A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rộng đường cho trái cây xuất khẩu

Ngoài thế mạnh về cây công nghiệp thì cây ăn quả cũng là một điểm sáng của nông nghiệp Đắk Lắk. Mặc dù có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây nhưng để đáp ứng các yêu cầu của thị trường, đòi hỏi Đắk Lắk phải xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn phù hợp.

Tập trung xây dựng vùng nguyên liệu

Đắk Lắk hiện có 68.368 ha cây ăn quả, trong đó tập trung một số loại cây như: sầu riêng, bơ, chanh dây, nhãn, vải… chiếm gần 18% tổng diện tích cây trồng lâu năm. Tuy nhiên, thực trạng sản xuất còn mang tính tự phát, manh mún đang là rào cản lớn cho sản xuất hàng hóa hướng tới thị trường xuất khẩu cũng như yêu cầu chuẩn hóa các tiêu chuẩn chất lượng nông sản.

Để tháo gỡ những điểm nghẽn trên, Dự án khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với tiêu thụ tại một số tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2022 - 2024”, với quy mô 220 ha tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai đã được triển khai. Trong đó, Đắk Lắk có 110 ha, với các loại cây: chanh leo, sầu riêng và mít, bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định. Đến nay, dự án đã giúp người nông dân trồng cây ăn quả tăng năng suất trên 10% và sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đồng thời, kết nối được với các doanh nghiệp (DN) thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giúp hộ nông dân tăng hiệu quả kinh tế bình quân trên 15% so với sản xuất đại trà…

Tham quan mô hình chanh leo sản xuất theo quy trình VietGAP ở xã Ea Hu (huyện Cư Kuin).

Đơn cử như mô hình trồng chanh leo triển khai tại xã Ea Hu (huyện Cư Kuin) thực hiện từ tháng 4/2024, với quy mô 5 ha, có 10 nông hộ tham gia sản xuất. Sau một năm phát triển, mô hình trên đã cho sản lượng ước tính 40 tấn/ha; giúp tăng thu nhập cho người dân, với giá bán chanh loại I là 32.000 đồng/kg; bán xô từ 14.000 – 17.000 đồng/kg. Đây là cây trồng tiềm năng để thay thế cho diện tích 3.000 ha cây tiêu bị chết do bệnh trên địa bàn xã Ea Hu.

Ông Hoàng Hữu Tân (thôn 3, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin) cho biết, gia đình ông được tham gia mô hình với 6 sào trồng cây chanh leo. Khi tham gia dự án, ông được hỗ trợ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ bệnh; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc theo đúng quy trình. Nhờ đó, cây chanh leo sinh trưởng tốt, năng suất đạt 30 – 40 tấn quả/ha; giá bán chanh xô hiện tại là 14.000 đồng/kg, chỉ sau lần thu hoạch đầu tiên gia đình ông đã thu hồi được chi phí ban đầu.

Tương tự, hộ ông Nguyễn Thái Sơn (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) chia sẻ, những năm qua, người trồng mít gặp nhiều khó khăn do giá cả biến động mạnh, có lúc xuống còn 5.000 – 7.000 đồng/kg. Năm 2024, gia đình ông quyết định tham gia mô hình sản xuất mít theo hướng VietGAP để gia tăng giá trị cho sản phẩm. Trong quá trình tham gia dự án, gia đình ông cũng như các hộ trong tổ hợp tác được hỗ trợ vật tư, phân bón vi sinh để chăm bón cho vườn mít đạt hiệu quả hơn, cấp tem truy xuất nguồn gốc cho quả… Hiện vườn cây đang phát triển tốt và ông đang kết nối với một số đơn vị tiêu thụ sản phẩm VietGAP để có đầu ra ổn định.

Vườn bưởi sản xuất theo quy trình VietGAP tại xã Ea Rốk (huyện Ea Súp).

Theo ông Đỗ Danh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản Đắk Lắk, mục tiêu của dự án hướng đến là nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững vùng nguyên liệu sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP; nâng cao năng lực, vai trò của hợp tác xã (HTX) liên kết với DN trong tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người sản xuất… Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục xây dựng, mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP và gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm.

Thúc đẩy liên kết sản xuất

Để phát triển bền vững cây ăn quả thì việc tổ chức lại sản xuất một cách căn cơ và bài bản, từ khâu chọn giống, áp dụng các quy trình sản xuất đến liên kết chuỗi, xây dựng nhãn mác, thương hiệu sản phẩm… là điều rất cần thiết.

Ông Bùi Thanh Huỳnh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Buôn Hồ (thị xã Buôn Hồ) cho biết, HTX có 15 ha trồng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng. Tuy nhiên, đến nay người dân vẫn chưa mặn mà với việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất sầu riêng do còn nhiều khó khăn như: tâm lý ngại đầu tư và tuân thủ các quy trình khắt khe về phân tích mẫu nước, mẫu đất; thủ tục chứng nhận kiểm định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... khá rườm rà, mất thời gian, chi phí. Trong khi giá bán các sản phẩm có chứng nhận VietGAP không cao hơn với phương pháp truyền thống là bao. Do đó, cần thúc đẩy các giải pháp liên kết sản xuất giữa nông dân với nông dân, giữa tổ hợp tác, HTX với DN nhằm hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản, kết nối đầu ra ổn định để người nông dân gắn bó với DN, tuân thủ các quy trình sản xuất đưa ra.

Chi cục Quản lý chất lượng nông,lâm và thủy sản kiểm tra vùng trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn huyện Krông Búk.

Còn ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Cư Kuin cho rằng, VietGAP là một chứng nhận về quy trình kỹ thuật bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho nông sản. Đó là cơ hội để nông dân tích lũy thêm giá trị khi bán nông sản cho các DN. Vì vậy, ngoài việc xây dựng mô hình thì dự án cũng cần kết nối, giới thiệu các đơn vị thu mua có uy tín, có tiềm lực mạnh để bảo đảm đầu ra bền vững cho vùng nguyên liệu nhằm xây dựng chuỗi giá trị gắn sản xuất với xuất khẩu. Mặt khác, khi xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả cũng cần nghiên cứu xem sản phẩm đó bán cho thị trường nào để áp dụng quy trình sản xuất cho phù hợp, không nhất thiết phải theo chứng nhận VietGAP.

Theo Sở NN-PTNT, đến nay sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, an toàn trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm. Toàn tỉnh hiện có khoảng 107 mã số vùng trồng xuất khẩu (trên các loại cây trồng như sầu riêng, xoài, vải, nhãn, chuối, ớt), với tổng diện tích gần 4.020 ha; vùng trồng nội địa có 13 mã số, với tổng diện tích gần 718 ha áp dụng chứng nhận VietGAP. Bên cạnh đó, để triển khai xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm nông sản của tỉnh và để bảo đảm cho các thương hiệu nông sản phát triển bền vững, Đắk Lắk đang từng bước hình thành nên những vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn và đồng bộ kết cấu hạ tầng cũng như ứng dụng khoa học công nghệ vào thâm canh, sản xuất, tạo ra các vùng nguyên liệu làm cơ sở thu hút DN đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, Sở NN-PTNT đã ban hành Kế hoạch phát triển vùng sản xuất chuyên canh cà phê, sầu riêng, lúa trên địa bàn tỉnh. Trong đó, vùng sản xuất chuyên canh sầu riêng với tổng diện tích 5.400 ha; tập trung tại 6 huyện, thị xã, gồm thị xã Buôn Hồ và các huyện: Cư M’gar, Krông Pắc, Ea H’leo, Krông Năng, Krông Búk.

Minh Thuận - Giang Nga


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật