Đồng Nai: Đột phá phát triển nông nghiệp hữu cơ
Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có lợi thế về vị trí địa lý-kinh tế với hơn 287.000ha đất dành cho sản xuất nông nghiệp.
Để khai thác tiềm năng, mang lại hiệu quả thiết thực, Đồng Nai chú trọng ứng dụng công nghệ cao (CNC), lựa chọn những mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ (NNHC) chất lượng, an toàn, bền vững.
Canh tác hữu cơ, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ
Ông Nguyễn Khoa Trường, ngụ tại ấp An Bình, xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom) là nông dân tiêu biểu của địa phương. Gia đình ông có vườn sầu riêng rộng 2ha, đã 12 năm tuổi, thu hoạch trung bình mỗi năm khoảng 25 tấn/ha. Với giá sầu riêng hiện nay, thu nhập của gia đình ông ước đạt 1,5 tỷ đồng/năm. Để có được vườn trái cây đúng mùa vụ, hiệu quả kinh tế cao, ông Trường đã sử dụng phân hữu cơ, lắp đặt công nghệ tưới tự động, đặc biệt là ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong sản xuất, chăm sóc cây trồng.
Ông Nguyễn Khoa Trường chia sẻ: “Quan trọng nhất là phải ứng dụng kỹ thuật và không nên dùng các loại hóa chất, kể cả thuốc diệt cỏ. Tôi thường học hỏi kỹ thuật từ internet, nắm bắt quy trình chăm sóc, cắt tỉa cành, bông, loại bỏ trái xấu, xử lý các loại nấm bệnh, vệ sinh gốc sầu riêng và cắt cỏ bằng máy... Quy trình chăm sóc khép kín và ứng dụng công nghệ đã thay thế phần lớn công đoạn thủ công trước đây, góp phần nâng cao chất lượng nông sản”.
Nông dân Đồng Nai ứng dụng cơ giới hóa trong canh tác lúa đạt hiệu quả cao. |
Ở xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu), gia đình anh Vũ Đình Huấn khởi nghiệp từ hai nhà màng trồng dưa lưới, rộng hơn 2.000m2. Vốn là kỹ sư nông nghiệp nên anh chủ động tìm hiểu, ứng dụng kỹ thuật vào từng công đoạn gieo trồng, chăm bón. Nhờ đó, doanh thu, lợi nhuận từ dưa lưới của gia đình anh liên tục tăng. Theo anh Huấn, khởi nghiệp với mô hình nông nghiệp CNC, NNHC là một xu hướng khả thi. Đây cũng là chủ trương của chính quyền nên được quan tâm, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ bao tiêu giúp người dân tự tin sản xuất.
Tại huyện Xuân Lộc, những năm gần đây, nhờ cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa, đời sống của người dân đã vươn lên khá giả. Thay vì sản xuất lúa manh mún, thủ công, bà con đã tham gia hợp tác xã, đóng góp hàng tỷ đồng để đầu tư mua máy móc nông nghiệp. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở nhiều hợp tác xã đạt 100%, từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản và sơ chế nông sản... Từng hộ xã viên còn tích cực áp dụng các quy trình sản xuất lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP, hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, chất bảo quản... Nhờ vậy, sản phẩm gạo ST24 của nông dân Xuân Lộc đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, tiêu thụ rộng rãi trên thị trường...
Các địa phương khác của tỉnh Đồng Nai cũng đều có những mô hình kinh tế mang lại giá trị, lợi nhuận cao nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, như: Sầu riêng 3 gốc ở huyện Cẩm Mỹ; nấm bào ngư ở TP Long Khánh; rau thủy canh ở TP Biên Hòa... Nhiều mô hình sản xuất của tỉnh đã đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Ông Cao Tiến Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đồng Nai cho biết: Ứng dụng kỹ thuật để sản xuất, canh tác hữu cơ đang khẳng định là hướng đi đúng đắn trong nông nghiệp. Thời gian tới, Đồng Nai tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC và NNHC, chất lượng, an toàn, bền vững nhằm đạt được tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC trên 50% tổng giá trị toàn ngành, thiết thực cải thiện chất lượng sống của người dân.
Một mô hình sầu riêng 3 gốc ở huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: TÙNG ĐĂNG |
Mở rộng liên kết, huy động nguồn lực
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phát triển NNHC là một trong 4 nhiệm vụ đột phá. Để thực hiện nhiệm vụ này cần mở rộng liên kết, huy động nguồn lực của doanh nghiệp và các tập thể, cá nhân chung sức cùng nông dân sản xuất nông sản hữu cơ, tạo ra sản phẩm an toàn, không sử dụng vô cơ, hóa chất. Bởi vậy, các địa phương trong tỉnh chú trọng thành lập tổ hợp tác sản xuất; kết nối hợp tác xã sản xuất với nhà phân phối, doanh nghiệp; ký kết cung ứng, đầu tư, hợp tác khép kín chu trình sản xuất... để chung tay nâng tầm nông nghiệp và nông sản chất lượng cao.
Mới đây, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai ký kết với Công ty Cổ phần Quốc tế Hải Dương (Bình Dương) về hợp tác sản xuất NNHC. Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã ký kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm (TP Hồ Chí Minh) hợp tác phát triển nông nghiệp CNC, NNHC, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh... Ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho rằng: Việc liên kết hợp tác không chỉ bảo đảm chất lượng sản xuất đạt chuẩn, chia sẻ gánh nặng với nhà nông và giải quyết đầu ra hợp lý mà còn giúp nhà nông hiểu rõ hơn về thương trường, thực hiện tốt quy trình sản xuất hữu cơ và có trách nhiệm với sản phẩm của mình cũng như với người tiêu dùng.
Thực tiễn cho thấy, thông qua liên kết, Đồng Nai đã huy động được cả vốn, nhân lực, công nghệ... vào sản xuất NNHC, ứng dụng CNC; đồng thời, nông sản của Đồng Nai cũng ngày càng có uy tín trên thương trường. Một số loại nông sản đã được chứng nhận 3 sao của chương trình quốc gia “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc... Vấn đề quan trọng là sản xuất sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế phải tiếp tục được áp dụng rộng rãi để nông sản đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính.
Với mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhóm đất NNHC đạt khoảng 1,5% trên tổng diện tích đất nông nghiệp, Đồng Nai tích cực hỗ trợ, vận động nông dân, doanh nghiệp sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; tiếp tục xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ thông qua mở rộng hợp tác, đầu tư. Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm khẳng định: Với trách nhiệm của mình, công ty sẽ gắn kết chặt chẽ với chính quyền và nông dân Đồng Nai, từng bước chuyển giao quy trình kỹ thuật ứng dụng công nghệ hữu cơ, hữu cơ vi sinh cho sản xuất nông nghiệp; tập huấn kỹ thuật và quảng bá, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, kênh phân phối các sản phẩm hữu cơ của tỉnh Đồng Nai đến nhiều đối tác, khách hàng.
Theo đồng chí Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, hướng đi cho kinh tế nông nghiệp Đồng Nai đã được xác định rõ ràng. Từng địa phương trong tỉnh cần coi phát triển NNHC là điểm đột phá, đổi mới cơ cấu lại nền nông nghiệp; đồng thời đẩy mạnh liên kết sản xuất phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, NNHC, nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chuyển đổi số, công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ...