A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảng bộ Sở Công Thương Lạng Sơn: Nỗ lực cao nhất cho các mục tiêu tăng trưởng

Đảng bộ Sở Công Thương Lạng Sơn đã chủ động rà soát các nhiệm vụ của ngành Công Thương để tập trung triển khai đảm bảo hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Động lực tăng trưởng từ giải pháp đồng bộ

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong thời gian qua, Đảng bộ Sở Công Thương Lạng Sơn đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các nghị quyết của Chính phủ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh và quyết định của UBND tỉnh về những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.

Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Anh Tuấn

Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Anh Tuấn

Đồng thời, rà soát các nhiệm vụ của ngành Công Thương để tập trung triển khai đảm bảo hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra; tập trung thực hiện bình ổn thị trường, giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh, phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch cao điểm đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại - xuất nhập khẩu, phối hợp với các đơn vị liên quan nắm bắt thông tin, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh; tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển thị trường nội địa, kinh tế số, đặc biệt là phát triển thương mại điện tử.

Mặt khác, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác nắm bắt thông tin, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác năm, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2025, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đáng chú ý, trong công tác quản lý nhà nước về công nghiệp, Sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai chỉ đạo của tỉnh với quyết tâm cao; đồng thời, tiếp tục bám sát tiến độ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và thành lập đảm bảo đúng tiến độ (Hợp Thành 1, 2; Đình Lập; Hồ Sơn 1; Hòa Sơn 1 và Bắc Sơn 2; Na Dương 1, 2 và 3); đang tiếp nhận và thẩm định 2 hồ sơ thành lập cụm công nghiệp (cụm công nghiệp Tân Văn và cụm công nghiệp Minh Sơn).

Sở cũng báo cáo UBND tỉnh định kỳ hàng quý về tình hình, kết quả triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn và các cụm công nghiệp 3 tháng đầu năm 2005 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tại Quyết định số 09/2025/QĐ-UBND ngày 20/01/2025 và Kế hoạch thực hiện Phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2025 - 2030 tại Quyết định số 609/QĐ-UBND ngày 10/3/2025.

Đặc biệt, Sở Công Thương đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trên địa bàn tỉnh, phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của tỉnh theo các đề án đã được phê duyệt.

Chẳng hạn như: Chủ động trong công tác quản lý, theo dõi và thông tin, khuyến nghị các nội dung liên quan đến tình hình hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn; thường xuyên, kịp thời phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, cơ quan Hải quan và các cơ quan liên quan nắm bắt, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hai bên; tập trung thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, nâng cao năng lực thông quan.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND báo cáo, kiến nghị Ủy ban Hợp tác quản lý cửa khẩu phía Việt Nam tạm thời cho phép hàng hóa quá cảnh được phép thông quan qua tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan.

“Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp cung cấp thông tin, tham gia ý kiến góp ý với các nội dung liên quan đến dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu vực cửa khẩu; công tác trao đổi, phối hợp với phía Trung Quốc liên quan đến thúc đẩy, thuận lợi hoá hoạt động xuất nhập khẩu…” - ông Nguyễn Đình Đại cho hay.

Ngoài ra, trong công tác xúc tiến thương mại, Sở thường xuyên thông tin đến Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Lạng Sơn, UBND các huyện, thành phố và các doanh nghiệp, hợp tác xã về các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế; các hội nghị, hội thảo giao thương kết nối tiêu thụ sản phẩm, quảng bá, mở rộng thị trường…

Công nghiệp, thương mại trên đà bứt tốc

Những nỗ lực của Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã góp phần duy trì và thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, thương mại, thúc đẩy cơ cấu kinh tế tỉnh chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ.

Hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn. Ảnh: Anh Tuấn

Hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn. Ảnh: Anh Tuấn

Ông Nguyễn Đình Đại nhấn mạnh, ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của Lạng Sơn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế tổng thể của tỉnh. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng đạt 23,71% và dịch vụ đạt 50,31% trong GRDP năm 2024.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, hoạt động công nghiệp tiếp tục duy trì ổn định, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 5,72% so với cùng kỳ năm trước. 12/13 sản phẩm công nghiệp chủ yếu cơ bản đều đạt và vượt so với cùng kỳ, đặc biệt sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn: Than, điện thương phẩm, xi măng, gạch, đá… đều sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh 6 tháng năm 2025 đạt 21.450,7 tỷ đồng, tăng 16,07%. Cùng với đó, hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra ổn định tại 5 cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, hiệu suất thông quan cao tại các cửa khẩu đường bộ đạt trên 1.650 xe/ngày (ngày cao điểm nhất ghi nhận 1.930 xe/ngày). Trong đó, xuất khẩu trung bình khoảng 450-500 xe/ngày (khoảng 80% là hoa quả), nhập khẩu trung bình khoảng 1.100 - 1.150 xe/ngày.

Kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh đến hết ngày 14/5/2025 ước đạt 28.442 triệu USD, trong đó: Kim ngạch hàng hóa mở tờ khai đạt 1.793 triệu USD; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 382 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.411 triệu USD; khẳng định vai trò là trung tâm xuất nhập khẩu quan trọng ở khu vực phía Bắc.

Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cũng thường xuyên đạt thứ hạng cao trong bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính cấp sở, ngành, địa phương. Cụ thể, chỉ số cải cách hành chính năm 2024 của Sở Công Thương đạt 92,57%, xếp thứ 5/20 các sở, ban, ngành của tỉnh (tăng 8 bậc so với năm 2023). Sở đã thực hiện tốt công tác tiếp nhận và trả kết quả, giải quyết thủ tục hành chính không có hồ sơ chậm, trễ hạn.

Từ ngày 1/1/2025 đến ngày 13/5/2025, Sở đã tiếp nhận 1.606 hồ sơ, trong đó: 0 hồ sơ trực tiếp, 1.602 hồ sơ trực tuyến, 4 hồ sơ kỳ trước chuyển sang, đã giải quyết 1.589 hồ sơ (91 hồ sơ trước hạn, 1.498 hồ sơ đúng hạn); đang trong hạn giải quyết 17 hồ sơ, không có hồ sơ trễ hạn. “Sở đã thực hiện rà soát cắt giảm thời hạn giải quyết đối với 19 thủ tục hành chính tại 8 lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Sở” - ông Nguyễn Đình Đại nói.

Ngành Công Thương Lạng Sơn đã tích cực cùng các ngành chức năng của tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho lưu thông hàng hóa, thông quan xuất nhập khẩu; triển khai các cơ chế chính sách khuyến khích hoạt động của các doanh nghiệp và thương nhân hoạt động trên địa bàn. Đồng thời, tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá tiềm năng của Lạng Sơn nhằm thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật