Hiệu quả từ Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại
Thời gian qua, việc triển khai mô hình phát triển rừng gỗ lớn, trồng cây nông nghiệp hữu cơ, nông, lâm kết hợp tại các xã theo Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) giai đoạn II do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tài trợ tại tỉnh Bắc Kạn đã tạo nên luồng sinh khí mới trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Qua đó góp phần giúp người dân trên địa bàn thay đổi tư duy, đa dạng hóa các sản phẩm dưới tán rừng, nâng cao thu nhập.
Các học viên học nghề tráng miến dong truyền thống ở xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. |
Ông Lưu Văn Quảng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn đánh giá: “FFF là mô hình đạt được hiệu quả tích cực, có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ liên quan tới các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) về khả năng kinh doanh, tiếp cận thị trường, tài chính thông qua chuỗi giá trị gắn với bình đẳng giới và cung cấp dịch vụ cho các thành viên. Đồng thời, những cách làm hay, sáng tạo từ FFF đã lan tỏa, giúp người nông dân thấy được nhiều lợi ích, không chỉ lợi ích kinh tế mà cả lợi ích về sức khỏe con người nên ngày càng có thêm nhiều người tham gia chương trình. Đây chính là sự lan tỏa mà chương trình FFF hướng đến”. Thông qua sự hỗ trợ của chương trình, năm 2022, ở tỉnh Bắc Kạn đã có 2 HTX (HTX cá tầm, cá hồi Pù Lầu và HTX Hoa Sơn), 1 liên hiệp HTX và 1 tổ hợp tác nông, lâm được thành lập mới. Cùng với đó, chương trình cũng tiếp tục hỗ trợ xây dựng, duy trì các mô hình trồng cây gỗ lớn, cây bản địa và lâm sản ngoài gỗ như trồng cây lá dong, cây dược liệu, vườn ươm giống cây lâm nghiệp với quy mô 150.000 cây; duy trì và phát triển 10ha rừng gỗ lớn. Ngoài ra, sản phẩm hữu cơ của các tổ hợp tác, HTX còn được kết nối tiêu thụ tại chuỗi cửa hàng đặc sản, thực phẩm sạch, hữu cơ, OCOP ở các địa phương khác như: Thái Nguyên, Hà Nội, Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh... Không chỉ nâng cao năng lực cho các tổ hợp tác, HTX sản xuất rừng, trang trại về phát triển tổ chức, cách thức quản lý, sản xuất, kinh doanh rừng và trang trại theo chuỗi hiệu quả, chương trình FFF còn giúp các HTX, tổ hợp tác khai thác tiềm năng về dịch vụ văn hóa, xã hội của địa phương để cung cấp cho các thành viên và cộng đồng. Đơn cử, chương trình đã hỗ trợ xã Yến Dương (huyện Ba Bể) xây dựng 3 điểm chụp ảnh ở cánh đồng lúa Nếp Tài hữu cơ, bước đầu đáp ứng nhu cầu du lịch trải nghiệm của du khách; tổ chức 2 lớp tập huấn về lĩnh vực du lịch cộng đồng, kỹ năng giới thiệu với du khách về các giá trị văn hóa, chế biến những món ăn phục vụ du lịch cho 120 lượt người tham dự...
Các hoạt động của chương trình FFF đã góp phần nâng cao nhận thức, tư duy sản xuất của người nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất theo quy mô tổ hợp tác, HTX, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Qua đó giúp người dân tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập trên chính mảnh đất quê hương, góp phần cùng địa phương thực hiện hiệu quả công cuộc xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng.