoa vàng trong tổng số 51 loài trên cả nước.

Điều đáng nói, loài Hakodae Ninh - trà hoa vàng do PGS.TS Trần Ninh phát hiện tại đây được xác định là loài có hàm lượng dược chất cao nhất, đã được công bố khoa học bởi Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam. Cây này không chỉ quý về dược tính mà còn rất khan hiếm, thuộc Sách đỏ của cả Việt Nam và thế giới. Khi nhận ra giá trị đó, chúng tôi quyết định chuyển hướng, không chỉ bảo tồn mà còn thương mại hóa loài cây này, đặt tên giống là Hakodae Orgavina - một giống trà hoa vàng bản địa quý của Thái Nguyên.

Hakodae Ninh là loại trà hoa vàng quý hiếm của Thái Nguyên và Việt Nam

Hakodae Ninh là loại trà hoa vàng quý hiếm của Thái Nguyên và Việt Nam

Thái Nguyên vốn nổi tiếng là “đệ nhất danh trà” nhưng là với trà xanh. Việc chúng tôi lựa chọn đầu tư vào trà hoa vàng được coi là sự mạo hiểm lớn, bởi đây là loài cây ít người biết đến, thậm chí từng bị khai thác tận diệt, gần như biến mất khỏi rừng.

Tuy nhiên, chúng tôi tin vào yếu tố thổ nhưỡng - khí hậu - “chất đất, hương trời” của Thái Nguyên. Nơi đây không chỉ là cái nôi của trà xanh mà còn là nơi phù hợp nhất để bảo tồn và phát triển trà hoa vàng bản địa.

Đây là lý do chúng tôi chọn vùng núi cao Tràng Xá (huyện Võ Nhai cũ), biệt lập với thế giới bên ngoài, để xây dựng khu bảo tồn 10ha với hơn 12.000 cây trà hoa vàng, trong đó có hàng trăm cây cổ thụ trên 100 năm tuổi. Đây cũng là địa phương nằm trong danh sách xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thái Nguyên theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Gian nan hành trình tạo dựng thương hiệu

- Việc xây dựng thương hiệu cho một sản phẩm còn xa lạ như trà hoa vàng hẳn gặp rất nhiều khó khăn, thưa bà?

Bà Phạm Thị Lý: Việc xây dựng thương hiệu cho một sản phẩm như trà hoa vàng khó khăn vô cùng. Bởi trà hoa vàng được gọi là “nữ hoàng của các loại trà”, chứa đến 400 hoạt chất quý như chống ung thư, tiểu đường, gan nhiễm mỡ… nhưng ít người Việt biết đến, dù chúng ta sở hữu trữ lượng tự nhiên lớn nhất thế giới.

Trà hoa vàng đang tạo sinh kế bền vững cho bà con dân tộc thiểu số tại Thái Nguyên, Hà Nội, Phú Thọ... (Ảnh: NVCC)

Trà hoa vàng đang tạo sinh kế bền vững cho bà con dân tộc thiểu số tại Thái Nguyên, Hà Nội, Phú Thọ... (Ảnh: NVCC)

Để phục dựng, bảo tồn, đưa sản phẩm ra thị trường, chúng tôi phải làm lại từ đầu. Từ khảo sát đất, nguồn nước đến phục dựng cây giống từ hạt. Vì là cây rừng, chưa có đơn vị nào nghiên cứu nhân giống, chưa có tài liệu chuyên môn. Cũng chưa ai từng chuẩn hóa vùng trồng theo VietGAP hay ISO.

Bên cạnh đó, vì trà hoa vàng thuộc danh mục cấm khai thác, chúng tôi phải xin công bố lưu hành giống. Chúng tôi phối hợp với các viện nghiên cứu, đặc biệt là mời được PGS.TS Trần Ninh tham gia hướng dẫn xác lập nguồn gen quý. Chính từ đây, chúng tôi xây dựng được giống Hakodae Orgavina - giống trà hoa vàng đầu tiên của Việt Nam được cấp phép lưu hành.

Hiện tại, sản phẩm trà hoa vàng của chúng tôi đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, có truy xuất nguồn gốc minh bạch, được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu, đủ điều kiện thương mại hóa.

Chính sách hỗ trợ: Từ quy hoạch vùng trồng đến ứng dụng công nghệ số

- Trong hành trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, doanh nghiệp đã có được sự hỗ trợ ra sao từ chính quyền địa phương, thưa bà?

Bà Phạm Thị Lý: Năm 2022, bước ngoặt quan trọng nhất là chính quyền huyện Võ Nhai (nay là xã Tràng Xá) cùng tỉnh Thái Nguyên chính thức đưa vùng trà hoa vàng vào quy hoạch phát triển đến năm 2045 với vai trò là vùng dược liệu hữu cơ gắn với du lịch sinh thái cộng đồng.

Chúng tôi cũng được hỗ trợ xây dựng mô hình nông nghiệp bền vững, cải tạo vùng đất hoang hóa thành khu bảo tồn sinh học, phù hợp các tiêu chuẩn nông nghiệp quốc tế.

Đặc biệt, nhờ sở hữu bản quyền sáng chế nền tảng chống giả - truy xuất nguồn gốc, chúng tôi ứng dụng công nghệ ngay từ khâu sản xuất: mỗi cây đầu dòng đều có mã số riêng, gắn chặt từ lúc nảy mầm đến sản phẩm cuối cùng. Đây là công nghệ lõi đang được áp dụng chính thức bởi Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đồng thời tích hợp với nền tảng check.gov.vn của Hà Nội, giúp người tiêu dùng tra cứu thông tin sản phẩm nhanh chóng, minh bạch và an toàn.

Bên cạnh đó, chúng tôi rất coi trọng Nghị định 98 về phát triển chuỗi giá trị. Hiện nay, chuỗi liên kết của chúng tôi gồm: Doanh nghiệp: Tổ chức sản xuất, quản lý giống, phát triển thương hiệu; HTX Nông nghiệp hữu cơ: Cung cấp đầu vào, phối hợp trồng trọt; Hội Nông dân & Hội Phụ nữ Hà Nội: Mở rộng mạng lưới tiêu dùng và lan tỏa thông tin; Các trường đại học: Nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới; Sàn TMĐT – công nghệ số: Kết nối thị trường và minh bạch nguồn gốc. Nhờ vậy, sản phẩm của chúng tôi không chỉ đến tay người tiêu dùng trong nước, mà đã được chọn làm quà tặng cho Hoàng gia Nhật Bản, lọt vào thị trường Brazil, và được nhiều nhà khoa học quốc tế quan tâm nghiên cứu.

Hiện chuỗi của chúng tôi đã mở rộng ra gần 200ha, có sự tham gia của 1.765 hộ dân tại Thái Nguyên, các xã của Hà Nội thuộc huyện Sóc Sơn (cũ) và vùng Tam Đảo. Từ 10ha ban đầu tại Thái Nguyên là vùng lõi, làm giống và bảo tồn, đến Hà Nội thì chúng tôi đã được đồng bào đón nhận và hiện thì mô hình của chúng tôi đã được mở rộng. Chúng tôi đang có được những nhà khoa học chuyên sâu sẵn sàng đồng hành để nghiên cứu, làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề về loài cây này. Chúng tôi hy vọng những người yêu trà sẽ đợi chờ và chúng tôi sẽ đủ năng lực để cung cấp nhiều hơn sản phẩm này trong tương lai.

Sản phẩm thật sẽ phát triển bền vững, minh bạch

- Thưa bà, nếu được nhắn gửi một thông điệp, bà muốn nói gì với người tiêu dùng và thị trường?

Bà Phạm Thị Lý: Chúng tôi đi con đường khác: không ào ạt, không đánh bóng thương hiệu. Mỗi sản phẩm đều được kiểm soát từ hạt giống, trồng trọt đến tay người dùng. Chúng tôi tin rằng sự tử tế, kiên trì, minh bạch mới là con đường bền vững cho sản phẩm nông nghiệp bản địa. Mong người tiêu dùng hãy kiên nhẫn, đồng hành để “nữ hoàng trà Việt” sẽ vươn xa như chính khí chất của nó: vàng óng - quý giá - tinh khiết.

Chúng tôi cũng mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ xúc tiến của ngành Công Thương, trong đó có Cục Xúc tiến thương mại và các trung tâm Khuyến công của tỉnh Thái Nguyên, có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp thương mại điện tử để giúp bà con đồng bào dân tộc, trước hết ở xã Tràng Xá, sau là toàn bộ vùng trồng của Hakodae Orgavina để chúng tôi thuận lợi hơn trong xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Xin cảm ơn bà!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật