A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam trở thành đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường Singapore

3 tháng đầu năm 2024 Việt Nam trở thành đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường Singapore trong giai đoạn gần đây, chiếm 32,03% thị phần.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan quản lý doanh nghiệp Singapore, trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị nhập khẩu gạo từ thế giới của thị trường Singapore tăng mạnh ở mức 23,86% so với cùng kỳ, đạt gần 112,9 triệu SGD.

Xét về khối lượng, tổng lượng nhập khẩu 9 loại gạo chính (HS10062010, HS10062090, HS10063030, HS10063040, HS10063091, HS10063099 và HS10064090, HS10063050, HS10063070), ước tính đạt khoảng 110.636 tấn, tăng 6,15% so với cùng kỳ năm 2023.

Về cơ cấu thị phần của các mặt hàng gạo, gạo tẻ trắng chiếm thị phần lớn nhất (25,09%), tiếp đến là gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ (chiếm 21,82%), gạo đồ (chiếm 19,75%), gạo trắng hom ma li (chiếm 16,43%). Các mặt hàng gạo khác chia đều phân khúc còn lại.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, trong 3 tháng đầu năm 2024 thị trường nhập khẩu gạo tại Singapore tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng khá tốt cả về số lượng và giá trị nhập khẩu. 6/9 nhóm gạo chính đều tăng trưởng tốt, một số có mức tăng rất cao như: Gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ (tăng 165,41%), gạo nếp (tăng 131,95%), gạo đồ (tăng 251,55%). 3/9 nhóm gạo còn lại của Singapore sụt giảm là gạo tẻ trắng (giảm 36,05%), gạo lứt thường (giảm 10,7%), gạo lứt hom ma li (giảm 0,61%). Chiều hướng tăng mạnh nhu cầu nhập khẩu gạo của Singapore từ năm 2023 tiếp tục được duy trì trong 3 tháng đầu năm 2024 do 2 nguyên nhân chính là lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và sự phục hồi nhanh lượng du khách du lịch đến Singapore.

Việt Nam trở thành đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường Singapore

Tự hào sản phẩm gạo Việt Nam trưng bày tại Singapore

3 tháng đầu năm 2024 đánh dấu sự vươn lên của Việt Nam, lần đầu tiên là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường Singapore trong giai đoạn gần đây, chiếm 32,03% thị phần, kim ngạch cao hơn so với Ấn Độ (6,96%) và Thái Lan (8,28%). Ấn Độ, Thái Lan lần lượt giữ 2 vị trí tiếp theo với kim ngạch lần lượt là 33,63 triệu SGD và 33,16 triệu SGD. Cả 3 nước xuất khẩu hàng đầu chiếm 91,21% thị phần gạo tại Singapore.

Theo thống kê của Cơ quan quản lý doanh nghiệp của Singapore, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Singapore trong 3 tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng trưởng rất tốt, đạt kim ngạch khoảng 36,15 triệu SGD, tăng 80,46% so với cùng kỳ 2023.

Sự sụt giảm của các nhóm như gạo lứt thường và gạo tẻ trắng được bù đắp bởi mức tăng rất mạnh của các nhóm gạo nếp (kim ngạch 3,79 triệu SGD, tăng 221,76%), gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ (kim ngạch 18,06 triệu SGD, tăng 291,17%) và gạo vỡ (kim ngạch 575 nghìn SGD, tăng 111,4%).

Điểm đáng chú ý sau 3 tháng đầu năm 2024 là bên cạnh mặt hàng thế mạnh truyền thống của Việt Nam là gạo tẻ trắng, 2 nhóm hàng khác là gạo nếp và gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ cũng vươn lên chiếm lĩnh phần lớn thị phần tại Singapore, lần lượt đạt 80,08% và 73,33%. Đây là nhân tố chính đưa Việt Nam vượt qua Thái Lan và Ấn Độ trở thành quốc gia chiếm thị phần gạo lớn nhất tại Singapore.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng là quốc gia gần như chiếm lĩnh tuyệt đối thị trường với loại sản phẩm đặc trưng gạo đồ (chiếm 99,29%) và gạo basmati xay xát hoặc tróc vỏ (chiếm 95,66%). Với các sản phẩm gạo còn lại, thì Thái Lan hầu như đều chiếm thị phần lớn nhất, cụ thể: gạo lứt homali (98,26%), gạo trắng homali (96,83%), gạo vỡ (68,16%). Với nhóm gạo lứt thường, Nhật Bản là nước chiếm thị phần lớn nhất (71,72%).

Theo thống kê trên đây, Thái Lan, Ấn Độ và Nhật Bản đang là các đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam trên thị trường gạo Singapore. Việc Ấn Độ (nước đang chiếm lĩnh thị phần gạo tẻ trắng, loại gạo Việt Nam có thế mạnh) ban hành lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo ngoài basmati từ ngày 20/7/2023, đã được các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt để gia tăng thị phần và giá trị kim ngạch xuất khẩu sang Singapore.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp Việt Nam dường như đã mở rộng thành công thị trường sang các mặt hàng khác như gạo nếp và gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ. Dù vậy, xu hướng này vẫn cần thêm thời gian và sự cố gắng để đảm bảo duy trì bền vững vị trí đối tác lớn nhất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm chất lượng sản phẩm gạo.

Về mặt xúc tiến thương mại, thời gian vừa qua Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến thương mại, trưng bày sản phẩm, tăng sự hiện diện mặt hàng gạo Việt Nam tại địa bàn; hỗ trợ đưa đoàn từ Singapore về tham gia các hoạt động xúc tiến mặt hàng gạo tại Việt Nam.

Các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ cũng rất quan tâm tới đầu tư tới việc quảng bá hình ảnh sản phẩm cũng như có thỏa thuận với các đơn vị nhập khẩu, phân phối về việc giữ tên, thương hiệu hàng hóa. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam vốn có tiềm lực yếu, lại ít khi đầu tư vào việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, vì vậy các nhà nhập khẩu, hệ thống phân phối ở Singapore không muốn sử dụng thương hiệu sản phẩm của Việt Nam, chủ yếu là nhập gạo thô sau đó đóng gói mẫu mã, bao bì và thương hiệu nội địa của Singapore để dễ tiêu thụ trên thị trường.

Do đó, để tăng thêm thị phần và duy trì bền vững vị trí dẫn đầu, cạnh tranh được với sản phẩm gạo của Ấn Độ và Thái Lan, cần sự hỗ trợ góp sức của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, tăng sự hiện diện sản phẩm trên địa bàn, duy trì đảm bảo chất lượng hàng hóa. Bên cạnh đó, việc ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) gạo giữa Việt Nam và Singapore có thể sẽ là công cụ hữu hiệu để duy trì vị thế số 1 của sản phẩm gạo Việt Nam tại thị trường Singapore.


Tác giả: Thương vụ Việt Nam tại SIngapore
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật