A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Gắn với nhu cầu thực tiễn

Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) tại Lạng Sơn đã được triển khai hiệu quả, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên rõ rệt.

Là tỉnh miền núi, biên giới với nền kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp, những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) tại Lạng Sơn đã được triển khai hiệu quả, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên rõ rệt.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Đức Huân – Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn - cho biết, năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 60%, trong đó tỷ lệ LĐNT tham gia các khóa đào tạo chiếm trên 80%. Đào tạo nghề luôn gắn với nhu cầu thực tiễn của Lạng Sơn, bởi vậy, nội dung đào tạo chủ yếu là dạy thực hành (chiếm tối thiểu 80% thời gian học).

Các nghề được lựa chọn xây dựng mô hình và nhân rộng như: Trồng nấm ăn, trồng rừng kinh tế, kỹ thuật trồng và chăm sóc na, khoai tây, chăn nuôi gà, lợn, thú y, sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật trồng rau an toàn, sửa chữa xe máy, sửa chữa điện dân dụng, tin học ứng dụng… Thời gian học cũng được bố trí phù hợp với ngành, nghề đào tạo, đặc điểm của quy trình sản xuất, quy trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi ở từng vùng, từng địa phương. Hình thức cũng được đa dạng hóa, từ tập trung tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đến đào tạo lưu động tại các thôn, bản. Nhờ đổi mới nội dung giảng dạy dựa trên nhu cầu thực tế, hình thức đào tạo được đa dạng hóa từ tập trung đến lưu động, thời gian qua, công tác đào tạo nghề đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó giúp chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực tại Lạng Sơn. Hơn thế nữa, tỉnh còn chủ động đẩy mạnh hợp tác 3 bên Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp trong công tác đào tạo với các hình thức đa dạng.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Gắn với nhu cầu thực tiễn

Lớp Kỹ thuật chăn nuôi gà của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Cao Lộc

"LĐNT tham gia học nghề được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản theo từng ngành nghề được đào tạo, được trực tiếp tham gia vào quá trình thực hành, thực tế vận dụng vào phát triển sản xuất tại gia đình, được tư vấn nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm. Các lớp học nghề đã giúp người LĐNT từng bước nâng cao trình độ, tạo điều kiện tốt để tiếp cận các mô hình, đề án phát triển sản xuất. Qua đó góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ canh tác. Đến nay, trên 80% số lao động sau học nghề có việc làm hoặc làm nghề cũ nhưng năng suất cao hơn, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững cho địa phương"- ông Huân thông tin.

Với một địa bàn miền núi biên giới như Lạng Sơn, kết quả đó có được là cả một sự nỗ lực lớn của toàn bộ hệ thống các cấp chính quyền, nhà trường và người dân.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư trong lĩnh vực này; tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề, khảo sát danh mục ngành nghề, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của địa phương, trong đó đặc biệt quan tâm đến chiến lược phát triển nghề du lịch, các ngành nghề tại các khu, cụm công nghiệp đã quy hoạch và đang triển khai trên địa bàn tỉnh.


Tác giả: Nguyễn Phương - Nguyễn Hoàng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết