Tiêu điểm
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đưa chuyển đổi số, khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu tư cho nông dân, thời gian qua, TP Hà Nội đã tập trung đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, trang bị cho nông dân những kiến thức mới để ứng dụng vào thực tiễn canh tác, tạo ra nhiều nông sản có chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của chuỗi giá trị nông sản. Các công nghệ mới như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tự động hóa trong sản xuất và quản lý nông nghiệp sẽ giúp tăng năng suất, giảm chi phí và bảo vệ môi trường. Việc chuyển đổi số, đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí giá thành đầu tư cho người nông dân.

Hiểu rõ điều này, thời gian qua, TP Hà Nội đã tập trung đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, trang bị cho nông dân những kiến thức mới để ứng dụng vào thực tiễn canh tác, tạo ra nhiều nông sản có chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đưa chuyển đổi số, khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Hà Nội sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến

Báo cáo của ngành nông nghiệp Thủ đô cho thấy, trong nửa đầu năm 2024, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của Hà Nội đạt 22.661 tỷ đồng, tăng 2,94% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp là 20.945 tỷ đồng, tăng 2,92%, thủy sản đạt 1.677 tỷ đồng, tăng 3,33% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong thời gian này, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Hà Nội đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng 58,5%, trong đó hàng nông sản đạt 836 triệu USD.

6 tháng đầu năm 2024, nổi bật trong hoạt động của ngành nông nghiệp Thủ đô là nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất chất lượng nông sản như: Ứng dụng công nghệ sinh học trong việc sản xuất các loại giống cây, con, kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch bệnh, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản đã tạo bước đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

TP đặt mục tiêu đến cuối giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản phẩm nông nghiệp trên 70%. Tính đến hết năm 2023, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 46% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn TP.

Nhiều doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, hộ gia đình đã ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, tạo ra nhiều nông sản hàng hóa có năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân Thủ đô và xuất khẩu.

Đưa chuyển đổi số, khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Mô hình trồng rau công nghệ cao tại xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn

Chương trình số 07-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” đã xác định 7 nhóm chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản phẩm nông nghiệp đến năm 2025 đạt trên 70% (hiện đang ở mức 46%).

Thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU, thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến hỗ trợ và thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Nhờ có thế mạnh về khoa học công nghệ, nguồn lực, hệ thống cơ chế, chính sách, Hà Nội đã phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Tính đến nay, Hà Nội có 406 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 262 mô hình lĩnh vực trồng trọt, 119 mô hình lĩnh vực chăn nuôi, 25 mô hình lĩnh vực thủy sản; tập trung ở các huyện: Hoài Đức, Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…

TP có 68 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và chú trọng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; khoảng 20 doanh nghiệp bước đầu đã tham gia đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và có duy nhất một doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao tại xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức).

Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nội quy mô chưa lớn nhưng đã tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, mang lại thu nhập cao và đang khẳng định được vai trò trong thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, hữu cơ

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Hiện nay một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân sản xuất đã áp dụng hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt, tự động điều chỉnh nhiệt độ trong nhà kính, nhà màng... góp phần tiết kiệm chi phí nhân công, nguồn nước, tăng năng suất cây trồng. Đối với chăn nuôi, nhiều trang trại đã áp dụng hệ thống cảm biến, hệ thống ăn uống tự động, quản lý vật nuôi bằng phần mềm.

Đưa chuyển đổi số, khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Mô hình trồng rau mầm của Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín) Bùi Thị Thanh Hà cho hiệu quả cao

Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, trước yêu cầu của thị trường về vệ sinh an toàn thực phẩm, các nông sản đều cần phải có nguồn gốc truy xuất rõ ràng. Vì vậy, Hà Nội cũng đã tập trung thực hiện cấp mã số vùng trồng, từ đó kiểm soát một cách hiệu quả từ quy trình sản xuất đến truy xuất nguồn gốc trên thị trường.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số phục vụ canh tác; hỗ trợ nông dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin; đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân.

Liên quan đến vấn đề đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) Vũ Thị Hương cho biết: Việc áp dụng công nghệ số là một trong những nội dung quan trọng mà trung tâm đang phối hợp với các địa phương hỗ trợ nông dân. Thông qua tập huấn, các hợp tác xã, nông dân được hướng dẫn cách xây dựng mô hình áp dụng công nghệ số trong sản xuất, triển khai hệ thống giám sát bằng công nghệ thông minh và cách quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ địa phương về các quy định của nước nhập khẩu; tăng cường thanh tra, kiểm tra và siết chặt quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu, bảo đảm yêu cầu về kiểm dịch thực vật, an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Đưa chuyển đổi số, khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tham quan HTX rau an toàn Văn Đức, huyện Gia Lâm

Ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng phối hợp với các địa phương xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm; đồng thời vận động, kêu gọi doanh nghiệp tích cực phối hợp, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Năm 2024, ngân sách TP bố trí 110 tỷ đồng kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó, hơn 69 tỷ đồng kinh phí thực hiện 130 nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyển tiếp, hơn 40 tỷ đồng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ tuyển chọn, giao trực tiếp mới năm 2024.

Việc chuyển đổi số, áp dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp là yêu cầu cấp bách đặt ra đối với sản xuất nông nghiệp, cần có sự chung tay, hỗ trợ của các ngành chức năng để ngành Nông nghiệp Hà Nội phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Hà Nội đứng đầu cả nước về về Chỉ số đổi mới sáng tạo

Theo công bố của Bộ Khoa học và Công nghệ về Chỉ số đổi mới sáng tạo (PII) năm 2023 của 63 tỉnh, TP, Hà Nội đứng đầu cả nước với 62,86 điểm. Hà Nội là địa phương có tỷ lệ đầu tư cho nhân lực, chi phí cho nghiên cứu phát triển, số lượng tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp hoạt động nghiên cứu phát triển cao.

Cùng với đó, Hà Nội cũng có tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động đổi mới sáng tạo và các đầu ra về tài sản trí tuệ như sáng chế, giải pháp hữu ích… đều dẫn đầu trên quy mô cả nước. Do vậy, Hà Nội đứng đầu ở cả xếp hạng đầu ra và đầu vào dựa trên các tiêu chí đổi mới sáng tạo. Đứng thứ hai là TPHCM, với 12 chỉ số dẫn đầu trong 52 chỉ số thành phần có điểm cao.

Trên đà đó, TP đã và đang tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sạch, hữu cơ, kinh tế tuần hoàn gắn với công nghiệp chế biến nông sản và kết nối bền vững với chuỗi giá trị toàn cầu.

Trang thông tin có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật