Tiêu điểm
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền, hàng hóa lớn

Sáng 4-4, tại thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp cùng Sở NN-PTNT Thái Bình tổ chức Diễn đàn trực tiếp và trực tuyến với chủ đề “Thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền”.

Quang cảnh Diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Nga, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình cho biết, với diện tích lúa khoảng 155.000ha/năm, Thái Bình là tỉnh có diện tích gieo cấy lúa đứng thứ hai khu vực Đồng bằng sông Hồng và luôn đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa ngày càng được đẩy mạnh. Tuy nhiên, nông nghiệp Thái Bình đang đứng trước những khó khăn thách thức lớn, đặc biệt ngành nông nghiệp vẫn còn trong tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả sản xuất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp; các hợp tác xã nông nghiệp chưa khẳng định được vai trò dẫn dắt, tổ chức cho các hộ nông dân hợp tác, liên kết trong sản xuất và kết nối với chế biến, tiêu thụ; thiếu vắng các doanh nghiệp lớn làm đầu tàu và định hướng cho chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Những tồn tại hạn chế trên cũng chính là những điểm nghẽn lớn hạn chế sự phát triển của ngành nông nghiệp trong thời gian qua cũng như giai đoạn tới.

Nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn trên, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045"... có cơ chế, chính sách khuyến khích tập trung, tích tụ ruộng đất, các hình thức góp vốn trong sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng các vùng chuyên canh, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, an toàn, có thương hiệu theo nhu cầu của thị trường. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng; mở rộng diện tích trồng cây ăn quả và các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao; khắc phục tình trạng bỏ ruộng không canh tác hoặc sử dụng đất nông nghiệp kém hiệu quả”.

Thực hiện chủ trương khuyến khích tập trung, tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND ngày 10-12-2021 quy định về cơ chế chính sách về hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai; mua máy cấy, hệ thống thiết bị sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, ngoài số tiền các hộ dân có đất cho thuê được hưởng, họ còn được tỉnh khuyến khích hỗ trợ tiền: Đối với hình thức tích tụ, tập trung đất đai theo hình thức thuê đất, Ủy ban nhân dân cấp xã được hỗ trợ kinh phí để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thuê đất, thuê mặt nước. Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/1ha. Hộ gia đình, cá nhân cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thuê đất, thuê mặt nước được hỗ trợ bằng tiền tương đương với 20kg thóc/360m2/năm. Đối với hình thức tích tụ, tập trung đất đai theo hình thức liên kết hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tổ chức, cá nhân chủ trì liên kết hoặc nhận vốn góp bằng quyền sử dụng đất được hỗ trợ kinh phí tổ chức thực hiện; mức hỗ trợ 1 triệu đồng/1ha. Hộ gia đình, cá nhân tham gia liên kết hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất được hỗ trợ bằng tiền tương đương 10kg thóc/360m2/năm.

Ông Đặng Tất Tuân, nông dân xã Phú Châu, huyện Đông Hưng, Thái Bình tập trung được 12 ha, thu hoạch khoảng 70 tấn lúa/vụ, lợi nhuận trung bình khoảng 200-250 triệu đồng/ vụ. 

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam phát biểu: Thái Bình là điểm sáng trong tập trung, tích tụ đất đai nhờ có những cơ chế khuyến khích, động viên kịp thời. Tuy nhiên,  thực tiễn trong việc phát triển đại điền vẫn còn gặp nhiều trở ngại, đơn lẻ, mà một trong những “rào cản” đó chính là những quy định trong Luật Đất đai hiện tại, khi nông dân vùng Đồng bằng sông Hồng được giao tối đa 2ha đất trồng lúa/hộ, Đồng bằng sông Cửu Long là 3ha, đồng thời được chuyển nhượng 10 lần giới hạn giao đất.

Hiện Thái Bình, số hộ có diện tích từ 2ha trở lên là hơn 1.700 hộ. Trong đó có những hộ có diện tích lớn nhất gần 70ha cũng được tập trung, tích tụ. Đặc biệt, một tổ chức đang hình thành là hội đại điền. Trong tổng số hơn 1.700 hộ có diện tích hơn 2ha, hội đại điền đã quy tụ được khoảng gần 200 thành viên trong toàn tỉnh. Một số hội đại diện đã gom ruộng vào và thành lập hợp tác xã (HTX).

Với sự đóng góp tâm huyết, trí tuệ của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp; đặc biệt là ý kiến quý báu của các hộ nông dân, hợp tác xã tiên phong trong tích tụ đất đai ở Thái Bình tại Diễn đàn này sẽ là những bài học, đề xuất, gợi mở quý giá làm tiền đề cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, nhằm cụ thể hóa mục tiêu “Xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật