A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư cho Tây Nguyên

Kết quả thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các tỉnh khu vực Tây Nguyên trong nhiều năm qua chưa đạt như kỳ vọng. Hạ tầng lạc hậu và chưa đồng bộ, khả năng kết nối giao thông hạn chế; cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập... là những lực cản khiến nhiều nhà đầu tư chưa mặn mà với Tây Nguyên.

Kết quả chưa tương xứng với tiềm năng

Khu vực Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh: Đắk Nông, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, có tổng diện tích tự nhiên hơn 54.000km2, chiếm 1/6 diện tích tự nhiên của cả nước với khoảng 6 triệu người đang sinh sống. Tây Nguyên sở hữu mạng lưới sông hồ dày đặc, nhiều thác ghềnh, trữ năng thủy điện lớn, nguồn tài nguyên rừng phong phú với độ che phủ đạt khoảng 51%, hệ động, thực vật rất đa dạng, có lợi thế lớn về đất đai, trong đó nổi bật là đất đỏ bazan màu mỡ với khoảng 2 triệu ha, có tài nguyên khoáng sản phong phú, riêng trữ lượng quặng bô-xít lên tới 5,6 tỷ tấn, đứng thứ hai thế giới.

Tây Nguyên còn là vùng đất bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống bản địa đặc sắc, có khí hậu ôn hòa, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ... Đây chính là tiềm năng, thế mạnh để phát triển công nghiệp năng lượng sạch, khai khoáng, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, du lịch...

Sơ chế cà chua tại Công ty TNHH sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy, Lâm Đồng. 

Những năm qua, với chính sách “trải thảm đỏ” của Đảng, Nhà nước và các địa phương, đã có nhiều nhà đầu tư đến với Tây Nguyên sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng vào sự phát triển của vùng. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung cả nước thì kết quả thu hút đầu tư vào Tây Nguyên còn khá khiêm tốn. Toàn vùng hiện mới có khoảng 150 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 944 triệu USD, chiếm 0,002% tổng vốn đăng ký của cả nước.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2020-2022, địa phương này có 74 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký là 24.183,1 tỷ đồng. Trong đó, có 69 dự án vốn trong nước, 5 dự án FDI với số vốn đăng ký là 279,4 tỷ đồng, riêng 9 tháng năm 2023, Lâm Đồng cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 8 dự án sử dụng vốn đầu tư trong nước, với số vốn đăng ký đầu tư là 643,6 tỷ đồng, giảm 3 dự án so với năm 2021, 5 dự án bị thu hồi, chấm dứt hoạt động, không có dự án FDI nào được đăng ký mới.

Tỉnh Đắk Nông hiện có hơn 380 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 74.860 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư FDI khoảng 7.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2020-2023, tỉnh Đắk Lắk thu hút được 77 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 51.292 tỷ đồng. Từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh Gia Lai cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư cho 228 dự án với vốn đăng ký gần 80.285 tỷ đồng...

Tại Tây Nguyên, nhà đầu tư rót vốn chủ yếu vào các lĩnh vực năng lượng, khai khoáng, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ, quy mô các dự án vừa và nhỏ là chủ yếu, tổng mức đầu tư thấp.

Sơ chế và đóng gói hoa tươi tại Công ty TNHH Dalat Hasfarm, Đà Lạt, Lâm Đồng. 

Khẩn trương gỡ khó, tăng cường thu hút đầu tư

Theo ông Hoàng Việt Lâm, Phó giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Lâm Đồng, mặc dù có nhiều lợi thế nhưng vị trí địa lý, địa hình khu vực Tây Nguyên lại có những bất lợi, xa cảng biển và các trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn của cả nước.

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông kết nối nội vùng, liên vùng còn lạc hậu, chậm được đầu tư nâng cấp, thời gian vận chuyển hàng hóa và chi phí logistics tăng, giá đất cao, thiếu mặt bằng “sạch”, công tác quy hoạch của các địa phương chậm hoàn thiện khiến Tây Nguyên bị giảm sức cạnh tranh và sức hút đầu tư so với nhiều khu vực trong cả nước. “Để thu hút đầu tư, trước mắt cần tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, nhất là cải thiện hạ tầng giao thông kết nối và chính sách về đất đai, thủ tục hành chính”, ông Hoàng Việt Lâm chia sẻ.

Với phương châm “thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của địa phương”, thời gian qua, các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã có nhiều nỗ lực nhằm không ngừng đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư, cụ thể: Thường xuyên tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp nhằm lắng nghe nhu cầu và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian duyệt và cấp chứng nhận đầu tư. Tăng cường, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư. Điển hình như tháng 8-2023, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức thành công hội nghị kết nối giao thương Ấn Độ và các tỉnh Tây Nguyên.

Hơn 40 doanh nghiệp từ 8 bang của Ấn Độ đã đến TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng tìm hiểu, ký kết 30 bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm với chính quyền và các doanh nghiệp Tây Nguyên. Ngay sau hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh đã có chuyến công tác tại Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm kêu gọi đầu tư và chứng kiến nhiều hoạt động ký kết chương trình hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp Lâm Đồng với các doanh nghiệp hai nước.

Theo ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, địa phương này đã ban hành quy định về trình tự, trách nhiệm phối hợp giải quyết thủ tục đầu tư và quản lý dự án đầu tư, tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tiếp cận được các hồ sơ quy hoạch, địa điểm đầu tư cũng như hỗ trợ nhà đầu tư trong giải phóng mặt bằng, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Năm 2022, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và hơn 400 đại biểu đến từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tại hội nghị, UBND tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 17 doanh nghiệp, ký biên bản ghi nhớ 22 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 130.000 tỷ đồng, tương đương 5,6 tỷ USD...

Đối với “điểm nghẽn” lớn nhất là vấn đề kết nối giao thông, năm 2023, tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột đã được khởi công, tuyến cao tốc Dầu Giây-Tân Phú-Bảo Lộc dự kiến cũng sẽ khởi công vào cuối năm nay. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, từ nay đến năm 2030, khu vực Tây Nguyên sẽ đầu tư 8 tuyến cao tốc với chiều dài 830km, tổng vốn đầu tư khoảng 151.000 tỷ đồng, trong đó đến năm 2025 phải hoàn thành đầu tư các tuyến cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Dầu Giây-Tân Phú-Bảo Lộc, Bảo Lộc-Liên Khương.

Đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành thêm một số tuyến cao tốc quan trọng khác gồm: Gia Nghĩa-Chơn Thành, Quy Nhơn-Pleiku, Kon Tum-Quảng Nam... sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, hệ thống cao tốc sẽ góp phần phá thế cô lập, giúp Tây Nguyên gần hơn với hệ thống cảng biển và các trung tâm dịch vụ, hậu cần, kỹ thuật lớn của cả nước.

Tại Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên vừa diễn ra tại TP Đà Lạt, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết: Thời gian tới, bên cạnh tích cực tham vấn, đề xuất ban hành quy chế đặc thù cho Tây Nguyên, đẩy mạnh cải cách cơ chế, chính sách, thể chế... thì Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên chú trọng tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, điều phối việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công để định hướng, dẫn dắt các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước gồm FDI, vốn doanh nghiệp, tư nhân vào Tây Nguyên, tạo động lực mạnh mẽ cho Tây Nguyên phát triển nhanh, hài hòa, bền vững.


Tags: Tây Nguyên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật