Cần Thơ hợp nhất: Cơ hội bứt phá cho ngành chế biến nông sản
Việc đề án sáp nhập TP. Cần Thơ, Sóc Trăng và Hậu Giang sẽ là cú hích lớn, mở ra cơ hội liên kết vùng, phát triển vùng nguyên liệu và nâng tầm chế biến sâu.
Liên kết vùng - Gỡ điểm nghẽn chuỗi giá trị
Việc dự kiến hợp nhất TP. Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang thành một đơn vị hành chính mới mang tên TP. Cần Thơ, với trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP. Cần Thơ hiện nay, không chỉ là một thay đổi về mặt địa giới hành chính. Đây còn được xem là một bước ngoặt chiến lược mở ra nhiều kỳ vọng, đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến nông sản, một ngành kinh tế trụ cột của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
![]() |
Cả 3 địa phương TP. Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang đều có thế mạnh về nông nghiệp. Ảnh minh họa |
Trong quý I/2025, cả 3 địa phương đều ghi nhận những kết quả tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp. Tại Cần Thơ, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,15% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành nông nghiệp Hoạt động sản xuất nông nghiệp ổn định, các sở, ngành sau khi được sắp xếp đã dần đi vào hoạt động ổn định.
Tỉnh Sóc Trăng đã xuống giống hơn 192.326 ha lúa, gieo trồng hơn 23.000 ha hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày, thả nuôi hơn 7.254 ha thủy sản các loại. Đáng chú ý, tổng đàn gia súc của tỉnh khoảng 251.398 con tăng 1,55% so với cùng kỳ năm 2024 và tổng đàn gia cầm gần 6,8 triệu con.
Còn tỉnh Hậu Giang trong quý I/2025, tốc độ tăng trưởng đạt 9,57%, dẫn đầu các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, với sản xuất nông nghiệp phát triển đồng đều, tạo thêm việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn.
Đây là nền tảng vững chắc để toàn ngành nông nghiệp của vùng sau khi hợp nhất có thể bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, đặc biệt là đối với ngành chế biến nông sản.
Một trong những điểm nghẽn lớn nhất của ngành chế biến nông sản hiện nay chính là bài toán vùng nguyên liệu manh mún và thiếu tính liên kết. Cần Thơ là trung tâm chế biến công nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi Sóc Trăng và Hậu Giang lại là những địa phương có thế mạnh rất rõ về sản xuất nguyên liệu - từ lúa gạo, trái cây đến thủy sản như tôm và cá tra.
Khi rào cản địa giới hành chính được gỡ bỏ, doanh nghiệp sẽ có điều kiện đầu tư dài hạn vào các vùng nguyên liệu, ký kết hợp đồng bao tiêu với nông dân, hỗ trợ kỹ thuật và vật tư đầu vào. Đồng thời, chính quyền mới cũng dễ dàng hơn trong việc quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, tổ chức lại hệ thống hợp tác xã và xây dựng các cơ chế chính sách mang tính điều phối chung toàn vùng.
Đẩy mạnh chế biến sâu, tăng giá trị xuất khẩu
Sau khi hợp nhất, vùng nguyên liệu, vùng chế biến và vùng logistics sẽ nằm trong cùng một đơn vị hành chính, giúp chính quyền địa phương dễ dàng ban hành và thực thi các chính sách đồng bộ hơn. Các doanh nghiệp sẽ có thêm lợi thế để thiết lập các vùng liên kết sản xuất lớn, kéo dài chuỗi giá trị và nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc - điều kiện tiên quyết để chinh phục các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản hay Mỹ.
![]() |
Phát triển công nghệ chế biến giúp nâng cao giá trị nông sản và tạo lợi thế để xuất khẩu. Ảnh minh họa |
Cần Thơ hiện đang sở hữu nhiều lợi thế hạ tầng then chốt như Cảng Cái Cui, Sân bay quốc tế Cần Thơ, Quốc lộ 1A, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau và mạng lưới sông ngòi dày đặc. Việc sáp nhập sẽ tạo ra một khu vực rộng lớn, kết nối hạ tầng đồng bộ giữa cả ba địa phương, giảm chi phí logistics - vốn đang chiếm gần 25% giá thành sản phẩm nông sản hiện nay.
Đặc biệt, với chính quyền được hợp nhất, việc triển khai các dự án hạ tầng lớn sẽ tránh được sự chồng chéo và phân tán trong đầu tư công, từ đó đẩy nhanh tiến độ và tăng hiệu quả khai thác. Các tuyến đường kết nối từ vùng nguyên liệu Sóc Trăng - Hậu Giang đến các nhà máy chế biến và cảng xuất khẩu tại Cần Thơ sẽ thuận lợi hơn, giảm áp lực tồn kho và gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.
Hiện nay, đa số sản phẩm nông sản xuất khẩu của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn đang ở dạng sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Trong khi đó, các thị trường quốc tế ngày càng yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Hợp nhất hành chính sẽ là cơ hội để các địa phương cùng phối hợp quy hoạch lại hệ sinh thái công nghiệp chế biến, hướng tới các trung tâm chế biến sâu, công nghệ cao gắn với vùng nguyên liệu quy mô lớn.
Các khu, cụm công nghiệp như Trà Nóc (Cần Thơ), An Nghiệp (Sóc Trăng), Tân Phú Thạnh (Hậu Giang) sẽ không còn hoạt động như những ốc đảo riêng biệt, mà có thể liên kết theo trục sản xuất - logistics - xuất khẩu, tạo ra chuỗi giá trị khép kín. Điều này giúp doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm chế biến, nâng cao năng suất và chất lượng, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu với các dòng sản phẩm cao cấp hơn.
Khi không còn rào cản địa giới hành chính, chính quyền TP. Cần Thơ mới có thể xây dựng chính sách liên kết bền vững giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân trên toàn vùng. Điều này sẽ giúp giảm tình trạng “được mùa mất giá”, “đứt gãy chuỗi cung ứng”, vốn là điểm yếu kéo dài của ngành nông nghiệp.
Doanh nghiệp có thể ký kết hợp đồng dài hạn với các vùng nguyên liệu ở Sóc Trăng và Hậu Giang, đảm bảo cung ứng ổn định, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật, giống, phân bón cho nông dân. Nông dân, về phần mình, cũng yên tâm sản xuất với đầu ra được đảm bảo, giá cả ổn định và có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, với chính sách hợp nhất, việc đào tạo lao động, chuyển giao công nghệ chế biến hiện đại cũng sẽ được thực hiện tập trung và hiệu quả hơn, từ đó tạo điều kiện để nâng cao trình độ tay nghề và thu nhập cho người lao động vùng nông thôn.
Tuy tiềm năng là rất lớn, nhưng để ngành chế biến nông sản thực sự bứt phá sau hợp nhất, các địa phương và doanh nghiệp cần lưu ý một số điểm: xây dựng quy hoạch vùng sản xuất - chế biến đồng bộ, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, chồng lấn và thiếu hiệu quả; tăng cường hợp tác công - tư trong xây dựng chuỗi giá trị và đầu tư hạ tầng chế biến; thực hiện chuyển đổi xanh trong sản xuất để đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững toàn cầu.
Nếu Cần Thơ, Sóc Trăng và Hậu Giang chính thức hợp nhất thành một thực thể hành chính thống nhất là tiền đề quan trọng để ngành chế biến nông sản bứt phá. Sự cộng hưởng giữa tiềm năng nguyên liệu, hạ tầng sẵn có và chính sách điều phối đồng bộ sẽ mở ra một thời kỳ phát triển mới, bền vững và hiệu quả hơn cho ngành hàng vốn đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu và ổn định kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long. |