Nông dân Gia Lâm làm giàu từ cây dương xỉ Pháp
Để thay thế diện tích cà phê già cỗi, kém hiệu quả của gia đình, anh Nguyễn Hữu Điệp (34 tuổi) ở Thôn 5, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây dương xỉ Pháp và vươn lên làm giàu.
Anh Nguyễn Hữu Điệp chăm sóc vườn dương xỉ Pháp |
Là người tiên phong đem giống cây “lạ” về trồng tại địa phương, anh Nguyễn Hữu Điệp cho biết, năm 2014, cây trồng chủ lực của gia đình anh vẫn là cà phê. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, thời tiết không thuận lợi, giá thành sản xuất ngày càng tăng, vườn cà phê của anh ngày càng già cỗi và cho năng suất thấp. Đến đầu năm 2016, anh Điệp có cơ hội được tiếp xúc các vườn hoa ở Lâm Hà, Đà Lạt. Sau khi tìm hiểu, học hỏi một thời gian, anh thấy rằng nhu cầu về những bó hoa, lẵng hoa được cắm bắt mắt, cầu kì đặc biệt tăng cao những năm trở lại đây. Mặc dù có nhiều cơ sở trồng hoa, cung cấp hoa nhưng ít thấy có nơi nào trồng và cung cấp các loại lá đi kèm làm phụ kiện trang trí cho hoa. Nhận thấy được cơ hội tiềm năng này, vợ chồng anh Điệp đã quyết định chuyển đổi trồng cà phê sang trồng dương xỉ trong nhà kính ngay trong năm 2016.
Theo anh Nguyễn Hữu Điệp, dương xỉ là loại cây mọc hoang dã, có thể sinh trưởng tốt ở nhiều dạng địa hình. Loại cây này còn có khả năng tạo độ ẩm, hấp thụ được một số chất có hại trong không khí, góp phần làm sạch môi trường. Hiện, anh Điệp đang sở hữu trên 3 sào cây dương xỉ Pháp. Một tháng gia đình anh thu hoạch được 4 - 5 đợt lá, cắt thành nhiều bó, mỗi bó gồm 20 lá chia thành 4 loại từ A đến D tùy theo kích cỡ lá từ lớn tới bé. Loại A được bán với giá 45.000 đồng/bó, loại B với giá 35.000 đồng/bó, loại C với giá 25.000 đồng/bó, loại D với giá 15.000 đồng/bó được anh xuất đi các chợ đầu mối trên địa bàn huyện, chợ Đà Lạt và TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Bình quân một sào dương xỉ Pháp, anh Điệp thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng một tháng.
“Thời gian đầu, lúc mới tập trồng dương xỉ, bản thân cũng gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật chăm sóc và nguồn cung cấp giống cây chất lượng nên vườn dương xỉ của gia đình bị mắc một số bệnh, khiến cây không phát triển được. Về sau, tôi có nghiên cứu qua báo, đài, internet thì đã tìm được cách chữa trị. Đồng thời, cũng kết nối được với nguồn cung cấp giống dương xỉ Pháp chất lượng từ Thái Lan. Bên cạnh đó, gia đình cũng đầu tư thêm hệ thống nhà kính và thường xuyên ủ phân hữu cơ nên vườn dương xỉ ngày càng sinh trưởng thuận lợi, tươi tốt”, anh Nguyễn Hữu Điệp phấn khởi chia sẻ.
Anh Điệp cho biết thêm, với khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng có chứa độ phì nhiêu khá lớn tại địa phương thì rất thích hợp để trồng dương xỉ. Ngoài ra, đây còn là loại cây cho thu hoạch nhanh và mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với trồng các cây công nghiệp nên anh rất mong muốn có thể nhân rộng mô hình này đến bà con Nhân dân trên toàn xã. Nhà nông trẻ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng cây dương xỉ cũng như cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm cho các hộ trồng dương xỉ trên địa bàn xã, giúp bà con nâng cao thu nhập.
Đánh giá về mô hình trồng cây dương xỉ Pháp trong nhà kính của anh Nguyễn Hữu Điệp, ông Đinh Văn Sang - Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Lâm cho biết, trồng dương xỉ đòi hỏi người trồng phải chịu khó, đặc biệt là trong khâu tưới nước. Phải luôn đảm bảo tưới đủ nước thường xuyên, cung cấp đủ độ ẩm thì cây sẽ sinh trưởng vô cùng tốt. Nhà nông trẻ Nguyễn Hữu Điệp đã nắm bắt được tâm lí người tiêu dùng hiện nay và đã mạnh dạn, tiên phong mang cây dương xỉ về trồng tại địa phương, đạt hiệu quả kinh tế cao.Trên địa bàn xã đã có 7 hộ trồng dương xỉ được anh Điệp cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm trong nhiều năm nay. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu với các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với đó sẽ tích cực tư vấn, giúp đỡ, đồng hành trong việc đẩy mạnh mô hình trồng cây dương xỉ trong nhà kính và những mô hình tiêu biểu để phát triển kinh tế cho bà con Nhân dân trên địa bàn.