A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành nông nghiệp Thủ đô “hồi sinh” sau bão, lũ

Hơn hai tuần kể từ khi cơn bão số 3 (YAGI) đổ bộ vào Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, nền nông nghiệp Thủ đô dường như trở về “con số 0”. Lúa, hoa màu, cây cảnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm… đều bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản, kéo theo nguy cơ thiếu hụt nguồn cung hàng hóa, thực phẩm cho người dân Thủ đô trong những tháng cuối năm. Vậy thành phố, các ban, ngành có giải pháp, chính sách như thế nào trong công tác khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, giúp ngành nông nghiệp“vượt bão”, tiếp tục giữ vững vai trò là lĩnh vực quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô?

Bài 1: Nền nông nghiệp nằm trong lòng đô thị

Hà Nội là loại đô thị đặc biệt, phát triển vào bậc nhất cả nước song ngành nông nghiệp vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trong số 30 quận, huyện, thị xã của thành phố, vẫn còn 17 huyện, 1 thị xã và 6 quận có sản xuất nông nghiệp, đó là điều vô cùng đặc biệt. Do đó, trong trung hạn cũng như dài hạn, phát triển ngành nông nghiệp vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Thủ đô Hà Nội.

Ngành nông nghiệp Thủ đô “hồi sinh” sau bão, lũ
Lãnh đạo ngành nông nghiệp Thủ đô tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội

Điểm sáng về nông nghiệp công nghệ cao

Với hơn 10 triệu dân, hiện nay, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở Hà Nội đã và đang đặt ra vấn đề cấp thiết phải phát triển một nền nông nghiệp vừa có tính chất đô thị vừa tiệm cận với những công nghệ thông minh và phải phù hợp với điều kiện đất đai, thị trường và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới của Thủ đô.

Ngành nông nghiệp Thủ đô “hồi sinh” sau bão, lũ
Hà Nội đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Nắm bắt được xu thế đó, thành phố đã tập trung nguồn lực để phát triển nền nông nghiệp Thủ đô hiện đại, hiệu quả. Theo đó, Hà Nội đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp tập trung. Đồng thời, tiếp tục duy trì, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn với 159 chuỗi, trong đó có 53 chuỗi sản phẩm động vật và 106 chuỗi sản phẩm thực vật. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia. Thành phố Hà Nội cũng đã xây dựng được hơn 40 nhãn hiệu được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê...

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Tính đến nay, Hà Nội có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi.

Ngành nông nghiệp Thủ đô “hồi sinh” sau bão, lũ
Hà Nội có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Trong lĩnh vực trồng trọt, Hà Nội đã ứng dụng xây dựng nhà màng, nhà lưới có hệ thống tự động hóa trong điều khiển hệ thống tưới, bón phân, điều chỉnh độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng; hệ thống giám sát có thể phân tích đất đai, dự báo năng suất, phát hiện sâu bệnh, dịch hại. Ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật IoT, công nghệ không sử dụng đất, công nghệ blockchain, công nghệ nhân nuôi tế bào thực vật, sử dụng máy bay không người lái trong bón phân và phòng, trừ dịch bệnh trên lúa.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều hộ nông dân Hà Nội đã áp dụng hình thức chăn nuôi trong chuồng kín, có hệ thống làm mát, giúp ổn định nhiệt độ, độ ẩm, chuồng nuôi; xây dựng dây chuyền cho ăn, uống nước tự động; sử dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo, tinh phân ly giới tính, xử lý môi trường bằng công nghệ tiên tiến (CDM, biogas, đệm lót sinh học, chế phẩm sinh học...).

Ngành nông nghiệp Thủ đô “hồi sinh” sau bão, lũ
Hà Nội đã ứng dụng xây dựng nhà màng, nhà lưới có hệ thống tự động hóa trong điều khiển hệ thống tưới, bón phân

Trong lĩnh vực thủy sản, nhiều hộ đã ứng dụng công nghệ “sông trong ao”, sử dụng chế phẩm sinh học và máy tạo oxy tự động, công nghệ biofloc...

Hà Nội cũng đã đẩy mạnh triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ và thiết bị thông minh ở hầu hết các quận, huyện còn sản xuất nông nghiệp; tập trung nhiều tại các huyện (Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng...); đặc biệt là các trang trại, gia trại nuôi trồng hoa lan, nuôi cấy mô và lan VAR...

Ngành nông nghiệp Thủ đô “hồi sinh” sau bão, lũ
Hà Nội hình thành nhiều khu trồng cây ăn trái tập trung, cho năng suất và chất lượng cao

Với diện tích đất nông nghiệp khoảng 189.000ha, chiếm 56% tổng diện tích đất tự nhiên, song các sản phẩm hàng hóa thiết yếu Hà Nội tự sản xuất mới chỉ đáp ứng từ 35 - 70% nhu cầu tiêu thụ nông sản của người dân. Để đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã phối hợp với 43 tỉnh, thành phố duy trì và hỗ trợ phát triển 926 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Nhờ vậy, nguồn cung hàng hóa tại Hà Nội luôn được đảm bảo.

Tiềm năng để phát triển du lịch và sản phẩm OCOP

Ngoài phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, thực phẩm, ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội còn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch làng nghề và sản phẩm OCOP.

Ngành nông nghiệp Thủ đô “hồi sinh” sau bão, lũ
Hà Nội đã và đang ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật IoT vào sản xuất nông nghiệp

Theo đó, Hà Nội có trên 1.000 hợp tác xã, hơn 100 mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Đây chính là tiềm năng thúc đẩy du lịch nông thôn trên địa bàn thành phố. Để tận dụng được những tiềm năng, thế mạnh này, Hà Nội đã lên kế hoạch nhằm phát triển tổng thể các làng nghề. Các làng nghề ở Hà Nội đẩy mạnh Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xây dựng các sản phẩm OCOP thông qua các hợp tác xã và lấy đó là điểm tựa để phát triển du lịch. Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, thiết kế mẫu mã sản phẩm cũng như hỗ trợ các làng nghề trong hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại.

Ngành nông nghiệp Thủ đô “hồi sinh” sau bão, lũ
Thành phố Hà Nội cũng đã xây dựng được nhiều nhãn hiệu được bảo hộ cho sản phẩm nông nghiệp

Ngoài việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch làng nghề, nghỉ dưỡng, triển khai Chương trình OCOP, Hà Nội còn xây dựng các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của thành phố cũng như các địa phương, góp phần tạo thành một hệ sinh thái OCOP, từ đó khai thác, phát triển hoạt động du lịch làng nghề.

Ngành nông nghiệp Thủ đô “hồi sinh” sau bão, lũ
Ngành chăn nuôi của Thủ đô cũng phát triển mạnh, góp phần cung cấp thực phẩm cho người dân Thủ đô

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho thấy, Hà Nội hiện đang là đơn vị dẫn đầu cả nước về số sản phẩm OCOP và số sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5 sao). Thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 2.711 sản phẩm OCOP, gồm 6 sản phẩm 5 sao; 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng); 1.473 sản phẩm 4 sao và 1.220 sản phẩm 3 sao. Hà Nội còn có 105 cửa hàng, điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP được xây dựng trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện để người tiêu dùng Thủ đô nhận diện và tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Ngành nông nghiệp Thủ đô “hồi sinh” sau bão, lũ
Hà Nội có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp

Đặc biệt, du lịch cộng đồng, điểm du lịch nông thôn là một trong 6 nhóm sản phẩm thuộc Chương trình OCOP. Đây được đánh giá là nhóm sản phẩm mà Hà Nội có tiềm năng lớn. Việc các sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP là hướng đi đúng để giúp các hợp tác xã tận dụng tiềm năng, thế mạnh. Qua đó, Chương trình góp phần từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế, văn hóa khu vực nông thôn Hà Nội. Khi sản phẩm du lịch được công nhận là sản phẩm OCOP sẽ được nhiều du khách biết đến, giá trị các mặt hàng cũng được nâng cao.

Ngành nông nghiệp Thủ đô “hồi sinh” sau bão, lũ
Hà Nội có nhiều tiềm năng về các sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP

Cùng với đó, việc đầu tư bài bản, đồng bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các làng nghề phát triển du lịch chính là hướng phát triển bền vững của các làng nghề truyền thống. Các tour, tuyến du lịch làng nghề gắn với hoạt động văn hóa tâm linh, lễ hội truyền thống của mỗi địa phương đang góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch để thu hút du khách đến tham quan trải nghiệm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung ngày càng phát triển.

Chương trình số 07-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025” đã xác định 7 nhóm chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản phẩm nông nghiệp đến năm 2025 đạt trên 70% (hiện đang ở mức 46%).

Để thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU, thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến hỗ trợ và thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất chất lượng trong sản xuất nông nghiệp như: Ứng dụng công nghệ sinh học trong việc sản xuất các loại giống cây, con, kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch bệnh, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản đã tạo bước đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Nhờ đó, nửa đầu năm 2024, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của Hà Nội đạt 22.661 tỷ đồng, tăng 2,94% so cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Hà Nội đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng 58,5%, trong đó hàng nông sản đạt 836 triệu USD.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Tạ Văn Tường cho biết, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục hợp tác với các địa phương để hỗ trợ các hợp tác xã và doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại.

Trong đó, thành phố ưu tiên sử dụng công nghệ sinh học và các chế phẩm vi sinh để kiểm soát môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường trong quá trình chăn nuôi. Giải quyết các khó khăn liên quan đến đất đai và môi trường nhằm khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn, phổ biến, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người chăn nuôi, nhằm phát triển, nhân rộng các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục rà soát quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao và công bố công khai quy hoạch vùng chăn nuôi để kêu gọi cá nhân, doanh nghiệp vào đầu tư.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp hỗ trợ để các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi tập trung đủ điều kiện được áp dụng mô hình nông trại điện tử, tham gia hệ thống quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi để đưa sản phẩm chăn nuôi công nghệ cao vào các kênh phân phối hiện đại, nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường…

(Còn nữa)

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật