A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao kỹ năng nghề cho công nhân, người lao động

Kỹ năng nghề gồm chuyên môn tay nghề và các kỹ năng mềm (khả năng giao tiếp, phối hợp làm việc nhóm, thái độ làm việc, tính kỷ luật...) là những yêu cầu quan trọng đối với công nhân (CN), người lao động (NLĐ) hiện nay.

Đáng tiếc là vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức, khiến chỉ số chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động tính theo giờ làm việc và năng lực cạnh tranh của nước ta thấp so với các nước trong khu vực; làm tăng nguy cơ mất việc làm của nhiều lao động trong tương lai...

Tại Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2022 diễn ra ngày 12-6 ở tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Sức ép về công ăn việc làm, đào tạo nghề và đào tạo lại cho CN, NLĐ đang tạo ra áp lực lớn. Nhưng thời gian tới, khoảng năm 2026, theo dự báo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), có khoảng 40% người lao động không còn kỹ năng phù hợp với công việc hiện tại nữa vì sẽ thay thế bằng công nghệ mới; 30% người lao động buộc phải chuyển nghề. Như vậy, ngay từ bây giờ, chúng ta phải chuẩn bị trước cho 5-10 năm tới theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Hiện nay, tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 70% nhưng chỉ có 24,5% có chứng chỉ nghề nghiệp. So sánh trong khu vực ASEAN, chúng ta là một trong những quốc gia có tỷ lệ đào tạo nghề nghiệp thấp.

Ngoài chuyên môn tay nghề cao, công nhân, người lao động còn cần có kỹ năng mềm tốt. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Tổng công ty May 10. Ảnh: VŨ DUNG 

 

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về vấn đề này, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Phạm Xuân Khánh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội, cho rằng, nguồn nhân lực ở nước ta hiện còn nhiều điểm yếu như: Tính chuyên nghiệp, khả năng giao tiếp, khả năng làm việc nhóm; năng lực giải quyết vấn đề; khả năng tự tư duy, tự nhận biết vấn đề và tự đưa ra được những giải pháp cải tiến hiệu suất công việc hoặc sự nỗ lực để có thể sản xuất được những sản phẩm chất lượng tốt hơn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công dân, ý thức văn hóa công nghiệp, kỷ luật lao động, thái độ làm việc, trách nhiệm đối với doanh nghiệp, khả năng sử dụng ngoại ngữ, sự hiểu biết văn hóa các nước trong môi trường làm việc có yếu tố nước ngoài không được đánh giá cao. Chính vì thế, quá trình hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, lao động trong nước sẽ khó cạnh tranh với lao động khu vực ASEAN. Do đó, ngoài kỹ năng tay nghề, sinh viên cần tích cực rèn luyện để có thêm 6 kỹ năng nữa, gồm: Kỹ năng nghiên cứu độc lập, khả năng tự học; kỹ năng giao tiếp; kỹ năng làm việc theo nhóm; kỹ năng tư duy sáng tạo; kỹ năng khai thác và sử dụng công nghệ thông tin; khả năng cập nhật kiến thức mới.

Trong khi đó, từ kinh nghiệm sử dụng lao động của mình, ông Đoàn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây lắp công trình 478 (Hà Nội) đánh giá: “Kỹ năng mềm quyết định tới 75% sự thành công của NLĐ. Kỹ năng cơ bản, cần thiết nhất với NLĐ là giao tiếp để người khác hiểu ý mình, phối hợp làm việc nhóm, tạo dựng mối quan hệ với đối tác... nhưng nhiều CN, NLĐ không đáp ứng được. Hay đơn giản như trong lúc làm việc, NLĐ nói to, sử dụng từ ngữ tự do, gây ảnh hưởng đến năng suất lao động và môi trường làm việc chung... dẫn đến những trường hợp xung đột quan hệ lao động đáng tiếc xảy ra”.

Bàn sâu về giải pháp nâng cao kỹ năng mềm cho CN, NLĐ, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa nêu một số kiến nghị: “Trước hết, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên (HSSV) về vai trò của kỹ năng mềm trong quá trình học tập tại trường; thường xuyên phối hợp tổ chức các buổi trao đổi, lớp tập huấn về kỹ năng mềm; có những quy định chặt chẽ về trách nhiệm của HSSV trong việc thực hiện nội quy, quy định của nhà trường, xưởng thực hành nhằm rèn thói quen cho HSSV ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ngoài ra, cần xây dựng nội dung đào tạo về kỹ năng mềm, triển khai cho HSSV trong quá trình học tập tại trường, giảng viên có thể lồng ghép các nội dung trong quá trình giảng dạy. Chẳng hạn khi dạy các môn lý thuyết, khuyến khích HSSV trình bày quan điểm, xây dựng các buổi thảo luận, tạo điều kiện cho HSSV tham gia làm việc nhóm...”.

Tại Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, mong muốn nâng cao kỹ năng nghề nghiệp là đòi hỏi chính đáng của CN, NLĐ và Chính phủ đã có chủ trương về vấn đề này. Để làm được, ngoài sự nỗ lực của CN phải có quản lý nhà nước, phải tăng cường trách nhiệm của các cơ quan liên quan; phải dành nguồn lực cho vấn đề này mới có thể làm được. Khi có tay nghề cao sẽ có thu nhập cao, có thu nhập cao thì đời sống tinh thần, vật chất của CN được cải thiện, từ đó mới có ấm no và hạnh phúc... Trách nhiệm của các chủ thể có liên quan như CN phải nỗ lực, quản lý nhà nước phải có chính sách, cơ chế, tổ chức thực hiện thật tốt; các địa phương phải vào cuộc; Tổng Liên đoàn Lao động cũng phải vào cuộc để giải quyết bài toán tổng thể này căn cơ, bài bản, từng bước chắc chắn và có hiệu quả.

ĐỨC TUẤN


Tags: qdnd
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết