Huyện Krông Ana: Chuyển đổi số tạo đà phát triển kinh tế - xã hội
Xác định chuyển đổi số (CĐS) là giải pháp đột phá để thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) phát triển, huyện Krông Ana đặt mục tiêu triển khai hiệu quả CĐS trên cả ba trụ cột: chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.
Với mục tiêu xây dựng chính quyền số để dẫn dắt CĐS, huyện quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) từ huyện đến xã, đáp ứng yêu cầu công việc, phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng. Đến nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy tính làm việc có kết nối internet phục vụ công việc chuyên môn. Huyện cũng đã đăng ký và cấp chứng thư số cho 71 tập thể, 122 cá nhân để thực hiện việc số hóa văn bản trên môi trường mạng. Toàn huyện có 11 điểm cầu hội nghị truyền hình trực tuyến phục vụ các hội nghị truyền hình trực tuyến từ Trung ương đến địa phương. 13/13 phòng chuyên môn và 8/8 xã, thị trấn nghiêm túc triển khai sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành (iDesk) thực hiện quản lý công việc, nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị đang sử dụng một số phần mềm, hệ thống chuyên môn của ngành để cấp và quản lý hồ sơ.
Hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính trên không gian mạng tại Bộ phận một cửa xã Băng A Drênh (huyện Krông Ana). |
Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, xã, thị trấn được đầu tư hạ tầng cơ sở kỹ thuật, triển khai sử dụng hệ thống một cửa điện tử liên thông, tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) kịp thời, tạo thuận tiện cho người dân. Hiện nay, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết trên địa bàn huyện là 336 thủ tục, trong đó thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện là 229 thủ tục, cấp xã 107 thủ tục. Qua khảo sát, mức độ hài lòng và rất hài lòng của người dân, doanh nghiệp (DN) khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại hệ thống một cửa của huyện đạt tỷ lệ 100%.
"Công tác CĐS trên địa bàn huyện bước đầu đạt hiệu quả tích cực, tạo chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, người dân, DN. Những kết quả này là yếu tố quan trọng để huyện tiếp tục triển khai các giải pháp, tạo đột phá trong phát triển KT-XH ở địa phương, xây dựng nền hành chính công phục vụ, nâng cao sự hài lòng của người dân, DN" - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Ana Hoàng Minh Giám. |
Thúc đẩy quá trình CĐS trong DN, hình thành nền kinh tế số trên địa bàn, huyện tập trung tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về CĐS cho DN; tổ chức tư vấn, khảo sát, lựa chọn một số DN, hợp tác xã tiềm năng, ưu tiên một số lĩnh vực để hỗ trợ CĐS. Hiện, trên địa bàn huyện có 209 hợp tác xã, DN nhỏ và vừa, đã có 203 DN sử dụng hợp đồng điện tử, 196 DN triển khai nộp thuế điện tử; có 2 DN đã đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử như Shopee, Sendo… để bán. Đây là động lực tăng trưởng kinh tế và là nền tảng để phát triển kinh tế số ở địa phương.
Nổi bật trong CĐS là huyện đã từng bước thay đổi được nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là về việc thực hiện đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt, mang lại nhiều tiện ích thiết thực trong đời sống. Theo đó, tỷ lệ công dân đủ điều kiện cấp thẻ căn cước công dân đạt 100%; có 34.255/58.450 người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng, đạt tỷ lệ 58,6%. Toàn huyện có 95,4% người dân sử dụng điện thoại thông minh nên việc tiếp cận, sử dụng các nền tảng số trong lao động, sinh hoạt cũng thay đổi rõ nét.
Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn huyện Krông Ana hướng dẫn người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử. |
Chị Phan Thị Yên, tiểu thương tại chợ Buôn Trấp (thị trấn Buôn Trấp) chia sẻ, ngày trước bà con mua hàng đều trả tiền mặt. Thời gian gần đây, nhiều người dân có thói quen chuyển khoản, quét mã QR để thanh toán dù giá trị món hàng không lớn. Để phục vụ khách hàng, chị Yên in sẵn mã QR, đặt ở vị trí thuận lợi cho khách dễ dàng thực hiện giao dịch.
Từ những kết quả đạt được, huyện Krông Ana tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS của cán bộ, công chức, người dân, DN; từng bước hoàn thiện nền tảng hạ tầng số, ứng dụng số phục vụ xây dựng chính quyền điện tử; đầu tư xây dựng hệ thống thanh toán phí, lệ phí tại quầy một cửa cấp huyện để người dân có thể thanh toán tiền thông qua ví điện tử và tài khoản ngân hàng bằng cách quét mã QR; triển khai đầu tư hệ thống họp không giấy tờ trong cơ quan nhà nước; ứng dụng các nền tảng số để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của người dân trên môi trường mạng…
Đỗ Lan