Bộ đội vùng biên giúp dân vượt khó, thoát nghèo
Đóng quân trên địa bàn vùng biên giới thuộc tỉnh Quảng Ninh, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KTQP) 327 (Quân khu 3) không quản ngại khó khăn, triển khai nhiều mô hình thiết thực giúp người dân phát triển kinh tế hộ gia đình.
Từ chủ trương "Cho cần câu chứ không cho con cá", các hoạt động giúp dân của Đoàn KTQP 327 đều hướng đến chuyển giao cây, con giống, kỹ thuật sản xuất, tạo điểm tựa cho nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo.
Niềm vui nhận bò giống
Những ngày cuối năm 2022, gia đình chị Đặng Thị Liên, người dân tộc Dao (xã Bắc Sơn, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) đón nhận niềm vui khôn tả khi là một trong 20 hộ dân của xã Bắc Sơn và Hải Sơn (TP Móng Cái) được nhận bò giống thông qua Lâm trường 42 (Đoàn KTQP 327). Bò được gia đình chị Liên chăm sóc cẩn thận, cho ăn uống đầy đủ, đến nay sau hơn một tháng cho thấy phát triển tốt, thích hợp với môi trường nuôi thả. Là một trong nhiều hộ dân còn khó khăn của xã Bắc Sơn, gia đình chị Liên chủ yếu sống dựa vào công việc trồng ngô, làm rừng, thu nhập bấp bênh. Mong muốn của chị là gây dựng đàn bò từ con bò giống sinh sản, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định, có điều kiện chăm lo cho con cái ăn học.
Bò giống sinh sản được Lâm trường 42 (Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327) giao cho gia đình chị Đặng Thị Liên chăm sóc. |
Hoạt động giao bò giống đến người dân thuộc dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi, trồng trọt nằm trong các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Đoàn KTQP 327 phối hợp cùng các đoàn thể, chính quyền địa phương giao bò giống cho 67 hộ dân trên địa bàn hai huyện Bình Liêu, Hải Hà và TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh). Cùng với giao bò, Đoàn KTQP 327 còn hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc và theo sát với người dân để dự án đạt kết quả tốt nhất. Theo Thượng tá Đoàn Văn Tuân, Giám đốc Lâm trường 42, đơn vị đã cử cán bộ phụ trách từng hộ dân được cấp bò giống, cùng người dân theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của bò để có biện pháp hỗ trợ khi cần thiết. Mô hình cho mượn bò giống đã từng được Lâm trường 42 triển khai thành công. Với 50 con bò giống giao cho 50 hộ dân chăm sóc, khi bò sinh sản thêm lứa mới, bò bố mẹ lại tiếp tục đem cho hộ dân khác nuôi, từ đó phát triển thêm đàn bò của địa phương.
"Đa phần người dân trên địa bàn là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế gia đình chủ yếu tự cung tự cấp, ít có sản phẩm trao đổi, buôn bán nên đời sống còn khó khăn. Để hỗ trợ các hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn, ngoài giao bò giống, lâm trường còn hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng một số cây, con phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương như măng tre bát độ, keo, lợn sinh sản, chim cút, gà đông tảo, gà sao...", Thượng tá Đoàn Văn Tuân cho biết. Đến nay, các mô hình giúp dân phát triển kinh tế hộ gia đình của Lâm trường 42 đều đang phát huy hiệu quả tích cực.
Để người dân gắn bó với vùng biên
Nhớ lại những ngày đầu đến nhận công tác tại khu vực biên giới thuộc TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), Thượng tá Đoàn Văn Tuân còn nguyên ấn tượng với con đường gập ghềnh, khúc khuỷu dẫn vào thôn bản. Địa bàn của lâm trường rộng, dân cư lại thưa thớt. "Muốn giữ được dân sinh sống ổn định, lâu dài, đặc biệt là người dân từ các địa phương khác di cư đến vùng giáp biên giới, quan trọng nhất là phải tạo sinh kế cho họ. Đoàn KTQP 327, trực tiếp là Lâm trường 42 đã hỗ trợ người dân xây dựng nhà cửa, khai thác nước sạch, xây dựng trường, trạm, đường, điện, cấp đất canh tác, hướng dẫn chăn nuôi, trồng trọt...", Thượng tá Đoàn Văn Tuân chia sẻ. Khu vực biên giới thuộc TP Móng Cái hiện cơ bản người dân đã ổn định cuộc sống. Trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, hai xã Bắc Sơn và Hải Sơn đều đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Đoàn KTQP 327 có hai khu kinh tế quốc phòng nằm trên địa bàn 9 xã, phường của tỉnh Quảng Ninh, có vị trí tiếp giáp Trung Quốc với hơn 100km đường biên giới. Trong đó, nhiều thôn, bản thuộc diện đặc biệt khó khăn, hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Theo Đại tá Nguyễn Văn Huy, Chính ủy Đoàn KTQP 327, các chương trình mục tiêu quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế-xã hội trên địa bàn. Do vậy, Đoàn KTQP 327 xác định cần tập trung mọi nguồn lực để thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, Đại tá Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh, cần nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ làm công tác dân vận, nhất là nghe, hiểu, nói chuyện được với bà con dân tộc thiểu số, gắn trách nhiệm những tổ chức, cá nhân của đơn vị với các nhóm hộ, hộ gia đình tham gia dự án hỗ trợ. Bên cạnh đó, tăng cường lồng ghép những nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm tập trung, tiết kiệm, hiệu quả; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lặp, lãng phí. Đồng thời, cần tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức về giảm nghèo bền vững, thay đổi cách suy nghĩ, cách làm, thói quen của người dân, hướng dẫn áp dụng các mô hình về trồng trọt, chăn nuôi, giúp người dân tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, có ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo. Các dự án, mô hình cũng cần xây dựng trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương gắn với thị trường theo chuỗi sản phẩm để mang lại hiệu quả cao.