A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần lộ trình phù hợp, linh hoạt để không tạo thêm gánh nặng

Là phương tiện di chuyển phổ biến và phương tiện mưu sinh chính của hàng triệu người dân, xe mô tô, xe gắn máy ở Việt Nam hiện chưa thể thay thế. Trong bối cảnh yêu cầu về chất lượng môi trường sống ngày càng cao, kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy là cần thiết. Tuy nhiên, việc triển khai cần được tính toán thận trọng, có lộ trình phù hợp để không tạo thêm gánh nặng cho nhóm người thu nhập thấp.

Bài toán từ những con số

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tính đến tháng 9-2024, cả nước có hơn 77 triệu xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành; riêng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, lượng xe này chiếm hơn 85% tổng số phương tiện cá nhân.

Kết quả từ 3 chương trình đo kiểm khí thải tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cho thấy, các xe trên 10 năm tuổi thường có lượng phát thải vượt tiêu chuẩn. Tại Hà Nội, nhóm xe này chiếm tới 72,58%, TP Hồ Chí Minh là 68% và Đà Nẵng hơn 59%. Xe máy cũ được xác định là nguồn phát thải đáng kể các khí CO, HC và NOx, góp phần gây ô nhiễm không khí đô thị và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Xe mô tô, xe gắn máy vẫn là phương tiện tham gia giao thông chủ yếu của người dân. Trong ảnh: Các phương tiện lưu thông trên đường Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, TP Hà Nội.

Trước thực tế này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) xây dựng lộ trình áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy lưu hành tại Việt Nam theo hướng tăng cường kiểm định định kỳ khí thải, tiến tới loại bỏ các xe không đạt chuẩn ra khỏi lưu thông. Theo dự thảo, việc kiểm định khí thải sẽ bắt đầu từ ngày 1-7-2027 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, sau đó mở rộng ra các địa phương: Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Huế từ ngày 1-7-2028 và áp dụng toàn quốc từ ngày 1-7-2030 (tùy điều kiện cụ thể).

Trao đổi với chúng tôi, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ NN-MT) cho rằng: “Nếu không can thiệp quyết liệt vào nguồn phát thải là xe máy cũ, Việt Nam sẽ rất khó đạt các mục tiêu về giảm phát thải và cải thiện sức khỏe cộng đồng. Đây là việc phải làm, nhưng cần nghiên cứu kỹ về sự đồng thuận xã hội và bảo đảm khả thi”. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia đã triển khai kiểm định khí thải xe máy, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, việc áp dụng phải tính đến mức thu nhập bình quân, điều kiện bảo dưỡng xe và sự sẵn sàng của hệ thống hạ tầng kiểm định.

Khi người dân còn băn khoăn

Chủ trương giảm khí thải là đúng, song việc thực hiện đang khiến không ít người dân, đặc biệt là lao động tự do, người thu nhập thấp bày tỏ lo ngại. Tại một cửa hàng sửa xe ở phường Bồ Đề (TP Hà Nội), anh Nguyễn Văn Huy (26 tuổi) là một tài xế xe công nghệ đang thay bugi và bảo dưỡng cho chiếc xe máy hơn 10 năm tuổi. “Chiếc xe này của bố mẹ mua từ năm 2008, tôi sử dụng để đi học rồi làm nghề chạy xe công nghệ. Xe vẫn hoạt động tốt, không khói. Nếu bị buộc kiểm định rồi loại bỏ vì cũ thì tôi biết lấy gì làm kế sinh nhai?”, anh Huy

Tương tự, bà Nguyễn Thị Lành (52 tuổi), quê ở xã Hậu Lộc (Thanh Hóa), bán hàng rong tại khu phố cổ Hà Nội, chia sẻ: “Bán hàng rong lời lãi chẳng bao nhiêu. Nếu phải đổi xe mới chỉ vì xe cũ không đạt kiểm định khí thải thì tôi không biết xoay xở làm sao”. Là khách hàng thường xuyên của bà Lành, chị Trần Khánh Huyền (29 tuổi), nhân viên văn phòng ở phường Cửa Nam (TP Hà Nội), cũng bày tỏ sự băn khoăn: “Nhà tôi có 3 chiếc xe máy, hai chiếc tuy cũ nhưng vẫn dùng tốt. Nếu cấm dùng xe cũ thì thực sự bất tiện và tốn kém”.

Tâm lý chung của nhiều người dân là lo ngại quy định kiểm soát khí thải sẽ được áp dụng cứng nhắc, chẳng hạn loại bỏ xe theo “niên hạn” thay vì đánh giá tình trạng thực tế. Điều này dễ dẫn tới việc gạt bỏ phương tiện còn sử dụng tốt, làm gián đoạn công việc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế, nhất là với người nghèo, sinh viên, người cao tuổi.

Chính sách cần đi kèm giải pháp an sinh

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nếu được bảo dưỡng tốt, nhiều xe máy cũ vẫn có mức phát thải nằm trong ngưỡng cho phép. Vì vậy, thay vì quy định cứng nhắc theo niên hạn nên kiểm tra thực tế khí thải từng phương tiện để phân loại và có hướng xử lý phù hợp. Từ góc độ chính sách, ông đề xuất thêm: “Lộ trình nên đi kèm giải pháp hỗ trợ người dân, nhất là nhóm thu nhập thấp gần như không có lựa chọn thay thế nào khác ngoài chiếc xe máy cũ. Họ cần được hỗ trợ kiểm định miễn phí, có thể tiếp cận các chương trình đổi xe ưu đãi hoặc trợ giá xe thân thiện môi trường như xe điện".

Ngoài ra, ông Hùng đề xuất cần thực hiện đồng bộ các giải pháp lâu dài như: Phát triển giao thông công cộng, tích hợp kiểm định khí thải vào các hoạt động đăng ký xe, bảo hiểm hoặc cấp phép lưu hành, tránh tạo thêm gánh nặng thủ tục hành chính, quản lý nghiêm các trung tâm kiểm định, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Cùng với đó, cần minh bạch về chi phí, quy trình, tránh để chính sách biến tướng thành “giấy phép con” gây phiền hà và mất lòng tin của người dân. Những điều này sẽ góp phần tăng tính khả thi, hạn chế tối đa sự xáo trộn trong đời sống người dân.

Kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy nếu triển khai hiệu quả, sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống đô thị, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Để chính sách phát huy hiệu quả và đi vào đời sống, cần một lộ trình linh hoạt, minh bạch, hỗ trợ thực chất và sự đồng hành của người dân.

Bài và ảnh: KIỀU OANH


Tags: khí thải
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật