A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển bền vững nghề cá ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong 5 trung tâm nghề cá lớn của cả nước, với hàng nghìn tàu cá, đóng góp tích cực vào ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề cá gặp nhiều khó khăn, đặt ra yêu cầu phải tháo gỡ vướng mắc, chuyển đổi phương thức khai thác để phát triển bền vững nghề cá trên địa bàn tỉnh.

Nghề cá lao đao

Tham dự Chương trình “Ăn sáng cùng ngư dân” do Huyện ủy, UBND huyện Đất Đỏ tổ chức giữa tháng 9 vừa qua, chúng tôi chạnh lòng khi nghe nhiều ý kiến của ngư dân phản ánh tình trạng khó khăn, thua lỗ trong quá trình vươn khơi đánh bắt hải sản. Có những chủ tàu lỗ vài trăm triệu đồng sau mỗi chuyến vươn khơi, từ đầu năm đến nay, liên tục bị âm vốn. Lý giải điều này, các ngư dân giàu kinh nghiệm cho rằng, sản lượng cá giảm mạnh, nhất là cá lớn nên chỉ bắt được cá nhỏ; trong khi đó chi phí tăng cao nên mỗi chuyến đi biển thu hoạch không còn như trước.

Đây cũng là nhận định của ông Huỳnh Tấn Nhất, ngụ tại xã Phước Tỉnh (Long Điền). Gia đình ông có 4 cặp tàu lưới kéo đôi đánh bắt xa bờ. Từ năm ngoái đến nay, tình hình đi biển thất bát, ông bị lỗ nặng, phải bán bớt tàu. “Nguồn cá trong khu vực biển nước ta ít dần, mà đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài thì vi phạm pháp luật nên nhiều tàu phải vớt vát cả cá con, giá rẻ như cho. Bởi vậy, tàu nằm bờ la liệt”, ông Nhất giãi bày.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tham gia tuyên truyền ngư dân không đánh bắt tận diệt, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. 

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), tính đến tháng 9-2024, toàn tỉnh có 4.345 tàu cá đã đăng ký và quản lý trên phần mềm VNfishbase, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giảm nhiều nhất là tàu đánh bắt vùng khơi. Nguyên nhân giảm do tàu làm ăn thua lỗ, hư hỏng hoặc bị chìm... Thực tế này đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân để ổn định cuộc sống. Thế nhưng, việc chuyển đổi ngành nghề, thay đổi phương thức khai thác hải sản cũng gặp khó khăn không ít. Theo đồng chí Hồng Như Vàng, Phó chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ, nghề lưới kéo (hay còn gọi là giã cào, đánh bắt tận diệt ven bờ) hủy hoại môi trường nên sẽ không thể tồn tại mà phải chuyển đổi. Song, đa phần ngư dân làm nghề lưới kéo đều là hộ nghèo nên vấn đề vốn để chuyển đổi từ nghề lưới kéo sang nghề lưới khác thân thiện với môi trường, phải cải hoán tàu và thay máy, thay lưới rất tốn kém, ngư dân không kham nổi. Cùng với đó là thói quen đánh bắt nhỏ lẻ, chỉ thấy lợi trước mắt ở không ít ngư dân khó thay đổi một sớm một chiều. Họ cũng không biết làm nghề gì khác ngoài nghề giã cào. Đây là những vướng mắc khiến nghề cá ngày càng lao đao.

Mặt khác, việc đào tạo, tập huấn nghề cho ngư dân cần có thời gian để bà con làm quen với nghề mới. Với những trường hợp ngư dân không có chỗ ở, không có đất đai, sống chủ yếu trên ghe, tàu thì việc chuyển nghề càng thêm khó. Bởi vậy, chủ trương chuyển đổi nghề cho ngư dân đã có từ mấy năm nay, nhưng vẫn chưa đạt được như mong đợi.

Hỗ trợ chuyển nghề, khai thác chọn lọc

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện còn hơn 1.100 tàu lưới kéo đánh bắt ven bờ, sử dụng lưới kéo, gây tác hại lớn đến môi trường và làm khan hiếm nguồn thủy sản. Đồng thời, những hộ ngư dân làm nghề lưới kéo này cũng gặp khó khăn do chính hậu quả đánh bắt tận diệt gây ra. Cho nên, việc chuyển đổi nghề càng trở nên cấp thiết. Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Có nhiều mô hình chuyển nghề cho ngư dân, như: Chuyển sang nghề lưới vây, nghề câu, nghề chụp, lồng bẫy, nuôi trồng thủy sản nước ngọt hoặc nước mặn, tham gia tổ nghề nghiệp làm chả cá, chả mực... Tùy khả năng của mỗi gia đình để lựa chọn chuyển nghề cho phù hợp. Đã có nhiều gia đình chuyển nghề thành công, phát triển tốt, mang lại thu nhập cao và tạo việc làm cho không ít lao động tại địa phương, điển hình như các hộ nuôi hàu, nuôi cá bè, Hợp tác xã Như Ý ở xã Long Sơn (TP Vũng Tàu); tổ dịch vụ sản xuất chả cá, chả mực ở xã Phước Tỉnh (Long Điền); vựa thu mua hải sản Nhật Anh ở xã Bình Châu (Xuyên Mộc)...

Tuy nhiên, để ngư dân yên tâm chuyển đổi nghề với những mô hình hiệu quả, cần có sự định hướng, hỗ trợ từ chính quyền và các ngành liên quan. Với chức trách, nhiệm vụ của mình, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã khảo sát, quy hoạch khu vực nuôi trồng thủy sản, tạo thuận lợi cho các hộ ngư dân muốn chuyển sang nuôi cá bè; tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ vốn, kỹ thuật chế biến hải sản chuyên sâu, chế biến các mặt hàng tinh chế nhằm nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản; tiếp tục triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa...

Cán bộ Vùng 2 Hải quân chung tay tuyên truyền ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển bền vững nghề cá.

Bà Phạm Thị Na, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện tại, sở đang xây dựng Đề án chuyển đổi nghề cho tàu cá đang hoạt động khai thác ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản; trong đó nhấn mạnh mục tiêu hỗ trợ vốn, dạy nghề và giúp chuyển đổi nghề để bà con có sinh kế bền vững hơn.

Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch chỉ rõ khu vực cấm khai thác hải sản, thời gian cấm đánh bắt hải sản để không ảnh hưởng đến chu trình sinh sản, phát triển của các loài thủy sản và xác định mục tiêu giảm số lượng tàu cá. Lộ trình điều chỉnh cơ cấu nghề đến năm 2030, tỉnh sẽ tiếp tục giảm số lượng tàu cá tối thiểu thêm 12% để bảo đảm khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững; đồng thời, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản phù hợp với khả năng, gắn phát triển sinh kế của cộng đồng ngư dân theo hướng phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, nghề cá giải trí.

Chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện quy hoạch nhằm phát triển an toàn, bền vững nghề cá, các đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn như: Vùng 2 Hải quân, Vùng Cảnh sát biển 3, Bộ đội Biên phòng, Bộ CHQS tỉnh... tích cực tuyên truyền, ngăn chặn đánh bắt hải sản tận diệt, phá hủy môi trường; phối hợp hướng dẫn, giúp ngư dân hiểu rõ chủ trương, chính sách chuyển đổi nghề phù hợp; hỗ trợ ngư dân nuôi trồng thủy sản an toàn, đúng pháp luật... Nhiều chương trình thiết thực đã được triển khai, như: “Ăn sáng cùng ngư dân”, “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”... Những chương trình này góp phần làm thay đổi nhận thức của ngư dân, giúp nhiều hộ tự giác từ bỏ đánh bắt hải sản tận diệt, chuyển đổi nghề thích hợp.

Theo đồng chí Nguyễn Công Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, giảm tàu cá là để khai thác hải sản có chọn lọc, tiến tới đoạn tuyệt với tàu lưới kéo. Tỉnh khuyến khích ngư dân chuyển đổi nghề sang nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch và xuất khẩu, giảm dần cường lực khai thác phù hợp với tiềm năng nguồn lợi thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững, có trách nhiệm, hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo vệ môi trường. Để đạt được kết quả, tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, huy động các lực lượng cùng tham gia với quyết tâm khó mấy cũng phải làm vì cuộc sống của người dân và vì nghề cá phát triển bền vững.


Tags: nghề cá
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật