Giữ “hồn” chiếu cói Nga Sơn
Ở thôn 5, xã Nga Liên (Nga Sơn, Thanh Hóa), giữa sự phát triển của xã hội, anh Nguyễn Xuân Tước cùng vợ là chị Nguyễn Thị Thủy vẫn miệt mài làm chiếu cói theo đơn đặt hàng của khách. Theo đó, sản phẩm chiếu cói của anh chị tỏa đi khắp mọi vùng miền Tổ quốc.
Có lẽ, trong mỗi chúng ta ai cũng từng nghe câu ca dao: “Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/ Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông...” nói về sự nổi tiếng của những sản phẩm trong một giai đoạn của lịch sử. Chắc hẳn, thế hệ 8X trở về trước, không ai không nằm chiếu cói. Những mảnh ký ức về chiếc chiếu bền, đẹp; những buổi cùng mẹ giặt chiếu bên cầu ao, bến sông... sẽ mãi là hoài niệm đẹp một thời gian khó.
“Chiếu cói vẫn không mất đi giá trị thực của nó. Nhiều khách hàng bao năm qua vẫn đặt chiếu của gia đình tôi. Họ đặt chiếu không chỉ để sử dụng mà còn gửi tặng người thân, bạn bè. Từ nhu cầu ấy, vợ chồng tôi quyết tâm giữ nghề, giữ lấy “hồn” cói quê hương và đó cũng là kế sinh nhai cho cả gia đình”, anh Nguyễn Xuân Tước chia sẻ.
Anh Nguyễn Xuân Tước cùng vợ dệt cói theo đơn đặt hàng của khách. |
Ngồi xem anh Tước, chị Thủy dệt chiếu với những sợi cói dài, phối màu đẹp và chắc chắn. Chị luồn sợi, anh rập khuôn, đều đặn và nhịp nhàng, thể hiện rõ sự điêu luyện trong nghề mà gia đình đã gìn giữ qua nhiều thế hệ. Theo chị Thủy: Cơ chế thị trường cùng sự phát triển của khoa học-công nghệ nên chiếu cói thực sự phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp. Mặc dù cũng gặp không ít khó khăn, nhưng vợ chồng chị Thủy mỗi ngày vẫn kiên trì dệt chiếu và cũng chỉ làm được một đôi chiếu, với những công đoạn chuẩn bị nguyên liệu cói rất tỉ mỉ. Chị Thủy tin rằng, hồn cốt quê hương được gửi trong từng chiếc chiếu vẫn đủ sức để níu giữ khách hàng.
Chị Thủy chia sẻ: "Khách hàng đặt chiếu bây giờ thường dài 1,8m, rộng 2m. Để có được những sợi cói dài, không chắp nối, không phải mùa nào cũng tìm được. Lựa chọn sợi cói kỹ, vợ chồng tôi phải xử lý cẩn thận từ khâu ngâm, ủ màu, phơi đến bảo quản để sợi cói được bền, đẹp. Mỗi đôi chiếu này có giá từ 2 triệu đến 2,5 triệu tùy kích thước. Nếu người dùng bảo quản chỉ giặt tay với xà phòng, dùng bàn chải bình thường và phơi nắng thì có khi hết cả đời người, chiếc chiếu vẫn chưa hỏng”.
Làng chiếu cói Nga Sơn vang tiếng một thời, nhưng giờ người làm chiếu thủ công như anh Tước, chị Thủy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khó khăn, vất vả, thu nhập ít, nhưng anh Tước vẫn quyết giữ nghề. Với anh, còn người yêu chiếu cói Nga Sơn thì anh chị còn miệt mài dệt chiếu.
Bài và ảnh: DUY THÀNH