A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gỡ “nút thắt” cho ngành hàng phát triển

Trước những vấn đề nổi cộm về chất lượng sản phẩm sầu riêng xuất khẩu trong thời gian qua, buộc các tác nhân trong ngành hàng phải chủ động đưa ra giải pháp lâu dài để nâng cao chất lượng ở tất cả các khâu.

Kiểm soát chất lượng sau thu hoạch

Về vấn đề lô sầu riêng của Việt Nam bị cảnh báo nhiễm chất Cadimi, kết quả kiểm tra ban đầu của cơ quan chức năng cho thấy không có nguyên nhân xuất phát từ vùng trồng này. Do đó, nhà chức trách đề nghị doanh nghiệp (DN) và thương lái tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong thu mua, bảo đảm thu mua đúng mã vùng trồng và các cơ sở đóng gói phải đáp ứng theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu để duy trì vị thế của sầu riêng Việt Nam.

Theo bà Lê Thị Bích Thủy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Trái cây Thủy, đơn vị không ngừng kiểm soát chất lượng sản phẩm từ khâu thu mua đầu vào đến khi thành phẩm xuất khẩu. Đặc biệt là sau những thông tin cảnh báo từ phía Trung Quốc đối với một số lô hàng sầu riêng Việt Nam vi phạm tiêu chuẩn chất lượng, công ty đã chủ động tập huấn nâng cao trình độ công nhân; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và siết chặt quy trình làm sạch sau khi thu hoạch cũng như trước khi đóng gói xuất khẩu.

Công nhân thu hoạch sầu riêng tại vườn một hộ dân trên địa bàn xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc).

Đối với việc bảo đảm chất lượng hàng hóa sau thu hoạch, DN luôn lựa chọn các đơn vị cung cấp thuốc xử lý bảo đảm an toàn thực phẩm. Các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật của DN được đánh giá và cấp chứng chỉ bởi Cơ quan quản lý FDI Thái Lan. Khi về Việt Nam, được kiểm định và xác nhận bảo đảm an toàn trong thực phẩm của Viện Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế).

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Hà cho rằng, cần nâng cao năng lực quản trị, tổ chức sản xuất của HTX, tổ hợp tác; tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo nguyên tắc "4 đúng" và chỉ thu hoạch sầu riêng khi bảo đảm độ chín; kiểm tra về pháp lý thương nhân, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và một số kim loại nặng. Bộ NN-PTNT cần hỗ trợ xây dựng và ban hành các quy trình chuẩn về canh tác, thu hoạch, sản xuất sầu riêng rải vụ, thích ứng biến đổi khí hậu theo các vùng sản xuất trọng điểm...

Chủ động đề xuất các giải pháp

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho ngành hàng sầu riêng, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét sửa đổi, bổ sung TCVN 10739: 2015 - Sầu riêng quả tươi. Bởi tiêu chuẩn này hiện đang gây khó khăn lớn trong quá trình quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm sầu riêng do các quy định về độ phát triển và độ chín còn định tính; chưa quy định về các chỉ tiêu lý - hóa như: hàm lượng các chất dinh dưỡng…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn cho biết, theo kinh nghiệm của các nước sản xuất sầu riêng lớn trên thế giới, để bảo đảm sầu riêng xuất bán đạt chuẩn, họ đã xây dựng chương trình giám sát chất lượng đặc biệt. Bên cạnh áp dụng quy trình canh tác chặt chẽ, họ tăng yêu cầu chất lượng bằng cách quy định quả sầu riêng thu hoạch phải đạt 32% chất khô, tạo thuận lợi trong việc bảo quản, vận chuyển xa và chất lượng ngon hơn. Do đó, tỉnh đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định độ phát triển và độ chín định lượng bằng % chất khô; quy định cụ thể về các chỉ tiêu lý - hóa như: protein, vitamin, khoáng chất, chất béo, calo, chất xơ…; nghiên cứu bổ sung thêm độ tuổi thu hoạch quả: 85 – 100 ngày sau khi nở hoa (đối với giống Ri6); 110 – 130 ngày sau khi nở hoa (đối với giống Dona); xem xét xây dựng, ban hành quy chuẩn quốc gia về sầu riêng

Đắk Lắk cũng đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét, nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu nguyên liệu, hoạt chất tạo màu, làm chín đều và bảo quản sầu riêng trong thời gian sớm nhất nhằm đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của nước nhập khẩu. Bổ sung thêm số lượng thuốc bảo vệ thực vật vào danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam dành cho cây sầu riêng vì hiện chỉ có 27 loại, quá ít so với nhu cầu sử dụng, gây khó khăn cho người sản xuất trong việc tuân thủ theo quy định của thị trường nhập khẩu…

Cùng với những giải pháp trên, cần tăng cường nâng cao năng lực cơ sở sơ chế, bảo quản đông lạnh, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại bảo đảm đáp ứng quy định của nước nhập khẩu. Địa phương sẽ đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nhà nông, DN và đơn vị xuất khẩu để bảo đảm quyền lợi cho các bên; thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người dân vùng trồng, cơ sở đóng gói thực hiện đúng các quy định tại Nghị định thư về quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết