Tiêu điểm
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng tới sản xuất lúa giảm phát thải trên quy mô lớn

Sau thành công của mô hình thí điểm sản xuất lúa giảm phát thải ở xã Bình Hòa (huyện Krông Ana), Đắk Lắk quyết định mở rộng quy mô ở các địa phương trồng lúa nhằm tạo ra được dòng sản phẩm tiêu dùng xanh và tăng thêm thu nhập cho nông dân khi bán tín chỉ carbon.

Sau thành công của mô hình thí điểm sản xuất lúa giảm phát thải ở xã Bình Hòa (huyện Krông Ana), Đắk Lắk quyết định mở rộng quy mô ở các địa phương trồng lúa nhằm tạo ra được dòng sản phẩm tiêu dùng xanh và tăng thêm thu nhập cho nông dân khi bán tín chỉ carbon.

Mạnh dạn đón đầu xu thế

Đắk Lắk hiện có hơn 100 nghìn héc-ta lúa nước, chiếm khoảng 35% diện tích gieo trồng cây hằng năm của tỉnh. Sản xuất lúa của Đắk Lắk đứng đầu khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; năng suất bình quân của tỉnh đạt 69,5 tạ/ha, năm 2023 sản lượng ước đạt khoảng 800.000 tấn/năm. Trong đó, có 5 huyện có diện tích lúa lớn hơn 10.000 ha và hình thành được các vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu gồm: Ea Súp, Krông Pắc, Lắk, Ea Kar, Krông Ana. Đáng chú ý, việc ứng dụng quy trình sản xuất lúa giảm phát thải đã được người trồng lúa hướng đến để đón đầu xu thế tiêu dùng xanh của thế giới.

Ông Hồ Thanh Hùng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Quảng Tân (huyện Krông Ana) cho biết, qua tìm hiểu, mô hình thí điểm “Giải pháp lúa xanh giảm phát thải và tăng năng suất” rất phù hợp để áp dụng vào vùng trồng lúa do HTX quản lý. Bởi nơi đây là một trong những vựa lúa của tỉnh, có năng suất và chất lượng gạo tốt, đồng thời hệ thống thủy lợi được đầu tư bài bản, bảo đảm về nguồn nước nên rất thuận lợi cho việc áp dụng sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính theo mô hình thí điểm vừa rồi. Do đó, HTX đang xây dựng kế hoạch ứng dụng sản xuất lúa giảm phát thải trên toàn bộ diện tích quản lý (885 ha) trong vụ Đông Xuân tới.

Ông Hồ Thanh Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Quảng Tân (bìa phải)  tìm hiểu hiệu quả của mô hình sản xuất lúa giảm phát thải.

Là một trong những đơn vị sản xuất lúa gạo lớn của tỉnh, HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (huyện Krông Bông) có hơn 800 ha lúa của thành viên trong HTX và ngoài liên kết. Hiện HTX đang làm gạo sạch với thương hiệu “Gạo sạch Thăng Bình HTB” và hằng năm đã cung ứng ra thị trường trên 500 tấn sản phẩm, với 3 loại gạo: ST24, ST25, Đài Thơm 8.

Ông Võ Văn Sơn, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình chia sẻ, mô hình sản xuất lúa giảm phát thải rất phù hợp với hướng đi sản xuất gạo sạch của HTX. Do đó, HTX mong muốn đưa mô hình này phổ biến rộng rãi cho bà con nông dân để áp dụng trên diện rộng nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm.

 

“Trước mắt, công ty chọn nơi nào thuận lợi về thủy lợi sẽ làm trước và các HTX khi tham gia phải ký hợp đồng thực hiện trong 5 năm, bởi nếu làm một vụ rồi ngưng thì thửa ruộng đó sẽ bị gạt ra khỏi hệ thống đo lường giảm phát thải quốc tế và sau này muốn đăng ký lại thì rất khó”- ông Trần Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Net Zero Carbon.

Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Hà, tiêu dùng xanh hiện nay là một xu thế, sản phẩm ngoài việc cung cấp dinh dưỡng còn phải chứng minh tính phát triển bền vững, bảo đảm môi trường. Vì thế, ngành nông nghiệp các địa phương phải thay đổi cách tiếp cận hướng đến nền nông nghiệp xanh, sản xuất lúa gạo giảm phát thải khí nhà kính.

Hiện nay, Bộ NN-PTNT đã xây dựng đề án sản xuất bền vững lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính. Theo đó, trồng lúa chất lượng cao sẽ phải áp dụng các quy trình canh tác bền vững hơn. Và để giảm phát thải khí nhà kính trong trồng lúa nước cần thực hiện đồng bộ các biện pháp như: chế độ tưới nước chủ động khô và ngập nước thay vì để các ruộng lúa ngập nước trong suốt cả mùa vụ, từ đó giúp giảm phát thải khí metan. Tuy nhiên, với giải pháp này cần xây dựng hệ thống thủy lợi chủ động để áp dụng công nghệ phù hợp.

Cần "đi cùng nhau"

Sở NN-PTNT cho biết, khởi động cùng với đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030", trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024, Đắk Lắk thí điểm thành công mô hình “Giải pháp lúa xanh giảm phát thải và tăng năng suất” tại xã Bình Hòa (huyện Krông Ana). Để tiếp tục phát huy những kết quả thu được từ mô hình, Sở NN-PTNT triển khai diện rộng mô hình này trong vụ Đông Xuân 2024 - 2025, với quy mô 500 ha, trong đó diện tích tối thiểu tại mỗi vùng trồng là 5 ha trở lên và ruộng đối chứng là 1 ha.

Ông Nguyễn Văn Hà cho biết, nông nghiệp được xem là ngành gây phát thải rất lớn, do vậy giảm mạnh phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp gắn với việc công nhận chứng chỉ carbon sắp tới cũng sẽ trở thành định hướng mà nông nghiệp Đắk Lắk mong muốn đạt được. Điều này không chỉ để tạo thương hiệu nông sản thân thiện môi trường và tạo thu nhập ổn định cho nông dân, mà còn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng tham gia vào thị trường tín chỉ carbon vào năm 2028.

Tuy nhiên, khái niệm về chứng nhận hay tín chỉ carbon vẫn đang còn rất mới, không chỉ đối với người dân mà ngay cả đối với nhiều cán bộ ngành nông nghiệp, bởi đây là một loại hàng hóa đặc biệt, phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan chuyên môn trong nước và thế giới mới kiểm định, đo đếm được. Do đó, cần sự quan tâm chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước, sự hợp tác chặt chẽ của doanh nghiệp và sự đồng hành của người dân.

Mô hình sản xuất lúa giảm phát thải được thí điểm thành công ở huyện Krông Ana. Ảnh: Đức Anh

Đồng hành thực hiện quy trình sản xuất lúa giảm phát thải, Công ty Cổ phần Net Zero Carbon đưa ra giải pháp, với quy định 5 ha trở lên mới triển khai mô hình thì đối với những cánh đồng có diện tích manh mún, các nông hộ làm một thỏa ước tập thể để ủy quyền cho HTX đứng ra tổ chức thực hiện (trong thỏa ước tập thể ghi rõ số hộ dân, diện tích cụ thể của từng hộ tham gia). Khi kết quả đạt được, thì sẽ căn cứ vào diện tích cụ thể của từng hộ để chia lợi nhuận.

Ông Trần Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Net Zero Carbon cho hay, trong vụ thực hiện đầu tiên (vụ Đông Xuân 2024 - 2025), để bà con và HTX yên tâm trong việc áp dụng mô hình này, doanh nghiệp cam kết trong hợp đồng sẽ bảo hành sản lượng cho HTX và cho bà con nông dân. Nghĩa là, nếu như năng suất của khu vực/huyện đó bình quân 8 tấn/ha, nhưng những diện tích áp dụng mô hình không đạt 8 tấn/ha thì công ty sẽ bù sản lượng cho bà con theo giá thị trường; trường hợp năng suất vượt, bà con sẽ được hưởng trọn. Đồng thời, chi phí đo đạc giảm phát thải khí nhà kính công ty sẽ bỏ ra để làm cho bà con; sau khi có chứng nhận giảm phát thải, đơn vị sẽ thu mua toàn bộ với giá 20 USD/tấn carbon giảm phát thải. Công ty cũng sẽ có đội ngũ kỹ sư để hỗ trợ, tập huấn cho các địa phương triển khai quy trình canh tác trong vụ đầu tiên.

Minh Thuận


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật